Xét nghiệm tất cả người về từ vùng dịch

Liên Châu
Liên Châu
16/03/2020 07:00 GMT+7

Từ ngày 15.3 hành khách nhập cảnh từ châu Âu vào Việt Nam cùng với thực hiện khai báo y tế , đo thân nhiệt và cách ly y tế tập trung ngay, tất cả đều được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Cùng với việc khai báo y tế, đo thân nhiệt và cách ly y tế tập trung, từ ngày 15.3 tất cả khách nhập cảnh từ châu Âu vào Việt Nam đều được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 nhằm kiểm soát tốt hơn nữa các ca nghi nhiễm.
Sáng 15.3, Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19 tổ chức tập huấn trực tuyến về ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch Covid-19. GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay dịch Covid-19 tại Việt Nam có đặc điểm riêng, với phần lớn bệnh nhân (BN) là ca xâm nhập từ nước ngoài vào, khác hẳn các nước khác nên khó xác định được BN số 0. Trong khi đó, các ca bệnh mới tiếp tục ghi nhận, gồm các ca tiếp xúc gần ca bệnh xâm nhập, do đó cách ứng phó với dịch phải mạnh mẽ, quyết liệt và kiên trì ngăn chặn ca xâm nhập.

Covid-19 có tái nhiễm không, vì sao kết quả xét nghiệm thay đổi? | Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng giải đáp

Tiếp tục triệt để cách ly

Ông Long thông tin, ngày 14.3 đã có những chuyến bay nếu không ngăn chặn kịp thời thì ca dương tính sẽ tràn vào Việt Nam, sẽ rất nguy hiểm như ca thứ 34. Tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam ngày 14.3 cũng đã được cách ly kịp thời ngay tại cửa khẩu.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tại phía nam cần tăng cường kiểm soát khai báo y tế; phía bắc thời gian qua đã làm tốt việc này, nhưng phải tiếp tục quyết liệt, triệt để.
Nếu tiếp tục để những ca bệnh xâm nhập vào thì việc ứng phó sẽ khó khăn. Ông Long khẳng định tiếp tục thực hiện cách ly một cách triệt để.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng thành công nhất của Việt Nam là cách ly. Ở một số nước cho cách ly tại nhà các ca tiếp xúc gần nhưng ở Việt Nam, tiếp xúc gần vẫn phải cách ly tại cơ sở y tế.
Đã có nhiều ca phát hiện là qua cách ly tập trung. “Chúng ta có những điều chỉnh để phù hợp với diễn biến và với từng địa phương. Ví dụ như Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) vừa qua ta cách ly rộng toàn xã, nhưng hiện nay cách ly quy mô nhỏ hơn. Như vậy mới vừa đảm bảo đời sống nhân dân vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch”, ông Long nói.

Đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm

Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá việc phát hiện sớm ca bệnh để cách ly sớm, ngăn chặn dịch lan rộng. Để phát hiện sớm, bên cạnh biện pháp cách ly được áp dụng ngày càng chặt, thì mở rộng xét nghiệm là rất cần thiết.
Theo đó, từ ngày 15.3 hành khách nhập cảnh từ châu Âu vào Việt Nam cùng với thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt và cách ly y tế tập trung ngay, tất cả đều được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Mọi hành khách từ các nước có dịch đều khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi lên máy bay đến Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên áp dụng việc này đã thực hiện từ 4 giờ 30 ngày 15.3. Việc làm chặt này sẽ kiểm soát tốt hơn nữa các ca nghi nhiễm.
Ông Long lưu ý, trong nội địa không để sót các ca khai báo bằng cách khẩn trương rà soát toàn bộ hành khách nhập cảnh từ các nước, vùng lãnh thổ có dịch... trong 14 ngày qua, yêu cầu khách khai báo điện tử, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm tất cả các ca này. “Chúng ta làm càng nhanh, càng khoanh lại thì càng hiệu quả trong phòng chống dịch”, ông Long nhấn mạnh.
Trước những băn khoăn về năng lực xét nghiệm liệu có đảm bảo đáp ứng khi tăng tốc và mở rộng diện xét nghiệm, theo ông Long, công suất xét nghiệm đang được đẩy nhanh, chính xác và yêu cầu trả kết quả trong 24 giờ, tiếp tục cố gắng trả nhanh nhất. Với hệ thống máy chạy tự động và tăng cường thêm máy, hiện công suất xét nghiệm đã tăng lên nhiều lần.
Năng lực xét nghiệm Covid-19 đã được nâng cao, rút ngắn thời gian trả kết quả Ảnh: Liên Châu

Năng lực xét nghiệm Covid-19 đã được nâng cao, rút ngắn thời gian trả kết quả

Ảnh: Liên Châu

Như Hà Nội, hiện đã đạt 300 - 500 mẫu xét nghiệm/ngày và tiếp tục tăng lên. Tại Viện Pasteur TP.HCM đã đạt 1.000 mẫu/ngày, và có thể lên đến 3.000 mẫu/ngày. Bên cạnh đó, cả nước đã có hơn 30 đơn vị đủ năng lực xét nghiệm Covid-19.
Để tránh tình huống âm tính trong giai đoạn sớm, các khu cách ly lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho các ca cần thiết; lấy mẫu xét nghiệm ngày thứ 3 kể từ khi có yếu tố nguy cơ để kết quả được chính xác hơn (khi cơ thể đã có kháng thể, nếu nhiễm vi rút).
“Không thể cứ đổ xô đi xét nghiệm, chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ để đúng và chính xác. Các xét nghiệm được miễn phí cho người Việt được chỉ định”, ông Long lưu ý thêm và cho biết các trường hợp lo ngại có thể liên lạc với đường dây nóng của Bộ Y tế như tổng đài 19009095/19003228 để được tư vấn.

Dùng công nghệ rà, quét hành khách “thất lạc”

Theo GS Long, Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, minh bạch, không giấu diếm dịch bệnh.
Chúng ta áp dụng tờ khai y tế điện tử và đang làm việc với các hãng hàng không để các chuyến bay khi dừng đỗ, cùng với việc vệ sinh khử khuẩn thì cho khai báo y tế điện tử trên máy bay luôn để tránh ùn ách.

Việt Nam công bố bệnh nhân thứ 57 nhiễm Covid-19

Tận dụng triệt để công nghệ thông tin trong tình huống cần truy tìm các hành khách. Việc truy tìm này đã ngày càng rút ngắn.
“Với chuyến bay VN0054, chúng ta mất 4 ngày mới kiểm soát được hành khách. Những chuyến bay sau là 2 ngày nhưng hiện nay chỉ nửa ngày đã truy xuất được. Nhưng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch mong muốn rút ngắn xuống 2 giờ là truy được, thậm chí ngắn hơn nữa”, ông Long nói.
Hiện các địa phương đã yêu cầu tất cả các cơ sở lưu trú phải kê khai, gửi thông tin về hành khách nhập cảnh lưu trú đến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch thông qua hệ thống mạng. Khi chúng ta quản lý được hành khách có nguy cơ thì tiếp cận được họ, cách ly kịp thời, bảo vệ sức khỏe cho họ và cộng đồng.
“Phần mềm hiện nay rà quét trên mạng xã hội, có thể chỉ cần thoáng thấy qua logo, biển hiệu nơi họ “check in” là có thể tìm ra nơi họ có mặt, lập tức báo cho địa phương liên lạc, yêu cầu chủ khách sạn/nhà nghỉ thông tin về các khách này”, TS Phạm Quang Thái, thành viên tổ trực, tìm kiếm các hành khách thất lạc, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết.

Mở hệ thống khai báo sức khỏe du lịch trên toàn quốc

Sáng 15.3, Bộ Y tế cùng Bộ VH-TT-DL, Bộ TT-TT, Bộ KH-CN công bố hệ thống khai báo sức khỏe du lịch phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Hệ thống này nhằm hỗ trợ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ động nắm được lịch trình của hành khách trong nước và quốc tế khi du lịch tại Việt Nam. Hệ thống sẽ được tích hợp vào ứng dụng Vietnam Health Declarations.
Cụ thể, hệ thống sẽ áp dụng tại 100% cơ sở du lịch trên toàn quốc, bao gồm các địa điểm nhập cảnh (sân bay, cửa khẩu); ăn uống (nhà hàng, khách sạn, quán ăn...); lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ); khu vui chơi, giải trí, trung tâm hội nghị; hãng vận tải hành khách trên cả nước.
Người quản lý và điều hành tại các địa điểm cung cấp dịch vụ sẽ quét QR code của hành khách khi tiếp đón và cung cấp dịch vụ tại cơ sở mình để lưu lại thông tin.
Hà Khanh

Mỹ có thiếu bộ xét nghiệm virus corona?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.