Xây 'đường nông thôn mới' xuyên rừng đặc dụng đến... khu khai thác vàng Thần Sa

Thái Sơn
Thái Sơn
27/08/2018 18:09 GMT+7

Giữa rừng đặc dụng Thần Sa thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (tỉnh Thái Nguyên) bỗng "mọc" lên một con đường bê tông đâm thẳng vào khu vực khai thác vàng của một doanh nghiệp lớn tại Thái Nguyên.

Nằm trên địa bàn huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng sở hữu khoảng 20.000 ha rừng đặc dụng với hình thái rừng núi đá vôi độc đáo, có tính đa dạng sinh học phong phú với nhiều nguồn gen, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm và nhiều hệ sinh thái chuẩn của vùng núi đá.
Tuy nhiên, hệ sinh thái rừng này đã và đang có dấu hiệu bị xâm hại khi bỗng nhiên xuất hiện một con đường bằng bê tông rộng 6 m, dài 1,3 km từ cửa rừng đâm thẳng vào nơi khai thác vàng của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long (có địa chỉ tại tỉnh Thái Nguyên).
Rừng đặc dụng Thần Sa Ảnh Thái Sơn
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2008, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác vàng sa khoáng trên diện tích 37,25 ha, có chỉ giới nằm trong khu vực Bản Ná thuộc xã Thần Sa, cũng nằm trong khu vực rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng.
Để khai thác vàng, công ty đã đưa máy xúc ủi, xe tải có tải trọng lớn hoạt động rầm rập suốt ngày đêm.
Khai trường quy mô công nghiệp của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long Ảnh Thái Sơn
Mặc dù là khai thác lộ thiên nhưng thực hiện với quy mô công nghiệp nên đất đá của bãi khai thác vốn là đồi núi đã bị bạt xuống thành những hồ lớn rộng tới vài héc ta. Sát với khu vực khai thác, công ty này đã xây dựng một khu văn phòng 3 tầng và phía sau là một quần thể kiến trúc tâm linh, gồm: đình thờ tướng Dương Tự Minh, chùa thờ Phật và đền thờ Mẫu sát nhau.
Cùng việc khai thác vàng quy mô lớn, doanh nghiệp đã xây dựng một quần thể kiến trúc trong phạm vi mỏ Ảnh Thái Sơn
Cũng theo tìm hiểu, trong quá trình hoạt động, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long đã xây dựng con đường nêu trên thay thế cho đường đi cũ vốn là lối mòn trong rừng đặc dụng của người dân một số bản nằm sâu trong vùng lõi rừng đặc dụng. Chưa kể, một số đoạn đường vào khu dân cư đã và đang bị doanh nghiệp cho máy móc đào bới để... tìm vàng. Dẫn đến người dân một số bản phải đi đường vòng với nhiều khó khăn.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 27.8, ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết con đường nêu trên là "đường nông thôn mới", được thực hiện với sự hỗ trợ của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long và thực hiện theo đúng quy định.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cho biết ai là người cho phép chuyển đổi rừng đặc dụng để làm đường thì ông Tiến cho biết "Hồ sơ đã được trình lên các các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên", song không nói rõ cơ quan nào ra quyết định.
Ông Tiến cũng thừa nhận, vụ việc đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tinh Thái Nguyên phối hợp với một số cơ quan chức năng kiểm tra và sớm có kết luận công bố trước dư luận về việc con đường này phục vụ cho doanh nghiệp hay cho người dân, cũng như có tác động như thế nào tới rừng đặc dụng.
Dưới đây là những hình ảnh do phóng viên Thanh Niên ghi lại:
Đường người dân đang đi bỗng nhiên bị doanh nghiệp chặn lại và cho máy móc đào bới Ảnh Thái Sơn
Người dân phải đi đường khác trong khi con đường cũ đã bị đào bay cả nền đường Ảnh Thái Sơn
Đường đi của dân bị đào bới để lấy đất đá đãi vàng Ảnh Thái Sơn
Một con đường mới bằng bê tông rộng 6 m xuyên giữa rừng đặc dụng đến tận khai trường khai thác vàng Ảnh Thái Sơn
Cùng những ngọn núi bị bạt thì một khối lượng đất đá thải từ khai thác vàng được doanh nghiệp tận dụng đổ làm nền đường Ảnh Thái Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.