Kỳ tích sân bay Incheon và dấu ấn của các nhà thầu Hàn Quốc

20/05/2023 09:00 GMT+7

Sân bay Incheon đã mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của Hàn Quốc nói chung và ngành xây dựng nước này nói riêng.

Cách đây hơn 3 thập kỷ, người Hàn Quốc bắt đầu mơ về một sân bay xứng tầm với đà tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế, thay thế cho cảng hàng không Gimpo già cỗi. Ngày 14.6.1990, từ 22 địa điểm ban đầu, người Hàn đã quyết định đặt "siêu sân bay" mới tại Yeongjong - một đảo nhân tạo cách Seoul 45 km về phía Tây, cách bờ biển thành phố Incheon 15km.

Kỳ tích sân bay Incheon và dấu ấn của các nhà thầu Hàn Quốc - Ảnh 1.

Sân bay Incheon Hàn Quốc, niềm tự hào của người Hàn Quốc

Đây là dự án xây dựng lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, mở đầu cho kỷ nguyên mới về phát triển kinh tế bùng nổ cho khu vực Tây Bắc rộng lớn. Nó cũng mở ra cánh cửa cơ hội cho các công ty xây dựng Hàn Quốc làm chủ kỹ thuật xây dựng cảng hàng không mà cách đây hơn 40 năm người Hàn chưa bao giờ dám mơ ước.

Ngày nay, Incheon là sân bay lớn nhất Hàn Quốc, cũng là một trong những thương cảng hàng không nhộn nhịp nhất thế giới. Quy mô sân bay này lớn đến nỗi để hỗ trợ hoạt động của nó, người ta đã xây dựng một thành phố mới mang tên "New Airport City" ngay bên cạnh để trao đổi nguồn nhân lực, vật chất, thông tin,…

Ước mơ về một ngành xây dựng tự chủ

Trong cuốn hồi ký "Không bao giờ là thất bại: Tất cả là thử thách" của người sáng lập tập đoàn Hyundai, cố Chủ tịch Chung Ju Yung, ông nhận xét Hàn Quốc là nước phát triển nhanh nhất trong những nước đang phát triển và điều này phần lớn phụ thuộc vào sự trưởng thành nhanh chóng của ngành xây dựng.

Sau năm 1945, ngành xây dựng Hàn Quốc mới bắt đầu nhen nhóm song thị trường vẫn chịu sự thống trị của các công ty Nhật Bản. Những công trình quan trọng của đất nước lúc bấy giờ như đập Supung trên sông Áp Lục, đập Hwachon, trạm phát thủy lực Chongpiong, các trạm luyện khoáng,… đều do các nhà thầu Nhật Bản đảm nhận.

Đây là điều thường thấy tại các nước mới giành độc lập ở các vùng như Nam Mỹ, Trung Đông, Đông Nam Á,… khi các công trình quy mô lớn vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài thiết kế và các công ty nước ngoài thi công. Nước chủ nhà phải chi trả một khoản tiền lớn cho việc xây dựng các công trình này, với thời gian xây dựng kéo dài, nền kinh tế không thể phát triển lên được. Các công ty xây dựng Hàn Quốc đã sớm nhận biết được điều này.

Kỳ tích sân bay Incheon và dấu ấn của các nhà thầu Hàn Quốc - Ảnh 2.

Ngành xây dựng là một trong những ngành quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước

"Xây dựng là một ngành quan trọng, và cũng chẳng có ngành nào nặng nhọc bằng ngành xây dựng. Không chỉ đối với cơ sở vật chất của các ngành công nghiệp, mà từ lĩnh vực sản xuất cơ sở vật chất phục vụ ăn ở mặc cho đến các lĩnh vực chịu trách nhiệm gián tiếp của ngành xây dựng đều đóng vai trò to lớn. Không những vậy, nó còn đảm nhận vai trò quan trọng trong việc hình thành nguồn vốn cho phát triển kinh tế đất nước", cố Chủ tịch Hyundai chia sẻ.

Thời điểm đó, các doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc đã chủ động tham gia một phần vào những công trình xây dựng quy mô lớn, do các công ty nước ngoài thầu. Dần dần, họ mở rộng phạm vi công việc của mình với ước mơ đẩy lùi các tập đoàn nước ngoài.

Tìm thấy cơ hội từ sân bay Incheon

Năm 1992, tức gần 50 năm sau, những công ty xây dựng Hàn Quốc mới tìm thấy cơ hội "quý hơn vàng" để trưởng thành. Cơ hội đó mang tên: Sân bay quốc tế Incheon.

Cảng hàng không Incheon là một đại công trình lúc bấy giờ của Hàn Quốc. Đây cũng là sân bay quy mô mở đầu đấu thầu công khai, yêu cầu các nhà thầu phải có đủ tiềm lực đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất tại thời điểm đó.

Kỳ tích sân bay Incheon và dấu ấn của các nhà thầu Hàn Quốc - Ảnh 3.

Dự án sân bay Incheon đã tạo cơ hội cho nhà thầu Hàn Quốc thể hiện năng lực và vươn tầm thế giới

Thực tế, Hàn Quốc đã có sự cân nhắc lựa chọn các nhà thầu nước ngoài. Tuy nhiên, với khát khao làm chủ ngành xây dựng của người Hàn, cùng với đó là đất nước đang trong bối cảnh khó khăn do vừa trải qua cuộc Khủng hoảng Tài chính châu Á, Hàn Quốc đã quyết định lựa chọn các nhà thầu trong nước cho công trình thế kỷ này.

Chia sẻ về quá trình nhận thầu lãnh đạo công ty xây dựng Hyundai Engineering & Construction, cho biết: "Quá trình nhận thầu và xây dựng hoàn thành một công trình cũng khó khăn như việc thành lập một công ty cho đến sản xuất ra sản phẩm. Trước tiên là khó khăn khi phải chiến thắng các doanh nghiệp cùng ngành trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời phải có lợi nhuận và tích lũy được kinh nghiệm cũng như kỹ thuật để có thể tiếp tục công trình tiếp theo.

Cho dù chúng tôi chiến thắng trước các công ty nước ngoài nhưng doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc vẫn còn rất lạc hậu, vì vậy chúng tôi luôn luôn không thể biết chắc có thể giành được công trình tiếp theo hay không".

Kết quả, nhà thầu chính trong việc xây dựng sân bay quốc tế Incheon là một tập đoàn gồm các công ty xây dựng của Hàn Quốc có tên "Korea Airport Engineering Corp. (KAEC). Liên danh này bao gồm một số công ty như: Samsung C&T, Daewoo Engineering & Construction, và Hyundai Engineering & Construction.

Sân bay Incheon bắt đầu xây dựng vào năm 1992 và hoàn thành vào năm 2001 với chi phí khoảng 5 tỉ USD. Kể từ đó, KAEC tiếp tục tham gia vào việc bảo trì và mở rộng sân bay, bao gồm cả xây dựng nhà ga hành khách thứ hai, mở cửa vào năm 2018.

"Vào thời mà tất cả mọi người đều nhận thức rằng chỉ có công ty của những nước tiên tiến mới có khả năng thực hiện, vậy mà doanh nghiệp của nước tôi đã đảm nhận được và tất nhiên là chúng tôi làm được cả những cơ sở vật chất quy mô lớn của xã hội", cố Chủ tịch Hyundai bày tỏ.

Trên nền tảng kinh nghiệm và kỹ thuật tôi luyện được từ những đại công trình trong nước như thế, ngành xây dựng Hàn Quốc đã bước ra thị trường thế giới. Bằng chứng là tập đoàn Incheon đã trúng thầu xây dựng sân bay quốc tế trị giá 1 tỉ USD tại Myanmar - công trình được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế đất nước Đông Nam Á này cất cánh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.