Xét xử đại án gang thép Thái Nguyên: Bác đề nghị triệu tập ông Hoàng Trung Hải

Thái Sơn
Thái Sơn
12/04/2021 10:01 GMT+7

Các luật sư đề nghị triệu tập nguyên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải , tuy nhiên, HĐXX cho rằng đã có tài liệu ở giai đoạn điều tra, nếu luật sư thấy cần thiết làm rõ thông tin, tòa sẽ công bố.

Sáng nay, 12.4, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên xét xử 19 bị cáo trong vụ án vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Xét xử đại án thất thoát hơn 830 tỉ ở Gang thép Thái Nguyên

Trong phần làm thủ tục phiên tòa, HĐXX cho biết bị cáo Đậu Văn Hùng, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam (VNS), đã làm đơn xin được xét xử vắng mặt vì bản thân mắc nhiều bệnh nan y hiểm nghèo nên dễ bị trụy tim, mất trí nhớ. Bị cáo Hùng khẳng định đã nhận thức đầy đủ hành vi, cam kết sẽ tuân thủ bản án, quyết định của tòa.
Ngoài đại diện của hơn 5 bộ, ngành đã được tòa gửi giấy triệu tập như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, một số luật sư còn đề nghị triệu tập thêm các cá nhân có liên quan.
Trong đó, luật sư Nguyễn Đình Khỏe xin triệu tập thêm nhân chứng là nguyên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, bởi ông Hải là người ký những văn bản rất quan trọng trong vụ án. Luật sư Trần Văn Tạo, người bào chữa cho bị cáo Trần Văn Khâm, cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng giám đốc TISCO, cũng đề nghị triệu tập ông Hoàng Trung Hải và ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, để làm rõ nhiều nội dung trong vụ án.
Trước các đề nghị trên, HĐXX đã hội ý và quyết định đồng ý để bị cáo Đậu Văn Hùng được xét xử vắng mặt. Với đề nghị triệu tập nguyên Phó thủ tướng Chính phủ và nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, HĐXX cho rằng đã có tài liệu ở giai đoạn điều tra, nếu luật sư thấy cần thiết làm rõ thông tin, tòa sẽ công bố.
Theo cáo trạng Viện KSND tối cao, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 do TISCO làm chủ đầu tư, HĐQT VNS là cấp quyết định đầu tư, được triển khai từ năm 2007 với tổng mức đầu tư dự kiến 3.843 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu trọn gói là Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).
Tháng 8.2008, sau hơn 11 tháng triển khai dự án, tổng thầu MCC đã tự ý dừng hợp đồng, rút hết người về nước trong khi chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa chọn nhà thầu phụ, chưa triển khai thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu. Tuy nhiên, MCC lại có nhiều văn bản gửi chủ đầu tư đề nghị kéo dài thời gian thực hiện gói thầu, đồng thời có văn bản đề nghị tăng thêm hơn 138 triệu USD.
Dù các đề nghị của tổng thầu Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nhưng các bị can là lãnh đạo của TISCO, thay vì dừng hợp đồng với nhà thầu, thậm chí hủy đấu thầu, lại đề nghị các cơ quan chức năng cho kéo dài thời gian thực hiện dự án và tăng giá tổng mức đầu tư dự án.
Cáo trạng chỉ rõ, các bị can Mai Văn Tinh và Đậu Văn Hùng là những người có thẩm quyền dừng hoặc chỉ đạo chủ đầu tư TISCO dừng hợp đồng với nhà thầu, song đã không thực hiện chức trách được giao, mà còn chỉ đạo cấp dưới tại VNS, TISCO đàm phán với nhà thầu, đồng thời đề nghị các đơn vị hữu quan cho kéo dài thời gian thi công và tăng giá hợp đồng EPC hơn 138 triệu USD không có cơ sở. Hành vi của các bị cáo đã thiệt hại hơn 830 tỉ đồng tài sản nhà nước.

Vì sao đề nghị triệu tập nguyên Phó thủ tướng?

Theo hồ sơ vụ án, thời điểm tháng 9.2012, sau khi TISCO, VNS và Bộ Công thương xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án lên 8.104 tỉ đồng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Đa số các bộ, ngành lấy ý kiến đều phản đối, cho rằng việc tăng mức đầu tư cho dự án hơn 4.200 tỉ đồng là thiếu cơ sở.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Văn bản số 6618 nêu “tổng mức đầu tư của dự án tăng lớn nên hiệu quả dự án đã thay đổi, phải được thẩm định lại về hiệu quả kinh tế - xã hội và tính khả thi”, đồng thời đề nghị Bộ Công thương phải làm rõ trách nhiệm các bên khi tăng mức đầu tư.
Tương tự, Bộ KH-ĐT nêu rõ “nhà thầu MCC chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký, chưa có giải pháp khắc phục, vì vậy, không có lý do gì để được điều chỉnh giá”. Bộ Tài chính khi đó cũng cho rằng, việc dự án điều chỉnh tăng 110,8% với đầu tư ban đầu là rất lớn, nhiều nội dung điều chỉnh tăng không rõ và không hợp lý…
Tuy nhiên, ngày 21.4.2013, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 3136 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải gửi Bộ Công thương và VNS nêu rõ: “HĐQT VNS quyết định chịu trách nhiệm thực hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả… Đồng ý về nguyên tắc Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP công thương xem xét cho vay tiếp…”, đã dẫn đến TISCO cho rằng việc điều chỉnh tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng chấp thuận.
Mặt khác, cũng trên cơ sở đề nghị của Bộ Công thương và TISCO, ngày 20.11.2014, ông Hoàng Trung Hải ký Văn bản số 2339 thể hiện nội dung “tiếp tục thực hiện dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh 8.104 tỉ đồng”.
Đáng chú ý, ngày 11.6.2015, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 196 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải “đồng ý để TISCO thanh toán các khoản chi phí trả cho MCC (vật tư thiết bị hư hỏng bởi gỉ sét, lão hóa do lưu kho lâu ngày)”.
Những ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng Trung Hải trên danh nghĩa Phó thủ tướng đã gây ra nhiều hậu quả đối với dự án gang thép TISCO. Bình quân mỗi tháng, TISCO phải trả tiền lãi vay ngân hàng khoảng 40 tỉ đồng. Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỉ đồng,... tức tương đương với tổng mức đầu tư của dự án ban đầu.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố hồi tháng 12.2019 xác định, ông Hoàng Trung Hải trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO. Còn ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Công thương (giai đoạn 2007 - 2016), chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đối với các chủ trương, chỉ đạo liên quan đến dự án của TISCO.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.