Yêu chó: Khi cún làm đẹp

Quang Viên
Quang Viên
15/06/2020 07:32 GMT+7

Cắt móng, tắm gội, hấp, tỉa, cạo, nhuộm lông, mát xa... làm đẹp cho cún cũng 'đủ món ăn chơi'.

Chỉ có những groomer (người chăm sóc, làm đẹp thú cưng chuyên nghiệp) mới có thể làm vừa lòng yêu cầu đa dạng của khách hàng.

Cún và người cùng “nghiện”

Nữ doanh nhân Tuệ Nghi (ngụ Q.7, TP.HCM, sở hữu một thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản) đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc làm đẹp cho bộ sưu tập cún của mình. “Mỗi tuần em đều cho ba chú cún cưng đi spa trọn gói gồm tắm gội, làm nail, cắt lông đủ kiểu, tốn tiền triệu là chuyện nhỏ”, cô nàng 9X chia sẻ.
Chị Thúy An (Q.Bình Tân, TP.HCM) là nhân viên kinh doanh địa ốc, độc thân, có nuôi một nàng phốc sóc (Pomeranian). Thấy chàng phốc sóc hàng xóm rất đẹp vì thường được đi spa nên chị muốn chàng “cưới” (giao phối - PV) cún nhà mình để có thêm nhiều cún đẹp. Bà hàng xóm chê “phốc sóc nhà cô xấu, không xứng đôi”. Chạm tự ái, tiền nhiều để làm gì? Thế là chị đổ tiền làm đẹp cho cún để... “dằn mặt” bà hàng xóm. Chị tâm sự: “Lúc đầu, mỗi tháng mang cún đi spa một lần. Nhưng rồi, mình nghiện ít mà cún nghiện nhiều hơn. Để lâu không đi chăm sóc sắc đẹp là nàng buồn. Thấy thương nên cứ 10 ngày lại bế nàng đi spa”.
Thâm nhập các spa thú cưng mới “tỉnh ngộ”, nghề làm đẹp thú cưng hoạt động rất nhộn nhịp. Ngay mùa đại dịch Covid-19, khi các cơ sở làm đẹp cho người đồng loạt đóng cửa, nhưng một số spa dành cho chó vẫn mở. Chủ nhân cứ mang cún giao làm đẹp, 3 - 4 tiếng sau đến trả tiền trăm, tiền triệu rồi ẵm cún về.
Yêu chó: Khi cún làm đẹp1

Chị Cẩm Dung đang hướng dẫn cho các học viên cắt tỉa lông chó

ẢNH: QUANG VIÊN

Ở TP.HCM, hàng chục spa chó mèo lúc nào cũng có khách. Những cơ sở làm đẹp chuyên nghiệp, các groomer tài năng luôn làm việc không ngớt tay. Tại Học viện Đào tạo cắt tỉa lông thú cưng Cosa (P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chị Nguyệt Ánh mang đến cả một “bộ sưu tập” chó cảnh gồm giống Poodle (dân chơi chó gọi là cún săn vịt), Samoyed, Alaska, Pomeranian để làm đẹp từ A - Z. Cún nào cũng được tắm bồn, chải, hấp, cắt tỉa lông, làm móng, vệ sinh “tai, mũi, họng”. Chú Pomeranian sau khi cắt lông nhìn tròn như... cục kẹo bông gòn. Lông cổ giống bờm sư tử, lông chân sau phần mông được chải phồng ra hai bên, rất ấn tượng. Còn cún săn vịt toàn “bo đì” hao hao hình chữ nhật, hai tai lông chải phồng ra như bím tóc con gái, đỉnh đầu tròn giống quả bóng, chân bo tròn thẳng suông như ống tuýp nước, bốn bàn chân cạo lông sát da.
Phần tắm cún cũng cầu kỳ. Đầu tiên, chúng được xả nước sạch rồi thoa dầu tắm. Dường như quá quen với chuyện tắm ở spa nên cún nào cũng “bình tĩnh, tự tin”. Cún được dùng sữa tắm nhập khẩu để vừa massage thư giãn vừa tẩy bẩn trên lông, dùng dầu xả để tạo độ mềm mượt, dưỡng ẩm da và lông. Tiếp theo, sấy khô, chải, thoa dầu cho lông bóng mượt, rồi xịt nước hoa thơm phức. Chưa hết, cún còn được nhổ lông tai, làm sạch tai bằng thuốc rửa chuyên dụng, cắt bộ móng... mới đúng chuẩn “quý phái”. Sau các dịch vụ làm đẹp từ A - Z cho những chú cún, chị Ánh tốn hơn 1,5 triệu đồng. “Nuôi các giống chó này, không đi làm đẹp cho chúng thì khó coi lắm. Hơn nữa chúng đẹp, sạch sẽ thơm tho, mình ẵm bồng, cho nó ngủ chung cũng thích”, chị Ánh chia sẻ.
Yêu chó: Khi cún làm đẹp2

Giống Bichon sau khi làm đẹp

ẢNH: QUANG VIÊN

“Tuyệt kỹ công phu”

Trong các kiểu làm đẹp thì cắt tỉa lông chó đòi hỏi “tuyệt kỹ công phu”. Một chuyên gia nổi tiếng làm đẹp cho chó tại TP.HCM cho biết groomer chuyên nghiệp phải biết xác định giống chó gì để không tùy tiện làm đẹp mà phải tuân theo các chuẩn mực quốc tế. Chẳng hạn, giống Alaska đuôi được chải cong lên hình chiếc lá, bờm chải rộng ra hai bên, bốn chân cắt tỉa thẳng hàng không để so le. Giống Cocker, 2/3 cơ thể từ lưng trở xuống, lông được cạo ngắn, 1/3 còn lại phía trên để dài chải cho chấm đất. Lông quanh bàn chân được bo tròn, lông bên hai tai để dài tự nhiên chải cho suông rồi bo tròn theo vành tai như hai bím tóc của thiếu nữ... Còn giống Yorkshire Terrier cắt tỉa làm sao nhìn tổng thể như... hình vuông. Lông 1/3 vành tai trên cắt sát, 2/3 phần tai còn lại được chải xuống chân. Phần lông trên trán đánh keo chải bung ra rồi cột lại như hoa thị...
Nguyễn Thị Cẩm Dung, groomer Việt Nam có bằng quốc tế về cắt tỉa tóc cho chó, khẳng định mình là groomer Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến nay đạt giải cao nhất tại cuộc thi quốc tế về cắt tỉa lông cho chó do ban giám khảo của FCI (Hiệp hội Giống chó quốc tế) chấm thi. Chị cho biết cắt tỉa lông cho chó cảnh đẹp, đúng chuẩn quốc tế đòi hỏi “tuyệt kỹ công phu” không phải ai cũng làm được. “Groomer chuyên nghiệp phải có niềm đam mê, tính cẩn thận, tỉ mỉ, luôn sáng tạo và học hành đàng hoàng”.
Thực tế hiện nay tại nước ta, nhiều người đổ xô học nghề hoặc trở thành chủ tiệm grooming (tiệm làm đẹp thú cưng) nhưng các groomer biết cắt tỉa lông chó theo chuẩn quốc tế còn ít. “Chuẩn quốc tế mà FCI đưa ra rất khắt khe. Tùy từng giống chó, phải cắt tỉa chính xác tỷ lệ ở vùng đầu, ngực, chân, bụng... Groomer đích thực không phải thợ mà là nghệ nhân. Ngoài việc làm chủ toàn bộ kiến thức căn bản về cắt tỉa, làm đẹp cho chó, groomer phải biết sáng tạo ra tác phẩm đẹp”, chị Dung nói.
Ngay với những groomer tài năng, tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra. Bị chó cắn, bị chủ chó mắng, bắt đền vì lỡ đường kéo làm xây xước da... hầu như groomer nào cũng từng trải. Ngay cả groomer có bằng quốc tế, đã cắt tỉa lông cả ngàn thú cưng như Cẩm Dung cũng có khi vất vả vì những cún tăng động, hoặc gặp sự cố ngoài ý muốn. “Chó chứ không phải người. Gặp nhiều con quậy dữ lắm, không chịu ngồi yên để tạo kiểu. Những bé cún lần đầu đi cắt lông bị nhột vùng vẫy, làm kéo phạm vào bụng chảy máu, chủ xót ruột cũng có thể “nặng nhẹ” với groomer”, Cẩm Dung trải lòng. (còn tiếp)

Khó hơn làm đẹp cô dâu

Nhiều khách mang cún cưng đi làm đẹp rất khó tính, có người coi cún như “cành vàng lá ngọc”. Vì thế, groomer phải trổ hết tài năng để tạo ra “tác phẩm” chinh phục chủ chó. Teddy Dog Shop (đường 3/2, Q.10, TP.HCM) của chàng trai 9X Tôn Thất Anh Khương là nơi chọn mặt gửi “cục vàng” cún của nhiều người, trong đó có cả hoa hậu Kỳ Duyên. Khương tâm sự: “Cắt tỉa lông và các dịch vụ làm đẹp khác cho chó mèo khó hơn cả nghề làm đẹp cô dâu. Groomer là làm dâu trăm họ, thỏa mãn hết khách hàng cũng không dễ”.

“Chảnh” chó

Nữ doanh nhân Tuệ Nghi cho biết cún của cô rất “chảnh”, không uống sữa dành cho chó mà phải uống sữa của người, không ăn đồ ăn vứt xuống đất. Muốn nó gặm xương phải trải khăn ra, nó leo lên nằm gặm. Cún nằm ngủ riêng một gối, đừng ai đụng tới cái gối đó, tới giờ đi ngủ mà ai leo lên nằm thì nó đuổi đi.
“Chảnh” chó

Tuệ Nghi và chú cún cưng

ẢNH: NVCC

Cô tâm sự: “Vừa rồi em dắt cún đi dạo thì bị một con cún khác cắn nhẹ vào đuôi. Vậy mà tối hôm đó về nó bị stress, nôn ra máu phải bế đi cấp cứu lúc nửa đêm, tầm soát ung thư các kiểu. Bác sĩ chẩn đoán do stress quá, dạ dày co thắt làm xuất huyết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.