Xử vi phạm gây ô nhiễm không khí phải nghiêm như Nghị định 100

15/01/2020 08:51 GMT+7

'Chế tài xử phạt trong hành vi xả thải ô nhiễm không khí phải như Nghị định 100 xử lý uống rượu bia như hiện giờ ấy, phạt tiền cao kèm theo chế tài bổ sung nghiêm khắc...', TS Hoàng Dương Tùng bày tỏ quan điểm.

Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đã thấy rõ, nhưng điều khiến các đại biểu dự tọa đàm băn khoăn là Việt Nam chưa có đủ cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách thu hút đầu tư để kiểm soát, quản lý chất lượng, cũng như cải thiện tình trạng này.
TS Hoàng Dương Tùng bày tỏ khi tiếp cận dự thảo sửa đổi luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đang được lấy ý kiến góp ý, vấn đề ô nhiễm không khí chưa được đặt ra đúng tầm mức, khi việc nhìn nhận ô nhiễm vẫn như 10 năm trước, chưa bắt kịp thực tế hiện giờ.
Ông Tùng dẫn chứng: cơ chế phạt hành vi ô nhiễm không khí hiện giờ cao nhất là 2 tỉ đồng/hành vi/năm. Trong khi đầu tư dây chuyền công nghệ vài chục triệu USD, thì quy định của mình trong 1 năm chỉ được phạt một hành vi thì doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm, vì mức phạt chỉ có 100.000 USD.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, luật của họ áp dụng cơ chế phạt theo ngày, ngày nào vi phạm là phạt ngày ấy, với mức phạt rất cao. Doanh nghiệp nếu không thay đổi công nghệ, chấp hành nghiêm túc, chỉ còn nước đóng cửa, phá sản. “Chế tài xử phạt trong hành vi xả thải ô nhiễm không khí phải như Nghị định 100 xử lý uống rượu bia như hiện giờ ấy, phạt tiền cao kèm theo chế tài bổ sung nghiêm khắc để người ta sợ để tuần thủ, điều chỉnh hành vi”, ông Tùng nói
PGS-TS Đinh Đức Trường cho rằng ngay cả ở 10 quốc gia không khí sạch nhất thế giới, họ cũng phải đầu tư hàng chục tỉ USD các hệ thống kiểm soát để có bầu không khí sạch. Việt Nam  cũng cần có nguồn lực tài chính để kiểm soát chất lượng không khí. Nguồn tài chính này đến từ quy định thu thuế carbon, phí ô nhiễm môi trường, trái phiếu môi trường và hợp tác công tư (PPP) để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng hiện tại, Việt Nam  mới chỉ thu thuế môi trường với xăng, gián tiếp là thuế để bảo vệ môi trường không khí, còn nhiều ngành khác như điện, than, khí đốt... dù phát khải lượng khí thải rất lớn, nhưng lại chưa phải chịu bất cứ loại thuế, phí nào.
Dẫn chứng ở các nước châu Âu, cụ thể là Hà Lan, Anh, xe ô tô đi ngoài đường chỉ vượt quá tiêu chuẩn khí thải là đã phát hiện được ngay, gửi hóa đơn phạt về nhà; hay Trung Quốc đề ra chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả, các tòa nhà công sở, văn phòng không được để nhiệt độ dưới 26oC; cho phép người dân giám sát, và chỉ sau một thời gian đã làm thay đổi hành vi trong xã hội, PGS Trường cho rằng, Việt Nam  nên học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc, các nước trên thế giới, giảm dần sự giám sát của nhà nước; có cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn lực từ các thành phần xã hội để đầu tư công nghệ, thiết bị giám sát, bảo vệ môi trường không khí.

Cần có luật Khí thải

PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Bộ TN-MT, thì cho rằng nếu nhìn ra kinh nghiệm của thế giới, tương lai Việt Nam cần có luật Khí thải thì mới quản lý một cách chi tiết được. Dẫn ý kiến Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo về vấn đề quản lý ô nhiễm mới đây, về kỳ vọng sẽ có những công cụ kinh tế để phục vụ quản lý trong từng lĩnh vực rác thải, nước thải và khí thải, ông Chinh nói: “Chúng tôi đặt hàng nội dung này với Trường ĐH Kinh tế quốc dân, để nghiên cứu tham khảo cơ chế kinh tế quản lý của các nước khác, làm cơ sở để đề xuất chính sách áp dụng tại Việt Nam”.
Theo GS-TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế quốc dân, các vấn đề, đề xuất nêu ra tại tọa đàm là những góc nhìn, quan điểm mới trong vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Ngoài tiếp tục triển khai công trình nghiên cứu một cách tổng thể, đề xuất giải pháp cho từng ngành thực hiện mục tiêu giảm bụi mịn PM2.5 đến giai đoạn 2025, các ý kiến, giải pháp chia sẻ tại tọa đàm sẽ được tập hợp thành một bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.