Xây nhà hát vũ kịch 1.500 tỉ đồng để 'nâng cao trình độ hưởng thụ'

Trung Hiếu
Trung Hiếu
09/10/2018 07:29 GMT+7

Ngày 8.10, HĐND TP.HCM khóa 9 tổ chức kỳ họp thứ 10 (kỳ họp bất thường) với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.

Thông qua đề án Sữa học đường
Kỳ họp thảo luận nhiều nội dung và tờ trình, trong đó đáng chú ý là việc thông qua tờ trình về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch (HBSO) ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) và đề án Sữa học đường cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh giai đoạn 2018 - 2020 ở TP.
Liên quan dự án xây dựng nhà hát, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đọc tờ trình cho biết nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ, tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng từ ngân sách TP.
Kinh phí xây dựng nhà hát lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất số 23 Lê Duẩn (Q.1). Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT). Việc xây dựng nhà hát để đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm.
Ngoài ra, dự án còn góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân TP trong bối cảnh hội nhập với quốc tế.
Còn theo Giám đốc Sở VH-TT Huỳnh Thanh Nhân, sau khi dự án được thông qua, Sở VH-TT sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế, mời những chuyên gia giỏi về kiến trúc lẫn nghệ thuật vào hội đồng thi tuyển thiết kế nhà hát.
Liên quan đề án Sữa học đường, từ học kỳ 2 năm học 2018 - 2019, trẻ học mẫu giáo và học sinh tiểu học cấp 1 tại các trường công lập, ngoài công lập, mẫu giáo tư thục… tại 5 huyện ngoại thành và các quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân sẽ được uống hộp sữa 180 ml/ngày, 5 lần/tuần, 9 tháng/năm, trừ 3 tháng hè.
Dự kiến kinh phí thực hiện trong năm 2018 - 2020 là 1.134 tỉ đồng; trong đó ngân sách TP chi hơn 348 tỉ đồng (30%), cha mẹ học sinh đóng trên 547 tỉ đồng (50%) và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ trên 239 tỉ đồng (20%). Đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì ngân sách TP hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%. Kinh phí dự kiến thực hiện năm 2019 - 2020 sẽ là 645 tỉ đồng.
Theo nhiều đại biểu, việc đấu thầu dự án cần công khai, minh bạch, có sự giám sát của cơ quan chức năng và báo chí, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp “móc nối” để có hợp đồng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.