'Xử án tham nhũng áp dụng tình tiết có nhân thân tốt là không đúng'

21/09/2016 20:05 GMT+7

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Mai Bộ , Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay (21.9).

Tại phiên làm việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp, trong 3 năm gần đây, số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giảm dần.
Bà Nga cho hay các hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm.
“Ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít, trong khi theo phản ánh của dư luận, tình hình tham nhũng ở những nơi này vẫn còn nghiêm trọng”, bà Nga nói.
Theo Ủy ban Tư pháp, vẫn còn một số vụ án tham nhũng xử lý kéo dài, hình phạt trong một số trường hợp có biểu hiện chưa nghiêm; tỷ lệ cho hưởng án treo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với các vụ án tham nhũng tại một số địa phương còn cao.
Cụ thể, báo cáo của Ủy ban Tư pháp dẫn chứng tỉnh Thanh Hóa xét xử 8 bị cáo về các tội danh tham nhũng, cho hưởng án treo 3 bị cáo, chiếm tỷ lệ 23,3%; 25% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Tương tự, Nghệ An xét xử 7 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì cho 3 bị cáo được hưởng án treo, 100% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Hà Nội xét xử 46 bị cáo phạm tội về tham nhũng, cho hưởng án treo 11 bị cáo.
Quy định "nhân thân tốt" làm lợi cho tội phạm tham nhũng
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Mai Bộ cho rằng Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng điều 60 của bộ luật Hình sự về án treo dường như đang “làm lợi” cho tội phạm tham nhũng.
Cụ thể, văn bản này quy định các trường hợp xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo, trong đó có điều kiện “có nhân thân tốt... chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật”.
Theo ông Bộ, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, có nhiều trường hợp các bị cáo tham nhũng cách thời điểm bị phát hiện nhiều năm, sau đó mới bị khởi tố. Nhưng đến khi xét xử lại áp dụng tình tiết bị cáo “có nhân thân tốt” là không đúng. “Anh tốt thì anh đã không tham nhũng mà anh tham nhũng nhiều lần, tham nhũng số lượng lớn thì không thể tốt được”, ông Bộ phân tích.
Cũng theo ông Bộ, tại điểm s, khoản 1 điều 46 bộ luật Hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
“Quy định như vậy là cho phép các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm do được tặng thưởng, khen thưởng. Điều này không hợp lý vì anh được khen thưởng, tặng thưởng trong thời kỳ anh ta tham nhũng nhưng chưa phát hiện ra. Lúc khen thưởng là khen nhầm nên bây giờ Tòa án phải đánh giá chỉ đạo không được cho áp dụng tình tiết như thế khi xử án tham nhũng”, ông Bộ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.