Xét xử nguyên Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình: Một số tài liệu của NHNN chưa được giải mật

Phan Thương
Phan Thương
25/06/2018 11:43 GMT+7

Trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa, đối với một số đề nghị của các luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo, HĐXX cho biết không đồng ý và sẽ xem xét trong quá trình xét xử.

Ngày 25.6, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 4 bị cáo nguyên là Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), gồm: Lê Văn Thanh (nguyên Tổ trưởng tổ giám sát, nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An); Hà Tấn Phước (nguyên Tổ trưởng tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An); Phạm Thế Tuân (nguyên Tổ phó tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM); Ngô Văn Thanh (nguyên thành viên tổ giám sát, nguyên Phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An).
[VIDEO] Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình hầu tòa
Trong phần thủ tục, LS Phạm Văn Đàm (Đoàn LS TP.Hà Nội), đại diện nhóm LS bào chữa cho Đặng Thanh Bình đề nghị triệu tập bà Nguyễn Thị Hòa (Vụ trưởng Vụ 6 cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước, là người tham gia đề án tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém, trong đó có VNCB).
Theo LS Đàm, bà Hòa đã trực tiếp thẩm định năng lực tài chính của cổ đông mới (Phạm Công Danh - PV), toàn bộ hồ sơ qua các biên bản lời khai của bà Hòa có mâu thuẫn. LS cho rằng việc vắng mặt của bà Hòa sẽ làm ảnh hưởng đến phiên tòa.
Về yêu cầu này, HĐXX cho biết phạm vi xét xử chỉ xét xử 5 bị cáo phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nên việc triệu tập bà Nguyễn Thị Hòa là không cần thiết; trong quá trình xét xử, nếu phát sinh tình tiết sẽ triệu tập bà Hòa sau.
Về việc triệu tập một số cá nhân đến tòa với 2 tư cách: vừa là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, vừa người làm chứng, chủ tọa cho biết trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ xem xét tư cách phù hợp để đưa vào bản án.
Bên cạnh đó, LS Trương Thị Minh Thơ (Đoàn LS TP.HCM, bào chữa cho bị cáo Ngô Văn Thanh) nêu trong hồ sơ vụ án, một số tài liệu mật của Ngân hàng Nhà nước chưa được giải mật nên đề nghị HĐXX cho phép các LS được sử dụng các tài liệu mật này trong quá trình xét xử vụ án.
Tuy nhiên, HĐXX cho biết, việc sử dụng tài liệu mật không thuộc phạm vi xem xét của HĐXX; việc giải mật sẽ thực hiện theo Nghị định của Chính phủ và các quy định liên quan, vì vậy HĐXX đề nghị các LS nghiên cứu các quy định pháp luật và sử dụng tài liệu mật sao cho phù hợp, đúng quy định.
Sau phần thủ tục, Đại diện Viện KSND TP.HCM đọc cáo trạng. Chiều nay, phiên tòa bước vào phần thẩm vấn.
Theo cáo trạng, tại NHNN, ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của Chính phủ, trong đó có VNCB. Tháng 8.2012, ông Đặng Thanh Bình ký tờ trình Chính phủ về phương án tái cơ cấu VNCB và được Chính phủ chấp thuận chủ trương.
Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do Hứa Thị Phấn làm đại diện) sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do Phạm Công Danh làm đại diện), VNCB được xếp loại ngân hàng yếu kém và cần thiết phải có cơ chế giám sát đặc biệt. Tuy nhiên, ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội. Theo đó, kể từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng càng làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao.
Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỉ đồng, gấp 6 lần so với lúc chưa tái cơ cấu (tháng 7.2012), nợ phải trả là hơn 38.000 tỉ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 15.000 tỉ đồng ở cả 2 giai đoạn. Hậu quả của vụ án khiến NHNN buộc phải mua lại VNCB với giá 0 đồng.
Đối với Tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB do ông Bình ký quyết định thành lập, hồ sơ vụ án nêu, tổ giám sát đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh và các đồng phạm thực hiện các hành vi phạm tội, rút tiền của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB. Trong đó, bị cáo Hà Tấn Phước có trách nhiệm liên quan đối với hậu quả thiệt hại hơn 3.454 tỉ đồng; Lê Văn Thanh có trách nhiệm đối với thiệt hại hơn 6.591 tỉ đồng; Phạm Thế Tuân có trách nhiệm liên quan đối với hậu quả thiệt hại hơn 3.454 tỉ đồng; Ngô Văn Thanh có trách nhiệm liên quan đối với hậu quả thiệt hại hơn 10.046 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.