Xe máy sản xuất trong nước ‘đánh bật’ xe máy nước ngoài

17/11/2014 15:42 GMT+7

* 'Dùng miệng kiểm tra chất lượng phân bón'

(TNO) Tại phiên chất vấn tại Quốc hội (QH) chiều 17.11, mặc dù thừa nhận sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ nhưng Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay tỷ lệ nội địa hóa trong các lĩnh vực công nghiệp, đáng chú ý là xe máy sản xuất trong nước đã đánh bật xe máy sản xuất từ các nước lân cận.

 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn - Ảnh: Ngọc Thắng

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi về tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực ô tô, hàng điện máy, điện tử, điện thoại…, và đề nghị Bộ trưởng trả lời. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết ô tô chở khách 80 chỗ, tỷ lệ nội địa hóa 40%, đáng kể nhất là ô tô thương hiệu Trường Hải có tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao, xe tải chuyên dùng tỷ lệ nội địa đạt 70%, ô tô con tỷ lệ nội địa hóa chỉ hơn 10% và được coi chưa thành công, xe máy tỷ lệ nội địa đạt 90%.

“Đáng chú ý Việt Nam đã xuất khẩu 150.000 xe máy với giá trị 280 triệu USD. Giá cả xe máy trong nước sản xuất đã đẩy bật được hàng của các nước lân cận. Đây được coi là thắng lợi của sản xuất xe máy trong nước”, ông Hoàng nói.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết hàng điện tử gia dụng như máy lạnh, máy giạt tỷ lệ nội địa hóa đạt 30%, điện tử, tin học đạt 15%, dệt may đạt 50%, da giày đạt 60%.

Tuy vậy, ông Hoàng cũng thừa nhận là trong thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ có khá nhiều vấn đề. Kỳ họp nào ĐBQH cũng đề xuất cần có chính sách phát triển phù hợp.

Một trong những lý do kém phát triển, theo ông Hoàng, là nhà nước đã quan tâm về chính sách nhưng do cấp độ pháp lý của chính sách này còn thấp nên chưa đạt yêu cầu, chưa tương xứng mà cần có nghị định, thậm chí có bộ luật liên quan đến vấn đề này. Từ đó chưa tạo thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Ngoài ra, một nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển là do nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp.

Trước đó, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu ý kiến phản ánh doanh nghiệp điện nhà nước như thủy điện Hòa Bình công suất rất lớn nhưng hoạt động cầm chừng trong khi trong nước nhập điện giá cao ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân. Xin hỏi Bộ trưởng phản ảnh này có đúng thực thế không? Vì sao lại hoạt động cầm chừng? Có nhóm lợi ích không? Giải pháp?

 
ĐB Đỗ Văn Dương chất vấn - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ trưởng Vụ Huy Hoàng cho biết ý kiến này không có cơ sở. Bởi vì trong những năm qua Việt Nam xây dựng nhiều công trình thủy điện lớn. Mục tiêu xây dựng để tận dụng thủy năng, hạn chế cắt lũ vào mùa mưa, cung cấp nước cho người dân, nông nghiệp.

“Nên không có lý gì chúng ta khai thác triệt để các công trình này. Không có chuyện cầm chừng nhà máy thủy điện này. Hay như thủy điện Sơn La năm nào cũng phát vượt dự kiến. Các nhà máy thủy điện khác cũng vậy. Chúng ta vẫn quan tâm đến các dự án thủy điện nhỏ, mua điện của các dự án này và tạo điều kiện thuận lợi tham gia vào hệ thống phát điện quốc gia”.

Rút giấy phép hoạt động thủy điện không chi trả dịch vụ môi trường rừng

ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về việc rà soát, kiểm định các công trình thủy điện hiện còn một số hạng chế. Đồng thời, theo ĐB Cường, việc trồng bù diện tích rừng bị giải tỏa để làm thủy điện còn rất thấp, nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng của chủ đầu tư còn chưa được thực hiện nghiêm túc. Qua đó, ĐB Cường đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp cụ thể cho tình trạng này.


ĐB Phạm Văn Cường chất vấn về hoạt động thủy điện và trồng rừng - Ảnh: Ngọc Thắng

Liên quan đến vấn đề thủy điện và trồng lại rừng thiệt hại được ĐB Cường quan tâm và một số ĐB khác cũng có ý kiến từ buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết đã có 218 đập thủy điện đến kỳ kiểm định thì hiện nay chỉ còn 8% đập thủy điện chưa kiểm định. Như vậy tỉ lệ các đập thủy điện đã được kiểm định rất cao. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành quy chế vận hành đập thủy điện nhằm đảm bảo an toàn.

Theo người đứng đầu Bộ Công thương, ngành công thương đã kiểm tra tích cực chủ đầu tư trong việc trồng trả lại diện tích rừng bị thiệt hại khi làm thủy điện. Bên cạnh đó, chủ đầu tư nào chây ì trong nộp chi trả dịch vụ môi trường thì sẽ bị rút giấp phép hoạt động thủy điện cho đến khi chi trả xong.

Bộ trưởng Hoàng Vũ Huy cho biết đã có 10 đơn vị bị rút giấy phép tạm thời do chưa chi trả dịch vụ môi trường rừng.

"Dùng miệng kiểm tra chất lượng phân bón"

Về câu hỏi về hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng nhưng không ngăn chặn được hết, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối tồn tại nhiều năm này dù các cơ quan chức năng đã cố gắng hết sức.

“Tôi phải nói thật có tình trạng cán bộ kiểm tra phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng của sản phẩm. Bởi công cụ thiếu, trang thiết bị kiểm tra còn thiếu. Ngoài ra vẫn còn tình trạng người kiểm tra bao che cho sai phạm nên hiệu quả chưa cao”, ông Hoàng nói.

Trước câu trả lời này, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn tiếp: “Trong phần trả lời về phần kiểm tra hàng giả, chất lượng của Bộ trưởng có một ý làm tôi rất buồn: Bộ trưởng từng nói phải kiểm tra chất lượng phân bón bằng miệng. Vậy thuốc trừ sâu thì kiểm tra bằng gì?”.

Đáp lại, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Đây chỉ là một ví dụ thôi để thấy rằng chúng ta còn thiếu công cụ để kiểm tra chất lượng nhiều sản phẩm.

Trung Hiếu - Viên An

>> Truyền hình trực tuyến: Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
>> Chất vấn tại Quốc hội: 'Tại sao dân phải đưa hối lộ?
>> Chất vấn tại QH: 'Có thể bán khách sạn để làm trung tâm nghề cá đủ mạnh hỗ trợ ngư dân
>> Tuần này Quốc hội chất vấn các bộ trưởng và Thủ tướng
>> Chất lượng chất vấn
>> ‘Chất vấn trước lấy phiếu, Bộ trưởng sẽ rất áp lực’
>> Thủ tướng và 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.