Xe tải chở lợn nhiễm dịch tả từ Bắc Ninh vào Quảng Nam 'bán dạo'

29/05/2019 08:25 GMT+7

Tại Quảng Nam, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 68 hộ dân tại 4 huyện, thị xã với 228 con lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy.

Sáng 28.5, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã chủ trì buổi họp khẩn với các địa phương về phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo báo cáo, đến thời điểm hiện tại dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 68 hộ dân tại 4 huyện, thị xã với 228 con lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy.

Chở 150 con lợn, kiểm tra còn 39 con

Trước đó, vào trưa 27.5, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Nam, Cục Quản lý thị trường tỉnh và đại diện chính quyền H.Phú Ninh đã phối hợp kiểm tra xe tải BS 76C - 060.68 vận chuyển lợn thịt đang dừng đổ xăng trên QL1 thuộc địa phận xã Tam Đàn, H.Phú Ninh, do người dân nghi vấn báo tin.
Lúc kiểm tra, trên xe chở 39 con lợn (trọng lượng khoảng 60 kg/con), trong đó 5 con đã chết, có triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, vận chuyển ra khỏi tỉnh đã hết giá trị (được cấp từ ngày 24 - 26.5); theo giấy kiểm dịch tại nơi kiểm dịch gốc có 150 con lợn thịt, nhưng tại thời điểm kiểm tra chỉ còn 39 con.
Tài xế Phạm Minh Vỹ (36 tuổi, trú xã Bình Trung, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), khai nhận đã chở khoảng 150 con lợn thịt từ xã Nghĩa Đạo (H.Thuận Thành, Bắc Ninh) vào lò mổ của bà Huỳnh Thị Lộc (xã Tịnh Hà, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Tuy nhiên, khi đến TT.Hà Lam (H.Thăng Bình, Quảng Nam) và xã Tam Đàn (H.Phú Ninh), tài xế tự bán một số lợn với số lượng chưa thống kê cụ thể được.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện trên và lấy 3 mẫu/3 con lợn chết để gửi xét nghiệm; kết quả 3 mẫu phẩm đều dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Ông Lê Trí Thanh cho rằng lợn nhiễm bệnh được chở đến bán trong địa bàn tỉnh có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Tỉnh đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan, trong đó xác định có sự chủ quan, thiếu sót trong khâu kiểm tra, giám sát.

Bắc Ninh: Đang điều tra, rà soát thông tin

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với báo chí ngày 28.5, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Bắc Ninh, cho biết cơ quan chức năng phải điều tra, rà soát thật kỹ mới có thể khẳng định số lợn này xuất phát từ hộ ông Nguyễn Văn Đầu (H.Thuận Thành, Bắc Ninh) như ban đầu hay không.
Thời điểm xe chở lợn bị bắt giữ, niêm phong kẹp chì không còn và số lợn trên xe còn lại cũng không khớp với số lượng giấy kiểm dịch Chi cục Chăn nuôi và thú y Bắc Ninh cấp. Sau khi xuất bán 150 con lợn cho lò mổ ở Quảng Ngãi, trang trại của ông Đẩu hiện vẫn còn 3.000 con lợn thịt đang khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh dịch.
Giải thích về thời gian ghi trên giấy xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi do Trung tâm chẩn đoán thú y T.Ư cấp và có hạn cấp giấy kiểm dịch động vật cách xa nhau trên 10 ngày, ông Thọ cho rằng, luật Thú y hiện nay không có quy định về ngày có hiệu lực tối đa của giấy xét nghiệm. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bắc Ninh không thể bắt chủ trang trại phải lấy mẫu xét nghiệm thêm một lần nữa khi không phát hiện sự bất thường nào từ đàn lợn đã được cấp giấy kiểm dịch.

Thêm 2 huyện ở Thừa Thiên - Huế xuất hiện dịch

Đến chiều 28.5, thêm 2 huyện ở Thừa Thiên - Huế xác nhận có dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, gồm H.Phú Lộc và huyện miền núi A Lưới, sau khi các mẫu bệnh phẩm lợn chết xét nghiệm đều dương tính với dịch bệnh này.
Tại 2 huyện trên, điểm xuất hiện dịch tả lợn đều xảy ra tại hộ chăn nuôi gia đình đơn lẻ, cụ thể tại xã Lộc Bổn (H.Phú Lộc) và xã Hồng Hạ (H.A Lưới). Như vậy, hiện Thừa Thiên - Huế chỉ còn địa bàn H.Nam Đông chưa xuất hiện dịch; 8 huyện, thị xã và TP.Huế đã có dịch, xảy ra trên địa bàn 41 xã, phường với 1.300 con lợn đã tiêu hủy.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đại Thành, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết trong ngày 28.5, đơn vị này đã ra quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và thú y H.Sơn Dương Hoàng Mạnh Đạt và viên chức tại trạm này là Nguyễn Hữu Dũng, để tiến hành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm trong vụ chứng nhận kiểm dịch cho xe lợn nhiễm dịch từ Tuyên Quang lên Hà Giang.
Trước đó ngày 25.5, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang đã thông báo kết quả mẫu xét nghiệm đối với xe lợn của ông Đào Văn Nam, thuộc Công ty TNHH DABACO (xã Phúc Ứng, H.Sơn Dương, Tuyên Quang) vận chuyển vào H.Mèo Vạc tiêu thụ dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Qua xác minh của Sở NN-PTNT Tuyên Quang, số lợn được phát hiện nhiễm dịch không phải là lợn của Công ty TNHH DABACO mà bị chủ hàng mượn danh nghĩa của doanh nghiệp này để xin cấp giấy kiểm dịch và vận chuyển hàng cho 40 con lợn thu gom mua trong dân để đưa lên tiêu thụ tại Hà Giang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.