Chưa hết nắng nóng đã lo chống ngập

10/05/2024 06:27 GMT+7

Những cơn mưa ngắn ngủi đầu mùa chưa kịp hạ nhiệt những tháng nắng nóng khủng khiếp, đã lại khiến người dân TP.HCM thấp thỏm lo ngập.

Vừa cầu mưa vừa sợ ngập

Trưa 5.5, nhiều khu vực tại TP.HCM có mưa kèm sấm sét, gió giật mạnh. Trong khi các khu vực H.Nhà Bè, Q.7, Q.Bình Thạnh mưa chỉ đủ ướt đường thì phía ngoại ô như Q.12, Q.Bình Tân, TP.Thủ Đức, mưa kéo dài, khá nặng hạt. Chưa kịp mừng được trận mưa "đã đời" sau chuỗi ngày nắng nóng đằng đẵng, rất nhiều người dân di chuyển qua các khu vực trên đã phải chịu cảnh lội nước khi một số tuyến đường ngập sâu. Tại khu vực chợ Thủ Đức và một số tuyến đường như Tô Ngọc Vân, Dương Văn Cam… xảy ra ngập cục bộ.

TP.HCM đặt mục tiêu giải quyết ngập cho khu vực Q.7, H.Nhà Bè và H.Bình Chánh giai đoạn 2024 - 2025 bằng cách hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)

TP.HCM đặt mục tiêu giải quyết ngập cho khu vực Q.7, H.Nhà Bè và H.Bình Chánh giai đoạn 2024 - 2025 bằng cách hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)

TRUNG NAM

Vất vả lội nước dưới cơn mưa tầm tã đã khổ, nước mưa còn quện với nước cống đục ngầu, hôi thối khiến nhiều người di chuyển qua đường Quách Điêu (H.Bình Chánh) ám ảnh. "Tôi ngồi ở Nhà Bè, hóng thấy trên các trang mạng xã hội, người dân từng quận lên bài báo có mưa mà chờ mãi chẳng thấy mưa tới chỗ mình. Mưa có tí lại tạnh, vừa khao khát được như người ta thì thấy họ bắt đầu đưa hình ngập nước đen ngòm, cũng hãi. Phía Nhà Bè cũng có vài tuyến đường hễ mưa là ngập. Thành thử, vừa cầu mưa lại vừa sợ ngập", chị Minh An (ngụ H.Nhà Bè) chia sẻ.

Liên tiếp những ngày sau, TP.HCM có mưa trên diện rộng, tập trung ở các quận trung tâm và khu vực phía đông, tiếp tục gây ngập cục bộ một số tuyến đường. Đơn cử, đường Lê Văn Việt (TP.Thủ Đức) chiều 7.5, đoạn dài gần 1 km từ Lã Xuân Oai đến Đình Phong Phú, nước ngập 30 - 40 cm, xe cộ qua lại khó khăn, hàng loạt phương tiện chết máy. "Đoạn đường này trũng thấp nên thường xuyên ngập nặng vào mùa mưa, đi lại rất vất cả", anh Tâm, ngụ TP.Thủ Đức, nói.

18 tuyến đường hễ mưa, triều cường là ngập tại TP.HCM

Cách đó gần 10 km ở khu vực giáp TP.Thủ Đức và Bình Dương, nhánh hầm chui trên QL1 đoạn trước Bến xe Miền Đông bị ngập do máy bơm bị sự cố. Đây là một hạng mục thuộc dự án cầu vượt, hầm chui trước bến xe, đang khai thác tạm cho xe máy lưu thông. Nước ngập khoảng 30 cm, nhiều người phải quay đầu xe đi lên phần đường phía trên.

Qua theo dõi tình hình mưa và ngập nước các năm 2022 và 2023, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng) dự báo mùa mưa năm nay, trên địa bàn TP.HCM sẽ có 26 điểm ngập do tác động của mưa lớn và triều cường trên tổng số 735 tuyến đường trục chính tại địa bàn TP.

Trong đó có 19 điểm ngập do mưa, gồm 5 điểm ngập sau mưa kéo dài trên 30 phút, bao gồm: đường Nguyễn Văn Khối, Song hành QL22, Bà Triệu, Võ Văn Kiệt, Hồ Ngọc Lãm. Có 14 điểm ngập tức thời trong mưa và ngập sau mưa không quá 30 phút, gồm: đường Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích, Phan Văn Hớn, Song hành QL22, Nguyễn Văn Quá, Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng, Trường Sơn, Phan Anh, An Dương Vương, QL50. Ngoài ra, Trung tâm cũng dự báo khi đỉnh triều đạt mức cao nhất trên 1,74 m sẽ có 7 điểm ngập, gồm: đường Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, QL50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Bình.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 đã thi công hoàn thành 93,33% tổng khối lượng

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 đã thi công hoàn thành 93,33% tổng khối lượng

TRUNG NAM

"Nhằm đảm bảo thoát nước cho mùa mưa năm nay, chúng tôi đang tổ chức sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả. Đồng thời, đơn vị cho kiểm tra vận hành các van ngăn triều, trạm bơm cố định đã được lắp đặt tại các cửa xả. Khi xảy ra ngập hoặc nhận thấy diễn biến thời tiết có nguy cơ cao gây ngập, sẽ triển khai các phương án, kế hoạch ứng phó nhằm mục tiêu làm giảm nhẹ tối đa mức độ ngập như độ sâu, phạm vi và thời gian ngập", đại diện Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM thông tin thêm.

Đưa nhiều dự án chống ngập về đích trong năm nay

Ngay trong những ngày đầu tiên của mùa mưa, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2024 - 2025, trong đó có kế hoạch xóa các tuyến đường ngập do mưa ở TP.

Theo đó, về giải quyết ngập do mưa (đối với 13 tuyến đường còn lại), TP.HCM khởi công 3 dự án trên địa bàn Q.Gò Vấp gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ; cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu); cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt). Đồng thời, chuẩn bị đầu tư cho 7 dự án: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng và cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (TP.Thủ Đức); nạo vét trục thoát nước rạch bà Lớn (H.Bình Chánh); rạch Bàu Trâu (Q.6); cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (Q.Tân Bình); hệ thống thoát nước QL1A và xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh (Q.Tân Phú). 

Về giải quyết ngập do triều, TP.HCM đặt mục tiêu giải quyết ngập cho khu vực Q.7, H.Nhà Bè và H.Bình Chánh bằng cách hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Còn tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng (TP.Thủ Đức) sẽ được khắc chế ngập do triều sau khi hoàn thành dự án bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm).

Ngoài ra, TP sẽ tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nâng công suất của Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng từ 141.000 m³/ngày lên 469.000 m³/ngày; hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2. Về giải pháp trung hạn và dài hạn, thời gian tới TP sẽ khởi công và hoàn thành nhiều dự án xây dựng hệ thống thoát nước.

Thi công dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Thi công dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

NGỌC DƯƠNG

Thực tế, trong suốt 1 thập kỷ qua, TP.HCM đã lên kế hoạch triển khai hàng trăm dự án chống ngập lớn, nhỏ, song hầu hết các dự án đều ì ạch, chậm tiến độ. Các tuyến đường cứ tới mùa mưa lại ngập. Vì thế, thông tin mỗi dự án khởi công hay khánh thành đều mang đến hy vọng cho người dân TP. Đơn cử ngay trước thềm nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, hàng ngàn hộ dân sinh sống dọc tuyến đường Võ Văn Ngân (TP.Thủ Đức) đã mừng rỡ thở phảo nhẹ nhõm khi cuối cùng công trình xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân và hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa P.Linh Đông đã hoàn thành. Công trình khởi công cuối năm 2020, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng nhưng liên tục lùi tiến độ.

Trong suốt quá trình thi công, đường không những ngập nặng hơn mà còn bị cày nát, tạo thành những "hố tử thần" vô cùng nguy hiểm, nhếch nhác. Đến nay, vỉa hè dọc tuyến đường đã được lát đá phẳng đẹp. Hơn hết, mùa mưa năm nay đường Võ Văn Ngân sẽ không còn lo ngập nước, đặc biệt là đoạn từ đường Đặng Văn Bi đến vòng xoay chợ Thủ Đức.

Ông Mai Hữu Quyết, Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, cho biết: "Trong thời gian tới, UBND TP.Thủ Đức sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai các công trình trọng điểm, phấn đấu khởi công và hoàn thành 7 công trình nâng cấp bờ bao chống ngập, 36 công trình thoát nước, mở rộng hẻm và chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP.Thủ Đức, tất cả hoàn thành trong năm 2024".

Thách thức quy hoạch khi TP.HCM đang "chìm" dần

Chưa dứt điểm được ngập do mưa, triều, TP.HCM còn phải đối mặt với thách thức rất lớn từ nguy cơ sụt lún. Tại buổi giám sát UBND TP mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP về việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2010 - 2023, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã đặt vấn đề về việc quy hoạch đô thị ngầm của TP trong bối cảnh sụt lún ngày càng gia tăng. Theo ông Nghĩa, quy hoạch không gian ngầm đối với một đô thị cực kỳ quan trọng. Với một đại đô thị như TP.HCM, không gian ngầm là một nguồn lực, vừa là tài nguyên để phát triển

Mùa mưa đến, người dân thành phố lại lo lắng ngập nước

Mùa mưa đến, người dân thành phố lại lo lắng ngập nước

NGỌC DƯƠNG

KT-XH. Phát triển không gian đô thị phải tính cả đi lên, đi xuống, chứ không chỉ chăm chăm mở rộng theo phương ngang. Singapore là điển hình. Tuy nhiên, những báo cáo về quy hoạch đô thị TP hiện nay về vấn đề này còn nhiều ngổn ngang. Trong khi đó, các tài liệu đã cho thấy mức độ báo động về tình trạng sụt lún tại TP.HCM, đi cùng với đó là tình trạng ngập nước. Mặt khác, các công trình bất động sản (BĐS) vẫn ồ ạt "cắm rễ", có nhiều sự "chỏi" nhau giữa câu chuyện phát triển BĐS và quy hoạch không gian ngầm. Một bên là những khối bê tông 60 - 70 tầng đua nhau mọc lên, một bên thì cứ sụt lún, dẫn đến những thách thức trong công tác chống ngập.

"Từ 20 năm trước, chúng tôi đã đặt vấn đề nếu cho khai thác nước ngầm, TP.HCM sẽ không chỉ mất nguồn nước ngầm mà còn phải đối mặt với nguy cơ sụt lún khủng khiếp. Biến đổi khí hậu là một phần, nhưng không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân tác động lớn là do khai thác nước ngầm và phát triển ồ ạt BĐS không theo quy hoạch. Đây có phải những trở ngại phát sinh trong quá trình quy hoạch đô thị ngầm của TP.HCM? Có những cái không sửa được thì giải pháp thế nào? Tình hình sụt lún sẽ ảnh hưởng thế nào đến phát triển của TP trong 20 - 30 năm nữa?", ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu hàng loạt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Phó giám đốc Sở QH-KT Trương Trung Kiên thừa nhận TP.HCM đang sụt lún. Quá trình điều chỉnh quy hoạch đã thống kê đầy đủ quá trình sụt lún của TP.HCM từ năm 2008 đến nay. Cụ thể, độ sụt lún trung bình từ năm 2005 đến năm 2017 là 23,27 cm, có nơi cao nhất là 81 cm, tốc độ lún trung bình là 1,99 cm/năm. Cũng theo ông Kiên, TP.HCM đang gặp tình trạng lượng nước mưa tăng đột biến, mực nước sông dâng cao hơn bình thường. Những việc này đặt ra yêu cầu TP.HCM cần giải quyết vấn đề ngập úng và cải thiện hệ thống thoát nước. Chiều dài hệ thống thoát nước của TP hiện nay là hơn 4.500 km. Hiện TP có 4 nhà máy xử lý nước thải, công suất xử lý nước đạt 71%.

Đối với phát triển không gian ngầm đô thị gồm 2 thành phần là không gian công cộng và không gian ngầm của các dự án, công trình. Những thành phần này sẽ được tính toán để không chồng chéo.

"Trong đồ án quy hoạch chung đô thị đang điều chỉnh, nội dung về không gian ngầm sẽ được làm đầy đủ. TP.HCM sẽ xác định khu nào khuyến khích phát triển, khu nào cần hạn chế, khu vực nào không được làm theo cả chiều ngang, chiều dọc, chiều sâu. Đồng thời, chúng tôi cũng tính toán việc kết nối không gian ngầm các công trình với không gian ngầm công cộng", lãnh đạo Sở QH-KT thông tin thêm.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, hiện UBND TP đang làm 2 đồ án quy hoạch, cơ bản hoàn thành, dự kiến sẽ báo cáo HĐND TP trong kỳ họp tháng 5 này. Trong 2 đồ án sẽ bao gồm những tồn tại trước đây như không gian ngầm, chất thải rắn, sụt lún, thoát nước, chống ngập… Thời gian tới, TP.HCM sẽ công bố công khai minh bạch để tiếp tục góp ý và xin ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.

Các quốc gia khác cũng có các trận lụt khủng khiếp, nhưng hiếm chứ không phải mỗi tháng một lần, một năm mấy lần nước tràn ra đường. Ví dự như "khu nhà giàu" Thảo Điền (TP.Thủ Đức), nơi có nhiều người nước ngoài, nhân sự chất lượng cao sinh sống nhưng vẫn chịu cảnh lội nước.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Các dự án chống ngập trọng điểm cho giai đoạn trung - dài hạn tại TP.HCM

Dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án trong năm 2025.

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), khởi công trên địa bàn Q.Gò Vấp trong tháng 8.2024 (dự kiến hoàn thành trong tháng 4.2025), khởi công trên địa bàn Q.Bình Thạnh trong tháng 4.2025.

Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát và dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực tây Sài Gòn, đẩy nhanh tiến độ dự án phấn đấu khởi công dự án trong năm 2025.

Áp dụng công nghệ giúp xe buýt "trốn" ngập

Sáng qua (9.5), Trường ĐH Việt Đức phối hợp Sở GTVT TP.HCM tổ chức Hội thảo về phát triển công cụ số hỗ trợ quản lý điều tiết hoạt động mạng lưới xe buýt TP.HCM trong điều kiện mưa ngập đường gây ùn tắc giao thông. Tại buổi hội thảo, PGS-TS Vũ Anh Tuấn (Trường ĐH Việt Đức) đã chia sẻ về công cụ quản lý, điều hành hệ thống xe buýt công cộng trong điều kiện thời tiết cực đoan. Theo đó, nhóm nghiên cứu sẽ thu thập các dữ liệu liên quan làm cơ sở để nghiên cứu phát triển các ứng dụng. Các ứng dụng sẽ cung cấp cho người dùng bản đồ mưa/ngập lụt; bản đồ điểm ùn tắc, cập nhật mỗi 15 - 30 phút để cung cấp thông tin đến Trung tâm quản lý giao thông công chính, làm cơ sở điều chỉnh, "nắn tuyến" lộ trình xe buýt. Điểm đặc biệt của công cụ này là lưu ý đến lưu lượng xe, các yếu tố tác động đến kẹt xe như mưa, ngập lụt. Khi đó, mô hình này cho phép dự báo đến người dân và doanh nghiệp nếu có mưa với cường độ lớn lúc 4 giờ thì vào lúc 5 giờ sẽ ùn tắc ở đâu. Đó là cơ sở để Trung tâm lên phương án điều chỉnh, nắn tuyến xe buýt và hành khách sẽ nhận được thông tin qua ứng dụng Go!Bus.

"Việc phát triển công cụ số này sẽ giúp TP nâng cao năng lực thích ứng với rủi ro ngập lụt và biến đổi khí hậu. Đơn vị vận tải có thể điều chỉnh lịch trình hoạt động phương tiện. Cơ quan quản lý GTVT có thể dự đoán tình trạng ùn tắc giao thông, các tuyến xe buýt bị ảnh hưởng và chuẩn bị kế hoạch dự phòng. Hành khách sẽ nhận được thông tin về hoạt động của xe buýt và các sự kiện ùn tắc, ngập lụt để điều chỉnh kế hoạch di chuyển cho phù hợp với điều kiện thời tiết cực đoan", PGS-TS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.