Xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, rạch

30/08/2015 05:14 GMT+7

Xung quanh việc nhà lấn chiếm kênh rạch vẫn gia tăng và TP.HCM đang còn gần 20.000 căn cần di dời với nguồn kinh phí rất lớn, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.

Xung quanh việc nhà lấn chiếm kênh rạch vẫn gia tăng và TP.HCM đang còn gần 20.000 căn cần di dời với nguồn kinh phí rất lớn, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.
Dự án Riviera Point (Q.7) lấn gần 5.000 m2 rạch Cả Cấm làm thu hẹp dòng chảy gây ngập úng khu vực này - Ảnh: Đình SơnDự án Riviera Point (Q.7) lấn gần 5.000 m2 rạch Cả Cấm làm thu hẹp dòng chảy gây ngập úng khu vực này - Ảnh: Đình Sơn
Ông đánh giá thế nào về chương trình di dời nhà ven sông, kênh, rạch trên địa bàn trong thời gian qua?
Trong hơn 20 năm qua (kể từ năm 1993), TP đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho hơn 36.000 hộ gia đình sinh sống trên và ven kênh rạch, góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện cuộc sống cho người dân, tập trung vào 5 tuyến kênh rạch chính là Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ; Tân Hóa - Lò Gốm; Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Dọc theo các tuyến kênh này, bộ mặt đô thị đã gần như “lột xác”, hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn chỉnh, cải thiện ô nhiễm môi trường, giải quyết tiêu thoát nước và quan trọng hơn là tạo ra không gian, môi trường sống tốt hơn cho người dân. Điển hình như tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm đến nay đã thay da đổi thịt, tạo thành một dòng kênh đẹp, hai bên đường được xây dựng khang trang. Kết quả đó, không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược, mà còn là tấm lòng của lãnh đạo TP qua các thời kỳ đối với việc chăm lo cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn; từ chủ trương đúng đắn của Thành ủy, đến giải pháp tổ chức thực hiện đồng bộ và quyết liệt của chính quyền, sự kiên trì tuyên truyền, vận động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân TP.
Nhưng hiện vẫn còn gần 20.000 căn nhà ven kênh rạch cần di dời. Ngoài một phần do lịch sử để lại thì không thể phủ nhận một phần do trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, thưa ông?
Trong số gần 20.000 căn nhà tồn tại ven và trên sông, kênh, rạch không phải tất cả là vi phạm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch. Có nhiều căn nhà đã tồn tại trước khi UBND TP ban hành Quyết định số 150 ngày 9.4.2004 về ban hành Quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch. Những căn nhà hoặc công trình xây dựng trong phạm vi hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch sau ngày ban hành quyết định này mới coi là vi phạm. Theo tôi, thẩm quyền được phân cấp quản lý, giao quyền đến đâu thì trách nhiệm phải chịu đến đó. Theo Quyết định số 319 của UBND TP thì Sở GTVT, Sở NN-PTNT, UBND các quận, huyện được phân cấp quản lý sông, kênh, rạch, đầm, hồ công cộng theo danh mục.
Tại sao nhiều đơn vị được giao quản lý nhưng tình trạng lấn chiếm hành lang sông, rạch vẫn diễn ra, thưa ông?
Hiện nay, việc phân cấp quản lý, giao quyền, trách nhiệm quản lý là phù hợp. Nhưng qua kiểm tra thực tế thời gian qua cho thấy công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị còn nhiều bất cập, chưa thống nhất trong kiểm tra và xử lý vi phạm, chưa đảm bảo kết nối thông tin thông suốt, dẫn đến không kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm hoặc xử lý vi phạm không triệt để. Hiện nay, TP đã chỉ đạo xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thống nhất, có tính kết nối liên thông giữa các sở - ngành, trong đó có hệ thống dữ liệu ngành xây dựng. Mặt khác, vai trò của địa phương là rất quan trọng, vì chỉ cán bộ quản lý địa bàn của địa phương mới rõ, sâu sát nhất. Do đó, phải có phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời để chủ động thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Theo ông có giải pháp nào để không còn xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp đua nhau “xẻ thịt” sông rạch?
Cần nâng cao năng lực, hiệu quả cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước; kịp thời phát hiện và phải xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành các quy định và nâng cao ý thức bảo vệ hành lang trên bờ sông, kênh, rạch, đầm, hồ công cộng, đồng thuận cùng chính quyền quyết tâm thực hiện Chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, chỉnh trang đô thị. Năng lực và phẩm chất của cán bộ cũng là một yêu cầu quan trọng để ngăn ngừa chuyện nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình kiểm tra và xử lý vi phạm. Nếu phát hiện sai phạm, thì phải xử lý nghiêm; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý theo quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.