Xử lý xây dựng không phép, sai phép: 'Đánh bật đầu nậu, tổ chức làm sai'

12/12/2019 14:16 GMT+7

'Phải đánh cho được đầu nậu và tổ chức làm sai bởi chính những hành vi này làm ảnh hưởng đến xã hội, tạo ra tâm lý lây lan và xem thường pháp luật ', Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói.

'Bó tay' với công trình không phép

Hàng nghìn công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn TP.HCM trong nhiều năm qua không được xử lý dứt điểm khiến người dân bức xúc. Chính quyền muốn áp dụng biện pháp cắt điện, nước đối với các công trình vi phạm nhưng chưa thực hiện được.

Lý giải nguyên nhân này trong hội nghị sơ kết 4 tháng thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về trật tự xây dựng (ngày 12.12), đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết quy định hiện hành chỉ cho phép cắt điện đối với 3 trường hợp.
Thứ nhất, khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cưỡng chế thì ngành điện phối hợp; thứ 2 là vi phạm về sử dụng điện như câu móc trái phép và cuối cùng là ngành điện với hộ dân thỏa thuận ngừng cung cấp điện.

Ngành điện lực chưa thể cắt điện đối với các công trình vi phạm về trật tự xây dựng

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thế nhưng, việc thỏa thuận ngưng cung cấp điện cũng phải thực hiện theo quy định. Mà luật Xây dựng 2014 và Nghị định 139 của Chính phủ không quy định cắt điện trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nên ngành điện không thực hiện việc ngưng cấp điện với các hộ này.
Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết có thể ngưng cấp nước với công trình vi phạm khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với các trường hợp làm thủ tục gắn đồng hồ mới, ngành cấp nước sẽ rà soát và không ký hợp đồng cung cấp nước khi có thông báo của chính quyền địa phương.

Mạnh tay xử lý đầu nậu, chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng

Về việc ngành điện lực không cắt điện đối với công trình không phép, sai phép, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết phải tháo gỡ vướng mắc này thông qua quy định thêm điều khoản đối với công trình vi phạm vào hợp đồng mua bán điện.
Tuy nhiên, ông Hoan cho biết thực tế cho thấy có thể cắt điện đối với 2 trường hợp liên quan đến xây dựng không phép, đầu nậu xây dựng không đúng quy hoạch gồm có quyết định cưỡng chế và những cá nhân câu nhờ điện.
“Các dự án khi tổ chức thực hiện đều có hợp đồng thuê điện lực. Khi phát hiện sai phạm thì phải cắt điện chứ, đâu có liên quan gì đến người dân đâu. Anh là một tổ chức hoạt động mà vi phạm pháp luật thì phải xử lý”, ông Hoan phân tích.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách lĩnh vực đô thị cho rằng cần điều chỉnh hợp đồng phổ biến cho toàn bộ người dân thành phố nhưng cũng cần có trường hợp đặc thù. Đối với những trường hợp sai phạm rõ ràng như câu nhờ điện, vi phạm trật tự xây dựng thì cần xử lý ngay. Các trường hợp không áp dụng cắt điện là khi người dân xây dựng, sửa nhà của chính mình nhưng có vi phạm.
“Đậu nậu với chủ đầu tư thì phải dứt khoát, ai tiếp tay cho đầu nậu và chủ đầu tư cũng đều phải xử lý. Tất cả những người liên quan đến vi phạm từ tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, chủ đầu tư phải xử lý nghiêm túc. Phải đánh cho được đầu nậu và tổ chức làm sai bởi chính những hành vi này làm ảnh hưởng đến xã hội, tạo ra tâm lý lây lan và xem thường pháp luật”, ông Hoan khẳng định.

Phải đánh cho được đầu nậu và tổ chức làm sai bởi chính những hành vi này làm ảnh hưởng đến xã hội, tạo ra tâm lý lây lan và xem thường pháp luật

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan

Trước tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra phức tạp, hồi cuối tháng 7.2019, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 23 để tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo đối với lĩnh vực trật tự xây dựng. Sau 5 tháng triển khai, số vụ vi phạm về trật tự xây dựng được kéo giảm, còn 804 trường hợp trong khi 6 tháng đầu năm là 1.550 trường hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.