Xử lý 12 dự án thua lỗ: 'Hóc xương' hợp đồng EPC

Chí Hiếu
Chí Hiếu
28/03/2019 10:08 GMT+7

Trong số 12 dự án yếu kém thua lỗ kéo dài của ngành công thương nhiều dự án vẫn ở thế tiến thoái lưỡng nan mà khó nhất là 'khúc xương' pháp lý với các tổng thầu EPC.

Trong số 12 dự án yếu kém thua lỗ kéo dài của ngành công thương, đã có 1 dự án hội đủ các điều kiện để thoát khỏi “danh sách đen”, nhưng còn nhiều dự án vẫn ở thế tiến thoái lưỡng nan mà khó nhất là “khúc xương” pháp lý với các tổng thầu EPC.

Đưa DAP Hải Phòng ra khỏi danh sách

Bán Bột giấy Phương Nam theo kiểu “bia kèm lạc”

Đối với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc Tổng công ty giấy VN, cho biết dự án này trước đây định giá bán theo phương án bán toàn bộ dây chuyền (2.600 tỉ đồng), nên trong năm 2017 không có đối tác nào quan tâm. Tuy nhiên, đến năm 2018, do có doanh nghiệp ngỏ ý tìm hiểu nên dự án được định giá lại (do chứng thư thẩm định giá của dự án đã hết hiệu lực) với giá 1.600 tỉ đồng. “Trong trường hợp không bán được thì tổng công ty sẽ xin 2 phương án. Một là định giá lại theo quan điểm khác và sẽ do tổ công tác liên bộ thực hiện. Hai là gom lại cả dự án hòa chung với tổng công ty để cổ phần hóa, tức là bán theo kiểu bia kèm lạc và đây là phương án mà tổng công ty yêu thích”, ông Đức nói.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu: “Thông điệp là anh nào muốn mua dự án và tham gia cổ phần với tổng công ty thì xin mời, chứ chưa nhập chung một gói bởi làm sao phải chọn phương án đảm bảo lợi ích cao nhất. Phải cân nhắc các phương án thận trọng”.
Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém của ngành công thương diễn ra hôm qua (27.3), Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá về tổng thể, các tập đoàn, tổng công ty đã triển khai hiệu quả nhiều công việc được giao trong thời gian qua để tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh thì tới nay có 2 nhà máy bước đầu có lãi là Nhà máy phân bón DAP 1 Hải Phòng và Thép Việt - Trung. Đây là 2 dự án từ những kỳ họp trước, đại diện chủ đầu tư lẫn Bộ Công thương đều kiến nghị ban chỉ đạo xem xét đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ.
Tuy nhiên, tại cuộc họp lần này, chỉ còn đại diện dự án DAP 1 tiếp tục xin thoát khỏi danh sách. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn hóa chất VN (Vinachem) Nguyễn Phú Cường, năm 2018, DAP số 1 Hải Phòng đã có lợi nhuận đạt 195,55 tỉ đồng, tăng 180,7 tỉ đồng so với 2017 và trong 2 tháng đầu năm 2019, nhà máy tiếp tục duy trì thành tích này với lợi nhuận ước đạt trên 12 tỉ đồng. Ông Cường cho biết nhà máy hoạt động rất ổn định và liên tục có lợi nhuận nên đối chiếu với các tiêu chí để ra khỏi danh sách thì DAP 1 Hải Phòng đã hội đủ.
Đồng tình ý kiến này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công thương nhanh chóng hoàn tất các thủ tục, phối hợp với Vinachem sớm đưa DAP 1 Hải Phòng ra khỏi danh sách.
Tuy nhiên, bất ngờ là việc Tổng giám đốc Tổng công ty thép VN (VNSteel) Nguyễn Đình Phúc kiến nghị để Thép Việt - Trung tiếp tục ở lại danh sách, khi được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hỏi ý kiến. Theo ông Phúc, số liệu hồi đầu năm cho thấy dự án đạt lợi nhuận 469 tỉ đồng trong năm 2018, sau khi lãi 423 tỉ đồng năm 2017. “Có điều do thời gian trước doanh nghiệp nợ nhiều loại thuế nên mới đây sau khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, kiểm toán đề nghị chúng tôi nộp một số khoản khiến lợi nhuận sau kiểm toán giảm còn 350 tỉ đồng. Bên cạnh đó, quý 1 này, thị trường đang đi xuống khiến doanh nghiệp chưa có lãi, nên chúng tôi rút đề nghị xin ra khỏi danh sách, chờ thêm nửa năm nếu khả quan sẽ kiến nghị”, ông Phúc nói.

Các nhà máy đạm vẫn liêu xiêu

Nếu Vinachem có DAP số 1 hồi phục ổn định thì 2 nhà máy đạm là Hà Bắc và Ninh Bình vẫn vô vàn khó khăn mà nặng gánh nhất là chi phí lãi vay. Cụ thể, dẫn chứng như trường hợp của Đạm Hà Bắc, ông Cường cho biết doanh thu năm 2018 là 3.087 tỉ đồng, nhưng chi phí lãi vay lên tới 820 tỉ đồng. Con số này của năm 2019 dự kiến còn tăng lên khoảng 870 tỉ đồng trong khi doanh thu tăng không nhiều. Như vậy, chi phí tài chính đã ăn vào doanh thu khoảng 27 - 28%.
“Căng nhất là Đạm Ninh Bình, do một thời gian dài không hoạt động nên giờ hoạt động lại nhưng gánh nặng lãi vay đầu tư quá lớn. Tập đoàn đã rót vào đây 6.000 tỉ đồng chỉ để trả lãi vay, còn vốn lưu động cho sản xuất đang phải đi xin các đại lý bán hàng ứng cho”, ông Cường than vãn và cho rằng nếu không sớm bán Nhà máy đạm Ninh Bình để lấy tiền trả nợ thì “nguy cơ không chỉ Đạm Ninh Bình sập mà còn kéo sập cả tập đoàn”.
Thế nhưng, oái oăm ở chỗ là dự án này chưa thể quyết toán do còn chưa giải quyết xong các vướng mắc với tổng thầu EPC đến từ Trung Quốc. Ông Cường cho hay trong hợp đồng EPC có những gói thầu tăng giá, nhưng cũng có những gói thầu giảm giá. “Có điều, tổng thầu không chấp nhận bù trừ ngang mà vẫn yêu cầu phải thanh toán phần đội lên của các gói thầu tăng giá”, ông Cường nói.
Vướng mắc pháp lý trong hợp đồng EPC cũng là nút thắt của dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Ông Nguyễn Đình Phúc cho hay việc tiếp tục đàm phán với tổng thầu là Công ty tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MMC) cũng hoàn toàn bế tắc. “MMC không quay lại bàn đàm phán vì điều kiện tiên quyết của họ là phải tăng giá gói thầu thêm 100 triệu USD. Đây là điều bất khả thi nên Tổng công ty thép đã xin ý kiến Bộ Tư pháp để có thể chuẩn bị khởi kiện”, ông Phúc thông tin.
Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố mới đây yêu cầu thu hồi 13 triệu USD mà chủ đầu tư đã thanh toán sai quy định cho tổng thầu, ông Phúc cho hay VNSteel đã thông báo nội dung này cho MMC song “MMC không hứa có hoàn trả hay không”.

7/12 dự án đều rắc rối ở hợp đồng EPC

Báo cáo của Bộ Công thương gửi tới cuộc họp cho biết hiện còn tới 7 dự án, doanh nghiệp có vướng mắc, tranh chấp hợp đồng với tổng thầu EPC, gồm 3 dự án nhà máy thuộc Tập đoàn hóa chất (Đạm Ninh Bình; Đạm Hà Bắc; DAP số 2 - Lào Cai), 3 dự án/nhà máy thuộc Tập đoàn dầu khí (Ethanol Quảng Ngãi, Ethanol Phú Thọ và Đóng tàu Dung Quất), 1 dự án còn lại thuộc Tổng công ty thép là dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty gang thép Thái Nguyên.
Đến nay, 7 dự án này vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra, trong đó một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử. Cụ thể: đối với 3 dự án nhà máy sản xuất phân bón thuộc Vinachem, do các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài theo quy định về giải quyết tranh chấp. Đối với 4 dự án còn lại vẫn đang tiếp tục làm việc để giải quyết các tranh chấp nhưng chưa thống nhất được với các nhà thầu về phương án giải quyết và các giải pháp xử lý.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết trước đây, một số doanh nghiệp nội thường e ngại khởi kiện vì lo sứt mẻ quan hệ chính trị. Song đây là quan hệ kinh tế bình thường, nên không thỏa thuận được thì nên đưa nhau ra tòa. Ví dụ, với Đạm Ninh Bình, ông Hiếu cho hay dù công ty tư vấn luật lưu ý chưa khởi kiện nhà thầu mà tiếp tục đàm phán, nhưng Bộ Tư pháp nhận thấy nhà thầu EPC có nhiều vi phạm và đây là phương án mà Đạm Ninh Bình có lợi thế hơn. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định vướng mắc pháp lý tại các hợp đồng EPC như “hóc xương”, nhưng phải xử lý dứt điểm.
Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) cũng từng mắc pháp lý với nhà thầu nước ngoài, nhưng kinh nghiệm đàm phán của Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) khi đã xử lý dứt điểm tranh chấp pháp lý mà PVN không phải thanh toán các chi phí lên tới 23 triệu USD, lại thu về 10 triệu USD là bài học rất cần tham khảo”, Phó thủ tướng nói.

Cần cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Tạo, Phó cục trưởng Cục An ninh kinh tế, cho biết đã có một báo cáo riêng về việc điều tra các sai phạm tại những dự án này. Tuy nhiên, kết luận thanh tra một số dự án, như tại dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng thiếu cụ thể, dẫn đến khó khăn cho cơ quan điều tra. “Ví dụ như việc xác định hậu quả cụ thể, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân chưa rõ. Bên cạnh đó, nhiều dự án chưa quyết toán, hoàn thành nên cơ quan công an phải giám định với nhiều bộ ngành”, ông Tạo nói.
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Lam, Phó tổng thanh tra Chính phủ, cho biết cơ quan này đã cơ bản hoàn thành báo cáo thanh tra dự án Đạm Hà Bắc giai đoạn 2 và đã gửi xin ý kiến Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Sau khi có ý kiến thì Thanh tra Chính phủ sẽ sớm công bố kết luận.
Còn theo báo cáo của Bộ Công thương, đến nay đã có 4 dự án, doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật (gồm: dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ). Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án tại dự án Xơ sợi Đình Vũ và dự án Nhà máy ethanol Phú Thọ. Bộ Công an cũng đang tiếp tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại dự án Đạm Ninh Bình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.