'Thời thanh xuân của chúng tôi là thế đó…'

15/03/2021 07:41 GMT+7

Với cựu cán bộ Đoàn, được trui rèn trong môi trường Đoàn là một sự chọn lựa mãi và luôn đúng. Họ luôn muốn truyền những ngọn lửa cống hiến ở thời thanh xuân hào hùng của mình lại cho người trẻ hôm nay.

Đôi tay run run cầm tập sách ấp ủ hàng chục năm, ông Trần Văn Nhiệm gửi tặng lại cho người trẻ với lời nhắn gửi: “Tất cả những gì là ngọn lửa bừng bừng của thế hệ Đoàn thanh niên trong kháng chiến, xin gửi trao cho thanh niên Việt Nam hiện nay, có thể tiếp lửa để đưa đất nước ngang tầm với khu vực và có vai vế trên thế giới”.
Những hành động và lời nhắn gửi ý nghĩa đó diễn ra trong chương trình giao lưu và giới thiệu sách với chủ đề “Thời thanh xuân của chúng tôi là thế đó”, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn, do Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía nam phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức.
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Minh Triết, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn; ông Phan Minh Tánh, nguyên Trưởng ban Dân vận T.Ư, nguyên Bí thư Đoàn nhân dân cách mạng Việt Nam; bà Phạm Phương Thảo, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, cùng các cựu cán bộ Đoàn qua nhiều thời kỳ.

Chỉ muốn giữ lại cho người trẻ

Mở đầu chương trình, khi giai điệu bài hát Nhớ mãi tuổi 20 do chính các cựu cán bộ Đoàn trình bày vang lên trong hội trường, những người trẻ hôm nay như cảm nhận rõ được ngọn lửa hừng hực nhiệt huyết của thế hệ cán bộ Đoàn đi trước: “Về lại bên nhau với màu áo xanh thuở nào/Gợi nhớ một thời sức trẻ nhiệt huyết tiên phong…”.

Những câu chuyện mà các bác kể lại ngày hôm nay càng truyền cho mình thêm nhiều động lực để cố gắng và cống hiến nhiều hơn cho các hoạt động Đoàn, Hội.

NGUYỄN DOÃN TRƯỜNG GIANG
Sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phân viện miền Nam

Với những cựu cán bộ Đoàn, ai cũng có một phần ký ức thật đẹp, dẫu có khi phải trải qua những chặng đường cam go, nhiều gian khổ, chịu cảnh tù đày, thách thức trước chuyện sống còn, hy sinh, được mất… Nhưng với họ, con đường đồng hành cùng tổ chức Đoàn, được trui rèn trong môi trường Đoàn là một sự chọn lựa mãi và luôn đúng. Họ luôn muốn truyền những ngọn lửa cống hiến ở thời thanh xuân hào hùng của mình lại cho người trẻ hôm nay.
Hình ảnh ông Trần Văn Nhiệm run run cầm trên tay tập sách nhiều tâm huyết để gửi trao lại cho thế hệ trẻ khiến bao người trẻ có mặt tại chương trình phải cảm động.
Càng cảm động hơn khi các bạn trẻ được biết sau hàng chục năm trời ấp ủ, trong lúc chăm cháu ngoại, ông Nhiệm đã cặm cụi viết cuốn sách, nhưng do tuổi đã cao, mày mò máy móc như thế nào mà toàn bộ dữ liệu bị mất hết và thế là phải cặm cụi viết lại từ đầu. Khi viết xong, ông mang cuốn sách đi xin giấy phép suốt 3 năm ròng rã mới được xuất bản.
Dồn nhiều tâm huyết và vất vả như thế nhưng khi được hỏi lý do, ông Nhiệm nói: “Vì muốn giữ lại cho thế hệ trẻ biết về một thời hoạt động vẻ vang của Đoàn thanh niên, một thời hoa và lửa trong 2 cuộc kháng chiến”.

Ngọn lửa nhiệt huyết, những gì tâm huyết nhất mà các bác đã gửi trao, thế hệ trẻ tụi mình sẽ phấn đấu gìn giữ, phát triển và lại tiếp tục truyền lại cho những lớp đàn em.

HỒ HẢI THUẬN Sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phân viện miền Nam

Cũng giống ông Nhiệm, ông Nguyễn Công Cơ, tác giả tập hồi ký Năm tháng dâng người, bày tỏ: “Đến với hoạt động Đoàn là một sự thay đổi rất lớn trong đời tôi, như là cột mốc mà tôi phấn đấu đi mãi cho đến tận bây giờ. Hiện nay, tôi vẫn tiếp tục xây dựng cho thế hệ thanh niên Việt Nam làm sao ý thức về truyền thống mà cha ông ta đã tạo ra, và tiếp tục con đường này bằng con đường học vấn để đưa đất nước phát triển. Nay tôi đã 81 tuổi nhưng vẫn làm việc một ngày 8 tiếng và vẫn dành thời gian để viết sách. Đến hôm nay thì tôi đã viết được 7 tập sách với mong muốn lưu giữ và truyền lửa cho thế hệ thanh niên hiện nay”.
Hạnh phúc nhận tập sách mà ông Trần Văn Nhiệm gửi trao, chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TP.HCM, gửi lời cảm ơn: “Cháu xin hứa đây là sẽ quyển sách mà không phải nhận chỉ với vai trò của Bí thư Thành đoàn TP.HCM, mà tụi cháu sẽ mang quyển sách này biến thành nội dung để sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt những câu lạc bộ lý luận trẻ để những nội dung ý nghĩa sẽ được tiếp cận với tất cả thanh niên thành phố”.

Những tập sách ý nghĩa cho thanh niên

Điểm chung các tác phẩm của các cựu cán bộ Đoàn trong buổi giao lưu và giới thiệu sách là những ký ức, di sản tích lũy được của cả thời tuổi trẻ hào hùng trong đội hình của tổ chức Đoàn, dưới sự dìu dắt của Đảng và họ muốn lưu lại để gửi trao cho thế hệ trẻ hôm nay cùng mai sau.

Cảm ơn tổ chức Đoàn

Phát biểu tại chương trình, tiến sĩ Lê Hồng Liêm, Trưởng ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía nam, gửi gắm: “Chúng ta vô cùng biết ơn tổ chức Đoàn đã dìu dắt, giáo dục, rèn luyện mỗi người chúng ta vượt qua khó khăn, thách thức và trưởng thành. Trong chương trình giao lưu hôm nay, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần giúp đoàn viên, thanh niên và thiếu nhi nhận thức sâu sắc và toàn diện về quá trình ra đời, phát triển và truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; khẳng định vị trí, vai trò, niềm tự hào, vinh dự khi là người Đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh”.
Trong buổi giao lưu đã giới thiệu 4 tập sách, đi kèm với đó là những câu chuyện về thời thanh xuân thật đẹp thông qua các tác phẩm.
Trong đó, nổi bật là tác giả Phan Minh Tánh (Chín Đào) là người chủ biên và đứng ra tổ chức thực hiện công trình sách gồm 2 tập Thế hệ anh hùng chiến thắng vẻ vang, xuất bản vào năm 2001 (tập 1) và năm 2005 (tập 2).
Năm 2020, Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía nam đã sử dụng bài viết của ông trong tập 2 trên để đưa vào cuốn sách Nhớ một thời tuổi trẻ hào hùng như một sự tiếp nối, truyền lửa cho thế hệ kế tiếp. Bài viết phác họa giai đoạn chiến đấu ác liệt của chiến trường miền Nam trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Qua đó, giúp người đọc thấy được vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam cũng như hiểu được lịch sử hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam thời kỳ này.
Tác giả Lê Công Cơ, với tập hồi ký Năm tháng dâng người, cho chúng ta thấy con đường cách mạng mà cậu bé chăn trâu của tỉnh Quảng Nam theo đuổi không là câu chuyện tình cờ do hoàn cảnh đẩy đưa mà từ sự giác ngộ, từ sự mở đường bởi những đàn anh đi trước, từ tình yêu nước, quyết không cam chịu cảnh nước nhà bị chia cắt... Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm là “muốn làm tốt công tác cách mạng thì phải học, và học chính là để làm cách mạng tốt hơn”. Hành trình học làm cách mạng của tác giả là những câu chuyện truyền cảm hứng cho người trẻ hôm nay và mai sau.
Tác giả Trần Văn Nhiệm với tác phẩm Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam là một công trình khá đồ sộ với độ dày hơn 800 trang, kể về chuyện lịch sử hào hùng của nước nhà thông qua những ca khúc chống xâm lăng. Chính những lời ca điệu nhạc đã khơi gợi và thôi thúc mọi người, trong đó có thế hệ của tác giả “xếp bút nghiên” đứng dậy đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Tác giả mong muốn được góp giữ tinh hoa từ những ca khúc khơi gợi lòng yêu nước, thúc giục người trẻ chung lòng xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Và tác giả Hoàng Xuân Huy, với tác phẩm Hồ Chí Minh - Ngọn hải đăng vĩnh cửu là tập hợp những bài viết về Bác như nguồn cảm hứng vô tận, ẩn chứa tình yêu thương, niềm kính trọng, biết ơn vô tận với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tác giả muốn gửi trao lại cho người trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.