Xét xử vụ án buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay: Làm rõ nguồn tiền nhập lậu xăng dầu

14/12/2018 07:59 GMT+7

Ngày 13.12, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án buôn lậu xăng dầu quy mô lớn nhất từ trước đến nay bước sang ngày làm việc thứ hai.

[VIDEO] Xét xử vụ buôn lậu xăng dầu ngàn tỉ lớn nhất Việt Nam
HĐXX tập trung làm rõ hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới của bị cáo Aleria Romel (quốc tịch Philippines) thuyền trưởng tàu BTS Christina... Cáo trạng cáo buộc thuyền trưởng Aleria Romel trực tiếp vận chuyển 9.373,636 tấn xăng A92 từ Singapore vào cảng Hòa Phú (H.Tuy Phong, Bình Thuận) trái phép.
Tại tòa, Aleria Romel khai trước khi nhập cảng Hòa Phú đã gửi hồ sơ từng chuyến tàu cho Lê Hải Dương, nhân viên đại lý hàng hải của Công ty TNHH Đông Hưng Quốc tế) qua thư điện tử. Chuyến tàu cuối cùng ngày 28.1.2016, khi tàu BTS Christina cập cảng Hòa Phú, thuyền trưởng Aleria Romel đã ký vào bản khai chung do Dương lập ra để làm thủ tục thông quan. Vào thời điểm chuyến tàu này cập cảng (ngày 28.1.2016 - NV), thuyền trưởng và nhân viên đại lý hàng hải đã 2 lần lên tàu để lấy hồ sơ, nhưng không trao đổi gì với nhau.
Tòa hỏi nếu chuyến tàu đó không bị cơ quan chức năng của VN phát hiện, thì thuyền trưởng có bơm hết số lượng xăng dầu vào kho của Công ty Dương Đông Hòa Phú không? Aleria Romel khẳng định sẽ bơm hết vì đó là lệnh của chủ tàu từ Singapore. Bị cáo này khẳng định mình không biết chủ hàng tại VN là ai và không có trách nhiệm phải biết. Bị cáo này cho rằng truy tố mình tội buôn lậu xăng dầu qua biên giới là “không phù hợp” vì bị cáo không hề biết đó là xăng dầu buôn lậu. Có mặt tại phiên tòa, bà Maria - đại diện Đại sứ quán Philippines tại Hà Nội, cho biết hoàn cảnh của thuyền trưởng Aleria Romel hiện nay rất khó khăn và “anh là một thuyền trưởng tốt”. Bà đề nghị HĐXX có một bản án nhân đạo để thuyền trưởng này được trở về quê hương sinh sống cùng gia đình.
Cũng trong buổi sáng, tòa tập trung xét hỏi các cựu lãnh đạo Chi cục Hải quan Bình Thuận là các ông Võ Văn Toàn (nguyên chi cục trưởng) và Tạ Hùng Dũng (chi cục phó) về trách nhiệm khi để nhân viên Đinh Hữu Thùy nhận 144 triệu đồng (12 phong bì) từ nhân viên của Công ty Dương Đông Hòa Phú khi làm thủ tục thông quan 12 chuyến tàu nhập lậu. Tất cả các lãnh đạo này đều cho biết không được hưởng lợi gì từ việc nhập lậu xăng dầu của Công ty Dương Đông Hòa Phú.
Chiều qua, HĐXX cũng tập trung làm rõ nguồn tiền từ đâu để Công ty Dương Đông Hòa Phú nhập lậu xăng dầu với khối lượng lớn như vậy. Theo hồ sơ và khai báo tại tòa, Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú, khai vay tiền từ hai ngân hàng (BIDV và VietinBank). Tuy nhiên, đại diện cả hai ngân hàng này đều khai không biết các hoạt động vay tiền của Dương Đông Hòa Phú để mua xăng dầu nhập lậu từ nước ngoài. Cho tới thời điểm chuyến tàu nhập lậu thứ 13 bị bắt (ngày 28.1.2016) thì Công ty Dương Đông Hòa Phú còn nợ của BIDV 816 tỉ đồng. Sau đó, ngân hàng này phát mãi tài sản của công ty thu hồi lại nợ, hiện chỉ còn nợ 14,2 tỉ đồng.
Tương tự, nguồn tiền thứ hai mà Công ty Dương Đông Hòa Phú vay để nhập lậu xăng dầu là từ VietinBank. Kể từ ngày 27.7.2015 - 29.1.2016, Công ty Dương Đông Hòa Phú còn nợ VietinBank 250 tỉ đồng, cho tới tháng 10.2018 còn nợ 70 tỉ đồng. Hiện Công ty Dương Đông Hòa Phú còn số tiền hơn 71 tỉ đồng trong tài khoản mở tại Agribank (chi nhánh H.Tuy Phong, Bình Thuận, bị cơ quan CSĐT phong tỏa), cả đại diện hai ngân hàng trên đều đề nghị tòa cho giải tỏa để công ty dùng nguồn tiền này trả nợ cho ngân hàng.
Viện KSND tham gia xét hỏi tập trung làm rõ quá trình ký hợp đồng và trực tiếp điều hành của Nguyễn Đức Mạnh. Tuy nhiên, Mạnh luôn cho rằng mình không biết và chỉ ký theo cấp dưới trình các hợp đồng, chứ chưa từng liên lạc hay gặp gỡ các đối tác nước ngoài. Mạnh còn đổ lỗi cho Lại Xuân Tràng (hiện đang bị truy nã) là người nắm hết các hợp đồng và điều hàng, chứ mình không biết cho dù giữ chức tổng giám đốc.
Đường dây biên phòng, hải quan tiếp tay buôn lậu xăng lãnh án
Ngày 13.12, Tòa án Quân sự Quân khu 5 đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 8 bị cáo trong đường dây mua bán lậu xăng dầu. Theo đó, Hoàng Tiết Kiệm (52 tuổi), nguyên đại tá, Phó chỉ huy, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Khánh Hòa, bị phạt 4 năm tù; Lê Quý (49 tuổi), nguyên trung tá, Trạm phó Biên phòng cửa khẩu cảng Cam Ranh, 1 năm cải tạo không giam giữ cùng tội nhận hối lộ; Lê Thị Thảo (46 tuổi), Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn miền núi, 14 năm 6 tháng tù; Đỗ Thị Thục (51 tuổi, trợ lý Thảo) 12 năm 6 tháng tù cùng tội buôn lậu và đưa hối lộ; Chu Văn Hiền (30 tuổi), Công ty TNHH liên doanh kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong 5 năm tù; Trịnh Khắc Thuyên (46 tuổi), nhân viên Hải đội kiểm soát trên biển miền Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, 6 năm tù cùng tội buôn lậu; Nguyễn Đức Tiến (49 tuổi), thuyền trưởng Công ty CP đóng tàu thủy sản Hải Phòng, bị phạt 1 tỉ đồng; Đào Xuân Thắng (27 tuổi, thuyền viên) bị phạt 700 triệu đồng cùng tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Theo cáo trạng, tháng 7.2017, Hiền giới thiệu cho Thục lô hàng gần 5 triệu lít xăng RON 92 trị giá 50 tỉ đồng từ Singapore. Biết không có chứng từ nhưng Thục vẫn trình Thảo mua. Thảo trả cho Thuyên 1,35 tỉ đồng để Thuyên chỉ điểm tọa độ nhận hàng an toàn trên biển. Thảo, Thục hối lộ Kiệm 320 triệu đồng, Quý 10 triệu đồng để Kiệm chỉ đạo Quý cho tàu vào cảng. Thuyền trưởng Tiến và thuyền viên Thắng biết hàng lậu nhưng vẫn chở về kho.
Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.