Yêu cầu 'siết' chất lượng dược liệu sau vụ khoai mì 'đội lốt' hoài sơn

09/03/2018 20:57 GMT+7

Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) vừa đề nghị các Sở Y tế tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra phát hiện dược liệu giả , phối hợp các cơ quan liên quan xử lý các hành vi sản xuất dược liệu giả.

Dẫn thông tin Báo Thanh Niên phản ánh về tình trạng làm giả dược liệu hoài sơn, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Phương, nguyên Phó cục trưởng Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết trước đây, dược liệu này từng là một trong những dược liệu bị làm giả nhiều nhất được cơ quan quản lý phát hiện. Vị thuốc rởm này không có tác dụng chữa bệnh, mà còn bị ủ thêm hóa chất độc, gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
“Hành vi làm giả dược liệu có thể bị truy tố, xử lý như hành vi làm thuốc giả”, bà Phương cho hay.
[VIDEO] Phóng sự điều tra - Kỳ 1 - Rùng rợn quy trình dùng chất độc “lột xác” khoai mì thành đông dược
Cũng theo bà Phương, việc làm giả dược liệu hoài sơn từ củ mì như Báo Thanh Niên phản ánh là vấn đề lâu nay cơ quan quản lý quan tâm. Từ những năm trước, qua thực tế kiểm tra, Cục Y dược cổ truyền đã có văn bản khuyến cáo về 25 loại dược liệu bị làm giả, trong đó có 5 loại đứng đầu bị làm giả là hoài sơn và 4 dược liệu khác như thiên ma, thăng ma, ý dĩ, hoàng kỳ. Đây là những vị thuốc được sử dụng nhiều trong các bài thuốc, từng được phát hiện cung ứng vào các bệnh viện y học cổ truyền, các khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện. 
Theo bà Phương, gần đây tình trạng này đã giảm, nhưng dược liệu bị làm giả vẫn chưa thể kiểm soát hết tại các phòng chẩn trị đông y và trên thị trường.
Bà Phương cho rằng, Bộ Y tế cần yêu cầu và giám sát các bệnh viện thực hiện nghiêm các quy định về đấu thầu thuốc (đối với dược liệu); các dược liệu sử dụng làm thuốc đều phải có phiếu kiểm nghiệm chất lượng cho mỗi lô dược liệu; chú trọng kiểm tra chất lượng và có giải pháp quản lý chất lượng dược liệu tại các phòng chẩn trị y học cổ truyền.
"Cơ quan chức năng cần có giải pháp hiệu quả ngăn chặn dược liệu nhập lậu, vì đây là các dược liệu hoàn toàn không được kiểm soát chất lượng và có giá rất rẻ", bà Phương bày tỏ.
[VIDEO] Phóng sự điều tra - Kỳ 2: "Lột xác" khoai mì thành đông dược: Đường đi của hoài sơn giả
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Phương từng chia sẻ về quản lý chất lượng dược liệu với bạn đọc Báo Thanh Niên ẢNH NGỌC THẮNG
Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết sau khi Báo Thanh Niên phản ánh việc "hô biến" củ mì thành dược liệu hoài sơn, Cục này đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm dược liệu, rà soát, kiểm tra phát hiện dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng. Đồng thời, phối hợp các cơ quan liên quan phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật, nếu phát hiện hành vi sản xuất dược liệu giả; làm rõ các dược liệu bị làm giả được cung cấp đến các cơ sở nào, có biện pháp thu hồi và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về hành vi vi phạm.
“Kiểm nghiệm chất lượng dược liệu sẽ phải kiểm nghiệm cả định lượng để xác định hàm lượng hoạt chất trong vị thuốc đó chứ không chỉ dừng lại ở việc định tính. Vì có khi hoạt chất đó có trong dược liệu (qua xét nghiệm định tính) nhưng hàm lượng hoạt chất lại rất thấp thì cũng không đủ tiêu chuẩn làm thuốc”, ông Khánh nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.