Xử lý vi phạm an toàn giao thông không nghiêm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/03/2019 05:18 GMT+7

Sáng 6.3, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới. .

 
Trình bày báo cáo tổng hợp nội dung yêu cầu giải trình của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực của ủy ban, nêu ra hàng loạt hạn chế, bất cập thậm chí là tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước được cho là nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật về an toàn giao thông (ATGT), nhất là với Bộ Công an và Bộ GTVT.
Theo bà Thủy, việc một số cán bộ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ đã dẫn đến việc răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông hiệu quả chưa cao, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện “nhờn” luật. “Việc một bộ phận tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, được dư luận phản ánh nhiều năm đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của lực lượng CSGT”, bà Thủy nêu và đề nghị Bộ Công an có giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này. Bên cạnh đó, đối với công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ tình trạng thay vì dạy “bài bản” thì dạy “mẹo” với mục tiêu thi đỗ chứ không phải để vận hành xe an toàn sau này; có hiện tượng “bao thi”, “bao đỗ” tại một số cơ sở cấp giấy phép lái xe...
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cũng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT, dẫn đến TNGT như thời gian qua chủ yếu là do việc xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước không nghiêm. Từ đó, ông Quyền đề nghị, phải xem xét trách nhiệm của người có trách nhiệm trong bộ máy quản lý nhà nước rồi mới nói tới người dân vì nếu về trách nhiệm quản lý nhà nước không có ai bị xử lý thì tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT sẽ còn kéo dài mãi.

Sẽ xử lý doanh nghiệp nếu tài xế vi phạm

Doanh nghiệp thuê lái xe phải có trách nhiệm giám sát, khi để lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT

Giải trình các vấn đề được nêu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay hiện nay, một số luật, nghị định và quy định liên quan tới đảm bảo ATGT chưa đủ sức răn đe. Do đó, hiện nay Bộ GTVT và Ủy ban ATGT quốc gia tăng cường công tác kiểm tra, xử lý theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự một số vụ liên quan tới TNGT. Bên cạnh đó, theo ông Thể, lâu nay chúng ta chỉ mới xử lý lái xe mà không xử lý cái gốc là doanh nghiệp thuê lái xe.
“Doanh nghiệp thuê lái xe phải có trách nhiệm giám sát, khi để lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm của doanh nghiệp. Hoặc nếu doanh nghiệp có phương tiện mà khoán trắng cho lái xe cũng là không làm hết trách nhiệm, bởi nếu không có việc giao phương tiện thì không xảy ra tai nạn”, ông Thể nêu.

Mất bằng lái sẽ phải thi lại ?

Về vấn đề đào tạo và cấp giấy phép lái xe, ông Thể cho hay, theo số liệu của Bộ GTVT thì tỷ lệ người thi đỗ chỉ khoảng 58%, còn lại đều phải thi lần thứ 2, thứ 3. Tuy nhiên, Bộ cũng đang tiến hành điều chỉnh lại các nghị định, thông tư, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết thu hồi giấy phép vĩnh viễn của các cơ sở đào tạo lái xe vi phạm để bảo đảm tính răn đe. Bên cạnh đó, ông Thể cũng khẳng định, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an để xử lý những trường hợp bằng giả.
“Chúng tôi cũng đề xuất phương án những người nào mất bằng lái xe thì phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng lợi dụng nhằm có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3 để hoạt động kinh doanh”, ông Thể nói thêm.
Trong khi đó, giải trình về những vấn đề được nêu, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh việc giảm số người chết vì TNGT dù không phải là thành tích song cũng là kết quả nỗ lực từ nhiều phía. Theo ông Sơn, ngành công an rất cầu thị, lắng nghe những ý kiến góp ý, kể cả phát hiện tiêu cực của lực lượng CSGT và công an nói chung trong khi thi hành công vụ.
TP.HCM sẽ không cấm xe máy
Trao đổi với báo chí bên lề phiên giải trình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định TP không có chủ trương cấm xe gắn máy. Theo ông Tuyến, TP sẽ hướng tới hạn chế xe gắn máy thông qua việc phát triển phương tiện công cộng để người dân thuận lợi hơn trong việc lựa chọn các phương tiện công cộng, từ đó tự điều tiết việc sử dụng phương tiện xe gắn máy.
Tăng cường xử phạt người ngồi trên ô tô không thắt dây an toàn
Sáng 6.3, tại UBND H.Bình Chánh (TP.HCM), Ban ATGT TP.HCM tổ chức lễ phát động chiến dịch tuyên truyền, kết hợp tuần tra, xử lý vi phạm quy định thắt dây an toàn đối với người tham gia giao thông bằng ô tô trên địa bàn TP. Trưa cùng ngày, hơn 500 thành viên gồm: CSGT, thanh tra giao thông (TTGT), lực lượng TNXP, đoàn viên thanh niên H.Bình Chánh cùng các điều phối viên... cùng tham gia diễu hành tuyên truyền. Đồng thời, lực lượng CSGT TP phối hợp với TTGT, Công an H.Bình Chánh lập hai chốt trên QL1 và đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Tất cả các ô tô 4, 7, 9 chỗ và xe chở khách từ 16 chỗ trở lên ra vào TP đều bị CSGT dừng xe kiểm tra. Hầu hết các xe nói trên đều vi phạm việc thắt dây an toàn cho người ngồi trên ô tô, xe khách.
Theo kế hoạch của Ban ATGT TP, giai đoạn đầu (từ ngày 6 - 17.3) của chiến dịch này, lực lượng CSG phối hợp TTGT trên 24 quận/huyện lập các chốt trạm, tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông. Từ ngày 17.3 đến 17.6, lực lượng CSGT sẽ tăng cường xử lý vi phạm theo quy định. Theo quy định, lỗi vi phạm người tham gia giao thông không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng/trường hợp. 
Công Nguyên - Trần Tiến
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.