Thời tiết dị thường từ đầu năm 2024

21/03/2024 20:39 GMT+7

Chiều 21.3, Tổng cục Khí tượng thủy văn tổ chức hội nghị tổng kết công tác dự báo cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023, nhận định xu thế thời tiết năm 2024.

Hội nghị tổng kết công tác dự báo cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023, nhận định xu thế thời tiết năm 2024 nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng ngày Nước thế giới, ngày Khí tượng thế giới và Giờ trái đất năm 2024 của Bộ TN-MT.

Thời tiết dị thường từ đầu năm 2024- Ảnh 1.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn, nói về tình hình thời tiết năm 2023

TTDBKTTV

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết năm 2023 thời tiết và khí hậu nước ta chịu tác động mạnh mẽ của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Đây cũng là năm có mức nhiệt độ cao nhất toàn cầu.

Nhiệt độ cao nhất Việt Nam từ trước đến nay đã xuất hiện với mức 44,2 độ C ở Bắc Trung bộ. Các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hầu như không đổ bộ trực tiếp nên không gây gió mạnh trong đất liền. Tuy nhiên, các đợt mưa, lũ lớn diện rộng gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở Trung bộ, Tây nguyên, vùng núi phía bắc và giông lốc, gió mạnh trên biển đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

"Từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 sang tháng 3 với nền nhiệt thấp nhất ở đồng bằng Bắc bộ dưới 15 độ C độ và vùng núi dưới 13 độ C. Nắng nóng xuất hiện dài ngày ở Nam bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp", ông Cường nói.

Theo ông Cường, trước những diễn biến dị thường của thời tiết, trong thời gian qua, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ TN-MT đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn và các đơn vị trực thuộc bộ triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trong đó, nâng cao chất lượng dự báo, nhất là các loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất, tiến tới dự báo tác động của thiên tai. Chủ động giám sát, đánh giá và giải quyết hậu quả sự cố môi trường biển, sự cố tràn dầu khi có tình huống xảy ra; xử lý ô nhiễm môi trường sau thiên tai.

Ngoài ra, cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

"Năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm được dự báo sẽ xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan, dị thường. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã được phân công, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến thời tiết, thủy văn, hải văn; cảnh báo và dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm trên phạm vi cả nước...", ông Cường nhấn mạnh.

Liên Hiệp Quốc phát 'báo động đỏ' sau đợt nắng nóng kỷ lục năm 2023

Dự báo xu thế nắng nóng năm 2024

Tây Bắc bộ: Tháng 4 - tháng 7, cao điểm tháng 5 - tháng 6

Đông Bắc bộ: Tháng 5 - tháng 8, cao điểm tháng 6 - tháng 7

Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế: Tháng 4 - tháng 8, cao điểm tháng 6 - tháng 7

Đà Nẵng đến Khánh Hòa: Tháng 5 - tháng 8, cao điểm tháng 7

Nam bộ: Tháng 2 - tháng 5, cao điểm tháng 3 - tháng 4

Số đợt nắng nóng năm 2024 có khả năng nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.