Rủi ro pháp lý khi nuôi rồng Nam Mỹ Iguana - Kỳ 2: Lời khuyên của luật sư

Rủi ro pháp lý khi nuôi rồng Nam Mỹ Iguana - Kỳ 2: Lời khuyên của luật sư

21/05/2024 10:30 GMT+7

Theo luật sư, hành vi mua bán, nuôi nhốt, vận chuyển rồng Nam Mỹ Iguana (nằm trong phụ lục II của Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp, tức CITES) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính, tùy thuộc tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.

Tại kỳ 1 của phóng sự "Rủi ro pháp lý khi nuôi rồng Nam Mỹ Iguana", câu chuyện của ông Ngô Hoài Nam (39 tuổi) là chủ nhân của khu vườn bò sát nổi tiếng ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương được nhiều người chú ý. Bởi loài vật này quá phổ biến dẫn đến nhiều người lầm tưởng có thể nuôi tự do.

Rủi ro pháp lý khi nuôi rồng Nam Mỹ Iguana - Kỳ 2: Lời khuyên của luật sư

Tuy nhiên, trên thực tế, rồng Nam Mỹ là loại động vật thuộc phụ lục II của Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) bao gồm những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể sẽ bị tuyệt chủng nếu không được kiểm soát.

Xuất phát từ tình thương và đam mê đối với các loài động vật, từ năm 2010, ông Ngô Hoài Nam tìm mua và giải cứu nhiều loài động vật như kỳ nhông Iguana, kỳ đà hoa, kỳ nhông sừng, gà lôi trắng, đưa về biệt thự riêng tại thành phố Thuận An để chăm sóc.

Rủi ro pháp lý khi nuôi rồng Nam Mỹ Iguana - Kỳ 2: Lời khuyên của luật sư- Ảnh 1.
Rủi ro pháp lý khi nuôi rồng Nam Mỹ Iguana - Kỳ 2: Lời khuyên của luật sư- Ảnh 2.
Rủi ro pháp lý khi nuôi rồng Nam Mỹ Iguana - Kỳ 2: Lời khuyên của luật sư- Ảnh 3.

Rồng Nam Mỹ Iguana

THẢO NHÂN

Đến năm 2020, khi đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C05) Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Dương cùng nhiều đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra biệt thự, lập biên bản vi phạm, thì ông Ngô Hoài Nam mới biết mình đã nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã suốt bao năm qua.

Câu chuyện của ông Ngô Hoài Nam như một bài học cảnh tỉnh đối với những người yêu động vật và có mong muốn nuôi dưỡng, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Vậy, làm sao để nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề này?

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM)

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM)

THẢO NHÂN

Liên quan trường hợp này, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) đánh giá hành động giải cứu hoặc có tình yêu đối thiên nhiên, động vật hoang dã, là điều rất tốt, nhưng tình yêu, hành động ấy phải đúng quy định pháp luật.

Theo luật sư Lê Văn Hoan, hiện nay, căn cứ để xử phạt hành chính hay xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã đã được luật hóa, quy định rất rõ ràng.

Luật sư cho biết căn cứ xử lý hình sự hay xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.

Luật sư Lê Văn Hoan cũng lưu ý trong trường hợp giá trị tang vật dưới 150 triệu đồng thì người vi phạm vẫn có nguy cơ bị xử lý hình sự về tội "vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã" theo quy định tại điều 234 bộ luật Hình sự nếu đã bị xử phạt hành chính, hoặc chưa được xóa án tích mà vẫn tiếp tục vi phạm.

Luật sư cũng nêu: Đối với động vật quý, hiếm thuộc danh mục nhóm IB, theo quy định của pháp luật, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm", được quy định điều 244 bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Việc nuôi nhốt động vật hoang dã đã được quy định rất rõ tại điều 11 của Nghị định 06/2019. Theo đó, để nuôi nhốt các loại động vật hoang dã, người dân phải đảm bảo 3 yếu tố: Nguồn gốc rõ ràng; đảm bảo an toàn cho người nuôi; theo dõi, báo cáo cho cơ quan chuyên môn (y tế, thú y, kiểm lâm) để có sự theo dõi cần thiết và trong trường hợp xảy ra sự cố không mong muốn, các cơ quan này sẽ phối hợp với người nuôi để xử lý, làm sao đảm bảo độ an toàn của người nuôi cũng như động vật một cách tốt nhất.

Luật sư Lê Văn Hoan cũng chia sẻ, để thực hiện đúng các tiêu chí vừa nêu là rất khó và hầu như người dân không tìm được tiếng nói chung trong thủ tục với cơ quan chức năng, nên người dân thường “bỏ qua” thủ tục.

Luật sư cũng khuyên người dân nên tìm hiểu kỹ Nghị định 06/2019 và Nghị định 84/2021. Đồng thời nghiên cứu thêm những danh mục các động vật, thực vật thuộc hàng quý hiếm, được quy định trong Công ước CITES. Đây chính là chìa khóa để những người yêu động vật hoang dã thực thụ có thể ngăn ngừa rủi ro pháp lý, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, luật sư Lê Văn Hoan cũng khuyến cáo người dân trong trường hợp phát hiện có những hành vi mua bán, vận chuyển hoặc giết mổ trái phép các loại động vật quý, hiếm, đang được chúng ta bảo tồn thì có chăng, người phát hiện đó sẽ báo ngay cho cơ quan thú y, cơ quan kiểm lâm, hoặc UBND cấp xã gần nhất để có phương án xử lý kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.