Xét xử các nguyên lãnh đạo Navibank: Các bị cáo không gây hậu quả?

Phan Thương
Phan Thương
03/03/2018 09:00 GMT+7

Các bị cáo nguyên lãnh đạo Navibank trình bày không gây ra hậu quả nghiêm trọng vì toàn bộ tiền đang nằm tại... VietinBank.

Hôm qua (2.3), các luật sư bắt đầu tham gia thẩm vấn các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự trong vụ án “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank, gây thiệt hại cho ngân hàng này 200 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, hành vi của 10 bị cáo nguyên là các lãnh đạo Navibank đã vi phạm quy định cho vay tại Quyết định 34/2010 của Navibank, vi phạm điều 1 Thông tư 02/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi suất trần, vi phạm khoản 3, 4 điều 7 về điều kiện vay vốn của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, vi phạm về xét duyệt cấp tín dụng quy định tại điều 94 luật Các tổ chức tín dụng.
Trả lời các luật sư, bị cáo Lê Quang Trí - nguyên Tổng giám đốc; 3 nguyên Phó tổng giám đốc Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn; nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Đoàn Đăng Luật; nguyên Trưởng phòng Kế toán Huỳnh Vĩnh Phát; nguyên Trưởng phòng Pháp chế Phạm Thị Thu Hiền… khai không vi phạm bất cứ hành vi nào mà cáo trạng liệt kê như trên.
Cụ thể, các bị cáo cho rằng Quyết định 34/2010 là quyết định nội bộ của Navibank, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không thể gọi là làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế; điều 1 Thông tư 02/2011 quy định về mức lãi suất trần đối với tổ chức tín dụng huy động vốn, trong khi các bị cáo không hề huy động vốn; khi xét cấp tín dụng cho khách hàng là các nhân viên Navibank, các bị cáo đã kiểm tra và có phương án vay vốn nên không vi phạm khoản 3, 4 điều 7 về điều kiện vay vốn; về phạm vi xét duyệt cấp tín dụng, các bị cáo khẳng định cấp tín dụng đúng, luật không cấm.
Ngoài ra, các bị cáo trình bày không gây ra hậu quả nghiêm trọng vì toàn bộ tiền đang nằm tại VietinBank. Việc 200 tỉ đồng bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên kiểm soát viên, quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ - Ngân hàng VietinBank chi nhánh TP.HCM, bị tuyên phạt án chung thân vì tội lừa đảo) chiếm đoạt là do lỗi VietinBank lỏng lẻo trong quá trình giám sát, quản lý nhân viên nên bên chịu trách nhiệm là VietinBank.
Báo chí được quyền tác nghiệp theo luật Báo chí
Sáng qua, trước khi mở phiên tòa, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị chủ tọa không cho phép báo chí chụp ảnh để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của các bị cáo. Chủ tọa Vũ Thanh Lâm (Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM) trả lời với các luật sư, rằng đây là phiên tòa hình sự xét xử công khai, báo chí tác nghiệp sẽ tuân thủ theo nội quy phiên tòa, theo đúng luật Báo chí, chịu trách nhiệm về bài viết, khi tác nghiệp không gây mất trật tự phiên tòa.
Trong hai ngày xét xử vừa qua, nhiều bị cáo phản ứng với báo chí, cho rằng báo chí muốn chụp hình phải xin phép và được sự đồng ý của họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.