Xét xử phúc thẩm đại án Huỳnh Thị Huyền Như: Phát hiện sai phạm trong việc tất toán vội vàng

20/12/2014 04:28 GMT+7

Hôm qua, ngày làm việc thứ năm phiên tòa xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, HĐXX, Viện KSND tối cao và luật sư thẩm vấn các bị cáo trong nhóm tội “vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hôm qua, ngày làm việc thứ năm phiên tòa xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, HĐXX, Viện KSND tối cao và luật sư thẩm vấn các bị cáo trong nhóm tội “vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 
Ngày làm việc thứ năm phiên tòa xét xử Huyền Như

Ngày làm việc thứ năm phiên tòa xét xử Huyền Như - Ảnh: Lê Nga

Trong nhóm tội “vi phạm các quy định cho vay...”, có tổng cộng 10 bị cáo (nguyên là nhân viên ở hai phòng giao dịch (PGD) Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ thuộc VietinBank TP.HCM và VIB chi nhánh TP.HCM) bị án sơ thẩm tuyên phạt từ 8 đến 17 năm tù. Đến nay, các bị cáo này đều được tại ngoại.

7 người nhận tội, 3 người kêu oan

Theo bản án sơ thẩm, từ 1.2011 - 10.2011, bị cáo Như sử dụng 474,05 tỉ đồng của ACB và 59,5 tỉ đồng của Navibank ký hợp đồng tiền gửi tại VietinBank TP.HCM tự trích lập thành các thẻ tiết kiệm. Sau đó, Như giả chữ ký chủ thẻ đem thế chấp tại hai PGD Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng vay 514,54 tỉ đồng rồi chiếm đoạt. Ngoài ra, bị cáo còn sử dụng thẻ tiết kiệm gửi tiền tại VietinBank Nhà Bè thế chấp vay 480,3 tỉ đồng tại VIB TP.HCM rồi chiếm đoạt 180 tỉ đồng. Cũng theo bản án sơ thẩm, để bị cáo Như làm được việc này, 10 bị cáo nguyên là nhân viên ở hai PGD trên và VIB chi nhánh TP.HCM đã bỏ qua các quy định về cho vay của đơn vị mình như: không có mặt người vay; không có mặt người bảo lãnh để làm thủ tục ký tên vào hồ sơ cho vay, hồ sơ bảo lãnh của người có tài sản bảo lãnh; hồ sơ thiếu chữ ký...

Sau khi án sơ thẩm tuyên, tất cả 10 bị cáo này đều kháng cáo. Kết thúc phần thẩm vấn ngày hôm qua, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận không làm đúng quy trình quy định về cho vay. Chỉ có 3 bị cáo Bùi Ngọc Quyên (nguyên Phó trưởng phòng PGD Điện Biên Phủ), Hoàng Hương Giang (giao dịch viên PGD Điện Biên Phủ) và Vũ Nguyễn Xuân Tiên (nguyên Phó trưởng phòng PGD Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM) giữ nguyên kháng cáo kêu oan.

Theo án sơ thẩm, Tiên là người ký phê duyệt hồ sơ tín dụng và ký giải ngân đối với 6 khoản vay cho Trần Thị Tố Quyên và Phan Văn Long đứng tên vay hơn 33 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm là 5 thẻ tiết kiệm có tổng giá trị hơn 34 tỉ đồng mang tên 3 cá nhân là nhân viên ACB và Navibank - đây là những hồ sơ do Như làm giả.

Tại tòa, bị cáo Tiên cho rằng mình làm đúng quy trình, các hồ sơ khi chuyển đến bị cáo đều đầy đủ chữ ký. Không chỉ dẫn chứng các tài liệu có trong hồ sơ, HĐXX và đại diện Viện KSND tối cao đã cho các bị cáo liên quan đến 6 hồ sơ nói trên đối chất tại tòa. Trong khi Tiên kêu hồ sơ đầy đủ thì những người khác lại nói nhiều hồ sơ thiếu chữ ký, chưa đầy đủ đã được duyệt giải ngân và bổ sung sau.

Còn bị cáo Hoàng Hương Giang thì cho rằng bản án sơ thẩm quy kết bị cáo liên quan đến 4 hồ sơ vay 20 tỉ đồng thế chấp thẻ tiết kiệm đứng tên Navibank nhưng 4 trường hợp này đã tất toán, không còn thiệt hại gì.

“Cưng cho tất toán ngay đi”

Tại phiên xử, bị cáo Như thừa nhận, đối với những trường hợp cầm cố thẻ tiết kiệm của nhân viên ACB và Navibank là không đảm bảo quy chế về cho vay của VietinBank, chủ thẻ không biết việc thẻ tiết kiệm của mình bị người khác sử dụng đi vay. “Bị cáo đã gian dối với đồng nghiệp. Các đồng nghiệp đã tin tưởng bị cáo nên mới bị dẫn đến hoàn cảnh này”, bị cáo nói.

Liên quan đến việc giả chữ ký chủ thẻ cầm cố thẻ tiết kiệm vay tiền, vấn đề được nhiều người tiến hành tố tụng tập trung thẩm vấn là việc khi phát hiện sai phạm trong cho vay, đã có chỉ đạo từ lãnh đạo VietinBank qua điện thoại ngay lập tức tất toán thu hồi tiền không cần hỏi ý kiến chủ thẻ tiết kiệm.

Thẩm phán Mai Thị Tú Oanh hỏi bị cáo Đoàn Lê Du (nguyên Trưởng PGD Đinh Tiên Hoàng): “Trong một bản cung, bị cáo có khai Như gọi điện thoại nói “Cưng cho tất toán ngay đi, sẽ bị phong tỏa đấy!”. Bị cáo biết đó là khoản nào cần phải tất toán không?”. Du ấp úng: “Việc tất toán các khoản vay trước hạn đều có ý kiến của ban giám đốc. Bị cáo không tự ý làm mà các lãnh đạo chi nhánh đều biết rõ những khoản vay bất hợp pháp từ điểm giao dịch của Như chuyển sang”. Vị thẩm phán hỏi tiếp: “Tất toán không cần hỏi ý kiến chủ thẻ tiết kiệm?”. Du đáp: “Dạ, theo quy định khi phát hiện có sai phạm, không hợp pháp nên tất toán”. Vị thẩm phán đặt vấn đề: “Sai phạm ở đây là ai sai phạm? Chủ thẻ tiết kiệm có biết thẻ tiết kiệm của mình bị người khác sử dụng đi vay bất hợp pháp đâu? Thông qua việc tất toán đã biến hành vi chiếm đoạt tiền của VietinBank thành chiếm đoạt của ACB và Navibank?”. Trước các câu hỏi này, bị cáo Du im lặng.

Hôm nay tòa nghỉ. Ngày 22.12, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

“Vậy lời khai này là bịa à ?”

Tương tự, đại diện Viện KSND tối cao hỏi bị cáo Trần Thanh Thanh (nguyên Trưởng PGD Điện Biên Phủ): “Hợp đồng cho vay 25 tỉ đồng bị cáo đã tất toán, trích tiền từ thẻ tiết kiệm thu hồi vốn”. Thanh thưa: “Dạ”. Vị công tố truy: “Chủ thẻ tiết kiệm người ta có vay đâu mà bị cáo tự ý tất toán? Ai chỉ đạo bị cáo tất toán?”. Thanh đáp: “Ban giám đốc”. Vị công tố hỏi: “Cụ thể là ai?”. Thanh ấp úng: “Bị cáo không nhớ”. Vị công tố vặn: “Vậy lời khai này là bịa à?”. Vị công tố nói tiếp: “Các bị cáo nói hợp đồng có dấu hiệu vi phạm nên tất toán. Ai là người vi phạm? Chủ thẻ tiết kiệm hay các bị cáo vi phạm?”.

Đại diện Viện KSND nói thêm: “Không chỉ có 51 hợp đồng cho vay sai bị truy tố trong vụ án này mà các bị cáo còn làm rất nhiều vụ khác nhưng đã tất toán xong nên không bị truy tố. Các bị cáo đã làm việc đó rất nhiều lần và nếu làm rõ là có dấu hiệu sử dụng trái phép tài sản nữa”.

 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.