'Thiên tai từ nay đến cuối năm khó lường, cần hành động sớm'

18/05/2024 13:58 GMT+7

Sáng 18.5, tại Phú Thọ đã diễn ra lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2024 với chủ đề 'Hành động sớm - chủ động trước thiên tai'.

Phát biểu tại lễ mít tinh, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết "hành động sớm" là phương pháp tiếp cận mới trong quản lý rủi ro thiên tai, được Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới triển khai nhằm tăng cường hơn nữa khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và chú trọng tới những đối tượng dễ bị tổn thương, tiêu biểu như các hoạt động: tăng cường dự báo, cảnh báo về thiên tai và thông tin tới cộng đồng; kiểm tra đảm bảo an toàn các công trình phòng, chống thiên tai; sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn…

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT

CTV

Theo ông Hiệp, trong những năm gần đây, thiên tai ở nước ta diễn ra khắp các vùng miền với xu thế gia tăng, bất thường và khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, tài sản, đời sống, sản xuất của người dân. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế 1 - 1,5% GDP. Tính riêng năm 2023, cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai, trong đó có 1.964 trận thiên tai được thống kê, làm 169 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỉ đồng.

"Trước những diễn biến ngày một cực đoan, khó lường của thiên tai, chính quyền và người dân cần luôn khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống thiên tai ở cả 3 giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ", ông Hiệp nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT trao giải cho các học sinh đoạt giải trong cuộc thi về phòng, chống thiên tai

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT trao giải cho các học sinh đoạt giải trong cuộc thi về phòng, chống thiên tai

CTV

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, từ đầu năm tới nay, hiện tượng El Nino đã gây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tại miền núi phía bắc là các đợt rét đậm, rét hại, giông, lốc, sét gây ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của người dân. 

"Dự báo thiên tai từ nay đến cuối năm 2024 sẽ diễn biến phức tạp, khó lường nên cần tập trung hành động sớm để giảm thiểu thiệt hại", ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang xảy ra ngay lúc này và ảnh hưởng đến trẻ em, sinh kế của các gia đình, tương lai của cả cộng đồng ở Việt Nam.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam

CTV

"Dựa trên các dự báo, chúng tôi tin rằng không có mối đe dọa nào lớn hơn mối đe dọa tới sự sống còn, sức khỏe và sự phát triển của trẻ em so với khủng hoảng khí hậu. Hạn hán, xâm nhập mặn, các đợt nắng nóng nghiêm trọng, sạt lở đất ở miền Bắc, lũ lụt ở miền Trung đang ngày càng nghiêm trọng, là một mối đe dọa tới sự phát triển của trẻ em", bà Rana Flowers nói.

Theo bà Rana Flowers, cần ưu tiên việc lập kế hoạch phòng, chống thiên tai, lấy trẻ em làm trung tâm, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm hướng tới trẻ em và các nhóm có nguy cơ khác, đảm bảo các cộng đồng đang thích ứng ngay hôm nay và có các biện pháp can thiệp ứng phó kịp thời để đảm bảo giải quyết các điểm yếu và nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và trẻ em.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.