Xây dựng mô hình phát triển thịnh vượng toàn diện

11/11/2020 08:14 GMT+7

Ngày 10.11, vào cuối phiên chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu và trả lời chất vấn của đại biểu.

Theo Thủ tướng, không chỉ riêng trong năm 2020 mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy, như hạn hán kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở miền Trung... Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỉ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động

Thủ tướng thông tin tạp chí The Economist tháng 8.2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Năm 2020, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá nhờ sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”.

Phấn đấu đến 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó
đến 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tuy vậy, Thủ tướng nhận định đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại. Đồng thời, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tập trung phục hồi, phát triển các hoạt động KT-XH.
Trả lời băn khoăn của nhiều đại biểu về mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021 mà Chính phủ đặt ra là 6%, Thủ tướng khẳng định Chính phủ nhận thấy mức tăng trưởng này còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, cùng với những căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường trong khu vực và trên thế giới, có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tới triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
“Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau, để bất luận trong trường hợp nào, chúng ta vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu KT-XH tốt nhất”, Thủ tướng khẳng định và nhấn mạnh: “Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất của chúng ta không phải là tụt hậu về kinh tế. Thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động”.
Giải đáp băn khoăn của nhiều đại biểu về biện pháp giữ các cân đối lớn của nền kinh tế khi với kịch bản tăng trưởng 6% thì năm 2021 sẽ hụt thu tới 170.000 tỉ đồng, Thủ tướng cho biết trước hết cần tăng cường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để vượt mục tiêu tăng trưởng 6%; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA, phát huy hiệu quả đầu tư để giải quyết việc làm; tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; đồng thời phải thực sự tiết kiệm chi ngân sách.
“Cha ông chúng ta thường hay nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, nhiệm kỳ này phải làm được việc này để giữ nền tảng cho thời gian tới, nhất là sau Đại hội Đảng”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, với tinh thần, trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một mô hình phát triển thịnh vượng toàn diện, bao trùm của chính chúng ta. Đó là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nơi mà mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng khẳng định.

Những năm qua, nền kinh tế VN đã có nhiều chuyển biến tích cực

Ảnh: Ngọc Thắng

Phải nỗ lực rất nhiều bằng cả trái tim và khối óc

Dành khá nhiều thời gian nói về tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung thời gian qua, Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng và hồ đập thủy điện để có các biện pháp chấn chỉnh. Theo Thủ tướng, nguyên nhân của mưa lũ, sạt lở đã gây ra tranh luận. Song, bất luận nguyên nhân trực tiếp là gì thì vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, một cách nghiêm ngặt. Thủ tướng đề nghị tiếp tục nhất quán với quan điểm đóng cửa rừng tự nhiên và tiếp tục trồng cây gây rừng.

Sẽ sửa đổi các chỉ tiêu gói 62.000 tỉ đồng

Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) về gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 còn chậm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã có gói giảm, giãn, hoãn, miễn thuế hỗ trợ rất tốt cho hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người lao động thì chúng ta làm chưa kịp thời và chưa tốt.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ thấy rõ vấn đề này nên đã có nghị quyết và sẽ thay đổi Quyết định 15 về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trên tinh thần là thuận lợi hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh; thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp gặp khó khăn. “Nhất là những chỉ tiêu cụ thể như chính quyền địa phương xác nhận doanh thu, tình trạng kinh doanh... sẽ bỏ đi. Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ giao việc này phải chấp nhận một rủi ro nhất định để hỗ trợ gói 62.000 tỉ đồng cho người lao động và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh là một nước đang phát triển với kết cấu cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, Chính phủ đang tập trung vào hạ tầng trọng yếu của quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành, các cao tốc liên kết vùng, các tuyến đường sắt đô thị…
“Phấn đấu đến 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông”, Thủ tướng nói và cũng cho biết Chính phủ đã có kế hoạch tăng cường hệ thống hạ tầng thủy lợi, bảo đảm an toàn các hồ chứa, ứng phó với biến đổi khí hậu ở các vùng, nhất là đồng bằng sông Cửu Long và chống ngập, chống ùn tắc giao thông ở TP.HCM, Hà Nội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển, kết nối đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương, dữ liệu doanh nghiệp và dân cư.
“Đây cũng là tiền đề thực hiện phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, chúng ta hãy cùng nhau hướng đến xây dựng một nền kinh tế đa dạng, phát triển bền vững, hài hòa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường. Ở đó mọi người dân đều có cơ hội chung tay đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước. Tất cả trẻ em Việt Nam đều được giáo dục tốt và đạt được giấc mơ Việt Nam. Người già ai ai cũng được chăm sóc sức khỏe, sống trường thọ hơn và hạnh phúc bên con cháu. Thanh niên ai cũng có việc làm, thu nhập cao và luôn thăng tiến trong sự nghiệp. “Để đạt được điều này, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều bằng cả trái tim và khối óc”, Thủ tướng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.