Xét xử đại án VNCB: Viện KSND bảo lưu đề nghị thu hồi gần 6.200 tỉ đồng từ 3 ngân hàng

Phan Thương
Phan Thương
28/01/2018 10:10 GMT+7

Tranh luận lại với các luật sư tại tòa, đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng 6.126 tỉ đồng là vật chứng của vụ án nên phải được thu hồi.

Ngày 27.1, HĐXX tiếp tục làm việc với phần tranh luận lại của đại diện Viện KSND TP.HCM (gọi tắt VKS) đối với các luật sư (LS) bào chữa cho 46 bị cáo, các LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người liên quan trong vụ án Phạm Công Danh (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và 45 đồng phạm “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 ngân hàng: VNCB, Sacombank, TPBank, BIDV, gây thiệt hại của VNCB trên 6.126 tỉ đồng.

Trước đó, sau khi VKS nêu quan điểm không đồng ý đối trừ 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ do nhóm Phạm Công Danh nộp vào tài khoản của VNCB (sau đó không được Ngân hàng Nhà nước đồng ý cho tăng vốn) để giảm thiệt hại trong vụ án, bị cáo Danh và các LS của mình cho rằng việc không đối trừ vô hình trung CB Bank (VNCB trước đây) được hưởng lợi kép, tức vừa được hưởng khoản tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ (không phải trả lại), vừa được yêu cầu thu hồi lại từ các ngân hàng.
Tranh luận lại, VKS khẳng định vật chứng của vụ án là khoản thiệt hại hơn 6.126 tỉ đồng của VNCB và VKS đã đề nghị HĐXX thu hồi lại số tiền này từ Sacombank, TPBank, BIDV. Riêng 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ, VKS không xác định đây là vật chứng vụ án nên không đề nghị thu hồi.
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa VNCB Ảnh: Ngọc Dương
Đồng thời, theo VKS, nếu cho rằng 4.500 tỉ đồng của nhóm Danh dùng để tăng vốn điều lệ đã được chuyển về tài khoản VNCB tại Sở Giao dịch 2 Ngân hàng Nhà nước và hòa vào dòng tiền chung của VNCB, không thể bóc tách được thì đây là quan hệ giữa Phạm Công Danh và CB Bank. Do đó, VKS đề nghị HĐXX dành quyền khởi kiện cho bị cáo Danh đối với CB Bank trong khoản tiền 4.500 tỉ đồng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo cũng như CB Bank.
Việc 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV “phản ứng” đề nghị của VKS thu hồi hơn 6.126 tỉ đồng, công tố viên phân tích: bị cáo Danh dùng tiền của VNCB gửi tại 3 ngân hàng để bảo lãnh cho 29 công ty (trong đó 18 công ty là của Danh, 11 công ty do Danh mượn) là vi phạm luật Các tổ chức tín dụng, khi Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB và chính là chủ của các công ty đề nghị cấp tín dụng. Hồ sơ cầm cố tài sản, bảo lãnh vay tiền Danh sử dụng chỉ có duy nhất chữ ký của Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), là vi phạm Thông tư 28 của Ngân hàng Nhà nước.
Mặt khác, theo VKS, do có thỏa thuận từ trước nên những người có trách nhiệm tại 3 ngân hàng mới nhận bảo lãnh cho các công ty của Danh vay tiền trong tình trạng hồ sơ không đúng là cũng vi phạm luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư 28.
Ngoài ra, 3 ngân hàng này đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng như: không kiểm tra, thẩm định hồ sơ vay, tài sản cầm cố, phương án vay vốn mà chỉ nhắm vào tài sản cầm cố, bảo lãnh mà bỏ mặc hậu quả có thể xảy ra. Thực tế hậu quả xảy ra là VNCB mất tiền, 29 công ty không thể trả tiền cho VNCB. Việc VNCB bị thiệt hại là do hành vi cố ý làm trái của Danh và có sự giúp sức tích cực của một số người có trách nhiệm tại Sacombank, TPBank, BIDV.
“Việc 3 ngân hàng dùng tiền bảo lãnh, cầm cố của VNCB để thu hồi nợ là không đúng; quan hệ bảo lãnh và nhận bảo lãnh giữa VNCB và Sacombank, TPBank, BIDV là hành vi trái pháp luật nên vật chứng 6.126 tỉ đồng phải được thu hồi về để trả lại cho CB Bank”, đại diện VKS nhấn mạnh.
Các nội dung tranh luận khác về tội danh của một số bị cáo, VKS cũng tranh luận lại trên cơ sở bảo lưu quan điểm, rằng 46 bị cáo bị đưa ra xét xử là đúng người, đúng tội. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ của từng bị cáo để tuyên mức án phù hợp.
Phạm Công Danh xin lỗi 3 ngân hàng
Hôm qua, HĐXX cũng cho Phạm Công Danh được trình bày ý kiến sau khi kết thúc phần tranh luận. Theo đó, Danh một lần nữa khẳng định những bị cáo là giám đốc “ảo” không hề hưởng lợi ngoài việc được nhận lương trách nhiệm là bảo vệ, tài xế, rửa xe… nên mong HĐXX xem xét cho những bị cáo này.
“Còn việc chăm sóc khách hàng, tôi không dùng một đồng nào của ngân hàng (VNCB) phục vụ cho việc này. Tôi phải bán rất nhiều tài sản của mình được hình thành từ 5 - 10 năm trước đó để có tiền chi chăm sóc khách hàng. Đó là nguyên nhân mà tài sản của tôi đến nay không còn gì, đến xe máy, ô tô của tôi cũng phải bán, thế chấp luôn. Nếu khắc phục hậu quả, tôi xin phép được khắc phục từ tài sản của mình, từ tiền sai phạm được thu hồi từ ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Hứa Thị Phấn… Tôi không muốn gây thiệt hại, làm phiền tới 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV, vì niềm tin mà họ cho tôi vay. Tôi chuyển lời xin lỗi đến 3 ngân hàng”, bị cáo Danh trình bày bổ sung.
Trong số tiền 6.126 tỉ đồng bị đề nghị thu hồi gồm có: Sacombank hơn 1.835 tỉ đồng, TPBank hơn 1.740 tỉ đồng và BIDV hơn 2.550 tỉ đồng. Trong phiên xét xử ngày 26.1, cả 3 ngân hàng này đều đề nghị HĐXX không chấp nhận quan điểm của đại diện VKS. Lập luận của đại diện 3 ngân hàng này là: các giao dịch, thỏa thuận liên quan giữa các bên đều phù hợp với các quy định về bảo lãnh, xử lý thu hồi nợ…; kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ việc VNCB gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác, rồi cầm cố, bảo lãnh cho vay tín dụng là được phép theo quy định pháp luật; VKS đề nghị thu hồi tiền từ ngân hàng để khắc phục hậu quả là trái với nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự trong một vụ án hình sự…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.