‘Yết Kiêu’ trên chiến trường B: Những bài tập luyện ‘mình đồng da sắt’

13/04/2016 06:00 GMT+7

Lặn sông, vượt biển để vào lòng địch, người lính đặc công hải quân phải đối mặt nguy hiểm. Vì vậy, những bài tập luyện gian khổ trên thao trường giúp các chiến sĩ trở nên tinh nhuệ, hạn chế thương vong khi ra trận.

Lặn sông, vượt biển để vào lòng địch, người lính đặc công hải quân phải đối mặt nguy hiểm. Vì vậy, những bài tập luyện gian khổ trên thao trường giúp các chiến sĩ trở nên tinh nhuệ, hạn chế thương vong khi ra trận.

Đặc công hải quân vượt qua hàng rào McNamara để vào đánh tàu địch ở Cửa Việt, Quảng Trị - Ảnh chụp sa bàn tại Bảo tàng Hải quânĐặc công hải quân vượt qua hàng rào McNamara để vào đánh tàu địch ở Cửa Việt, Quảng Trị - Ảnh chụp sa bàn tại Bảo tàng Hải quân
Ngày 13.4.1966, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định thành lập Đoàn Huấn luyện trinh sát đặc công hải quân 126 trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân. Những ngày đầu, đoàn 126 lấy 113 chiến sĩ từ các đơn vị bộ đội đã từng được huấn luyện đánh đặc công làm nòng cốt và tuyển chọn thêm 721 cán bộ, chiến sĩ sau đó một tháng. Địa điểm đóng quân và huấn luyện của bộ đội đặc công hải quân là một vùng rộng lớn giáp biển, có sông ngòi chằng chịt, gồm huyện Yên Hưng cũ (nay là Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng). Các chiến sĩ bước vào đợt huấn luyện rất khắt khe kéo dài gần một năm. 
Cứ trời rét là… đi bơi
Rời quân ngũ đã lâu nhưng ông Vũ Văn Triệu, Chính trị viên phó Tiểu đoàn H20 Đặc công Hải quân vẫn không quên được người đồng đội Trần Bá Hải (quê Nam Đàn, Nghệ An) bị lính Mỹ bắt vào năm 1972, trong trận đánh cầu 12 nối Mỹ Tho với tỉnh Mộc Hóa, giáp biên giới Campuchia. Bị địch tra tấn dã man nhưng ông Hải vẫn không khai ra tổ chức nên chúng đã giết chết và treo xác ở chợ suốt 3 ngày trước khi ném xuống sông.
“Địch làm vậy để uy hiếp tinh thần anh em và người dân giúp đỡ cách mạng. Hiểm nguy bủa vây khắp chiến trường, thế nên người chiến sĩ đặc công phải chăm chỉ tập luyện trong hoàn cảnh khắc nghiệt để trở nên tinh nhuệ, kiên cường, đối mặt với cái chết cũng không hề nao núng tinh thần”, ông Triệu nói và kể lại quãng thời gian “luyện vàng mười” trên thao trường của Đoàn 126.
Vốn là lính pháo binh có 6 năm chiến đấu ở đường 9 Nam Lào, ông Triệu là một trong 6 người của Sư đoàn 320 được tuyển chọn sang bộ đội đặc công hải quân vào năm 1969. Ông cho biết, đó là niềm tự hào của bất cứ ai vì đã vượt qua hàng nghìn người để được vào đội quân tinh nhuệ, đặc biệt nhưng cũng gian khổ.
dac-cong-hai-quan
Ông Triệu kể lại những chiến sĩ đặc công cùng chiến đấu trên chiến trường Nam bộ - Ảnh: V.N.K
dac cong hai quan
Ông Triệu (ngồi ở giữa hàng đầu) cùng 15 chiến sĩ đặc công chụp ảnh tại vườn xoài ông Hai Lầu, tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp), kỷ niệm trận đánh sập 2 cây cầu trên đường 30 vào tháng 3.1973
- Ảnh ông Triệu cung cấp
“Mệt, nhọc, gầy, đen nhưng chẳng ai nản chí, thoái thác mà đều hăng say tập luyện. Tôi nhớ những chuyến hành quân dã ngoại, mỗi người phải vác đồ 30 kg trở lên, đi bộ trên mọi địa hình, từ đồng bằng, rừng núi cho tới vượt sông suối hàng trăm km. Ngoài những bài học về võ thuật, trinh sát nắm địch, sử dụng bản đồ, la bàn, ống nhòm, đồng hồ nước…, lính đặc công còn phải học cách "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", thích nghi sinh tồn trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất”, ông Triệu chia sẻ.
Bơi và lặn là hai trong số những nội dung mà lính đặc công như ông Triệu phải tập luyện rất nhiều để thuần thục kỹ thuật. Mặc độc chiếc quần xà lỏn giữa cái nắng chói chang hoặc lạnh cắt da cắt thịt, người lính mới như ông Triệu có một tuần chỉ ăn rồi nằm lên ụ cát tập các động tác bơi ếch, trước khi xuống đầm tập bơi trên tay của đội mẫu. 
dac-cong-hai-quan3
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 126 huấn luyện kỹ thuật đặc công - Ảnh chụp tư liệu tại Bảo tàng Hải quân
dac-cong-hai-quan2
Chiến sĩ đặc công huấn luyện bơi lội trên sông - Ảnh chụp tư liệu tại Bảo tàng Hải quân

Vượt qua bài tập đầu tiên, ông Triệu và đồng đội được đưa ra sông Giá, sông Bạch Đằng để bơi, rồi bơi từ phao số 0 ở cửa Nam Triệu bơi vào xã Hoàng Châu của huyện đảo Cát Hải, đường bơi dài từ 25 - 30km. Theo ông Triệu, bài tập như vậy vẫn chưa ăn thua khi nhắc đến chuyện phải bơi đường dài giữa làn nước lạnh buốt thấu xương vào mùa đông miền Bắc. 
Trước khi xuống nước phải uống một ít nước mắm và khởi động toàn thân trong 30 phút, tránh bị chuột rút. “Cứ trời lạnh dưới 10 độ là cả đội lại ra sông bơi. Có lần thủy thủ trên tàu hàng vào cảng Hải Phòng thấy cả tốp lại đi bơi giữa trời rét, lấy làm lạ liền hỏi uống thuốc gì mà khỏe thế, cả bọn nói đùa là uống thuốc “Mác” (chủ nghĩa Mác-Lê Nin). Bơi nhiều tới mức da nhợt đi, khi lên bờ cóng quá thấy con hà mà không đưa chân tránh nổi, đành bị hà cứa cho chảy máu”, ông Triệu kể lại. 
dac-cong-hai-quan4
Chiến sĩ đặc công hải quân huấn luyện thao tác kỹ thuật chuẩn bị thủy lôi HAT-2, năm 1968 - Ảnh chụp tư liệu tại Bảo tàng Hải quân
Những “bóng ma” đi ngầm
Người lính đặc công còn phải trải qua bài tập rất khó là đi ngầm và lặn qua 2 chiếc sà lan. Trung tá Lê Xuân Sênh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Đội trưởng đội 2, Đoàn Đặc công hải quân 126 cho biết, 2 sà lan khá rộng, ở khe giữa là một dòng chảy rất siết, rất nguy hiểm nên đòi hỏi chiến sĩ phải tập luyện rất thuần thục các kỹ thuật để đảm bảo an toàn. 
dac-cong-hai-quan5
Trung tá Lê Xuân Sênh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên đội trưởng đội 2, Đoàn Đặc công hải quân 126 - Ảnh: V.N.K
Ngoài sức khoẻ tốt, người lính đặc công hải quân còn phải ngồi lên chiếc ghế xoay liên tục trong 3 phút trước khi đứng dậy đi đoạn đường dài 2 m, rộng 80 cm mà không được giẫm lên vạch, đến chiếc bảng rồi viết rõ ràng một chữ nào đó theo yêu cầu. Nhiều người bị chóng mặt, vừa đứng lên đã ngã lăn ra đất, phải học lại cho tới khi nào đạt. Để có thể lặn được ở độ sâu khoảng 8 m trở lên, những người lính đặc công phải trải qua bài kiểm tra “ép nhái”. “Hàng tháng, mỗi người phải vài lần chui vào chiếc máy tăng, giảm áp như hộp diêm, máy sẽ tạo khí nén với áp lực cao. Nếu tai, mũi không bị ù, chảy máu thì mới đạt”, ông Sênh kể. 
dac-cong-hai-quan6
Chiến sĩ đội 1, đặc công hải quân huấn luyện thao tác sử dụng thủy lôi APS đánh tàu mặt nước, năm 1968 - Ảnh chụp tư liệu tại Bảo tàng Hải quân
Bài tập đi ngầm cũng được huấn luyện khắt khe, mỗi người ngậm một ống thở  dài khoảng hơn 10 cm, đi dưới nước nhưng không được nổi, phải đi đúng hướng và vẩy tay không được tạo ra tiếng động, tránh địch phát hiện. Ông Sênh chia sẻ cách báo hiệu đi ngầm độc đáo. “Do ở dưới nước không nói được nên trong lúc tập luyện chúng tôi nghĩ ra cách hai người ra tín hiệu thông báo cho nhau bằng một sợi dây. Nhảy xuống hố bom tập giật dây báo hiệu cho nhau, giật một cái thì tiến, giật hai cái thì lùi, giật liên tục là có địch”, ông Sênh kể. Kỹ thuật bơi, lặn và đi ngầm được tập luyện kiên trì nên chiến sĩ đặc công hải quân vượt sông đánh tàu, cầu dễ dàng hơn. 
Trong chương trình huấn luyện đặc công hải quân có nội dung thả trôi trên biển nhằm rèn khả năng chịu đựng, có thể sống sót trên biển trong những tình huống đặc biệt. Mỗi chiến sĩ phải thả trôi liên tục 25 giờ, nhưng có một vài người có thể thả trôi được tới 38 giờ. Khi huấn luyện thả trôi, các chiến sĩ phải đem trên mình dao đa dụng, súng, khối nổ, thức ăn, nước uống rồi ngâm mình dưới biển, để cho trôi dạt. 
dac-cong-hai-quan6
Chiến sĩ đặc công hải quân huấn luyện mang vác thủy lôi HAT-2 - Ảnh chụp tư liệu tại Bảo tàng Hải quân
Hoạt động bí mật trong đêm, bộ đội đặc công hải quân khiến kẻ thù khiếp vía khi thoắt ẩn thoắt hiện như những “bóng ma” trên sông nước, lặng lẽ, đơn độc nhưng có thể đánh chìm thuyền, sập cầu bất cứ khi nào. Kiên cường, tinh nhuệ, bộ đội đặc công hải quân được ví như người anh hùng Yết Kiêu có biệt tài thủy chiến, lập nhiều chiến công lẫy lừng trên chiến trường B rộng lớn từ Quảng Trị trở vào.
Theo thiếu tướng Mai Năng (tên thật là Tạ Văn Thiều), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một trong những người “khai sinh” ra Đoàn đặc công hải quân 126, đặc công tức là công tác đặc biệt, là lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, hoạt động độc lập, phân tán, phương châm tác chiến là lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, bí mật, bất ngờ, luồn sâu, ém sát, đánh hiểm vào lòng địch để giành thắng lợi lớn. Từ năm 1966 - 1975, Quân chủng Hải quân đã huấn luyện, đào tạo được trên 5.000 cán bộ, chiến sĩ đặc công nước bổ sung cho các chiến trường sông, biển miền Nam, cung cấp cho các mặt trận hàng nghìn vũ khí chuyên dùng để đánh địch. Với hàng nghìn trận đánh, các chiến sĩ đặc công nước trên chiến trường B đã góp phần cùng các đơn vị bạn đánh chìm, đánh hỏng tới 7.492 tàu chiến, tàu vận tải quân sự…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.