Xâm nhập mặn kéo dài, rơm rạ... lên cơn sốt

15/03/2016 10:19 GMT+7

Nếu như trước đây sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ thường bị bỏ lại trên đồng hoặc đốt thì nay rơm được nông dân ĐBSCL thu gom bán cho thương lái.

Nếu như trước đây sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ thường bị bỏ lại trên đồng hoặc đốt thì nay rơm được nông dân ĐBSCL thu gom bán cho thương lái.

Thương lái ở ĐBSCL đang tích cực thu mua rơm - Ảnh: Ngọc TrinhThương lái ở ĐBSCL đang tích cực thu mua rơm - Ảnh: Ngọc Trinh
Tận dụng nguồn phụ phẩm
Năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài đã làm 160.000 ha lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại, do đó nguồn rơm dùng cho chăn nuôi và ủ gốc cây trồng cũng bị thiếu hụt trầm trọng. Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, cho biết tổng đàn bò trong tỉnh hiện khoảng 150.000 con. Thời gian gần đây, do nguồn rơm rạ tại chỗ không đủ cung ứng nên nông dân phải sang Đồng Tháp mua rơm với giá cao. Thậm chí nhiều người chấp nhận bán bò thấp hơn 10 triệu đồng/con so với mọi năm do thiếu nguồn rơm và nước uống.
Theo một số nông dân tại 2 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ, cứ sau mỗi vụ thu hoạch, thương lái tranh nhau đến tận ruộng đặt vấn đề mua rơm. Ông Nguyễn Văn Hải (ngụ xã Đại An, H.Trà Cú, Trà Vinh) cho biết: “Vụ này 2 công lúa nhà tôi bị thiệt hại nên chỉ còn lại 3 công vừa mới thu hoạch. Vừa rồi, thương lái đến hỏi mua hết rơm của ruộng tôi với giá 2.500 đồng/kg”. Còn theo anh Võ Thanh Nhanh, một thương lái thu mua rơm ở Bến Tre, nông dân miền Trung đang rất cần rơm vì nơi đây nắng nóng, thiếu nguồn rơm cho bò ăn và đậy gốc cây ăn trái. “Có chủ vườn ở Bình Thuận đặt tôi hàng chục tấn rơm để đậy gốc thanh long. Tôi đang tìm mua rơm khắp ĐBSCL để bán lại”, anh Nhanh nói.
Do nhu cầu thu mua rơm ngày càng cao nên vùng ĐBSCL hiện có khoảng 10 cơ sở chế tạo, kinh doanh máy cuộn rơm. Việc ứng dụng máy móc, thiết bị trong thu gom rơm giúp giảm chi phí, thời gian và tăng số lượng rơm để phục vụ kịp thời nhu cầu thị trường. Máy cuộn rơm có giá khoảng 300 triệu đồng/máy, thu hoạch được hơn 800 cuộn rơm/ngày (mỗi cuộn từ 15 - 18 kg).
Rơm rạ... lên cơn sốt
Trẻ em mót rơm ở H.Tịnh Biên (An Giang) - Ảnh: Ngọc Trinh
Giàu tiềm năng
Vừa qua, Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-BIX) vừa ký bản ghi nhớ hợp tác nhập khẩu rơm rạ từ Nông trường Sông Hậu (H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ). Theo lãnh đạo của J-BIX, hằng năm Nhật Bản cần khoảng 220.000 tấn rơm dùng làm thức ăn cho bò và làm chiếu tatami. J-BIX chọn Nông trường Sông Hậu vì nơi đây có nguồn rơm dồi dào và khả năng đáp ứng số lượng mà phía J-BIX cần.
TS Phan Hiếu Hiền, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: “Nếu lấy 3 tấn rơm đem nuôi bò sẽ cho ra 200 kg thịt bò, với giá bán 220.000 đồng/kg thì thu về khoảng 44 triệu đồng. Dùng 3 tấn rơm để trồng nấm rơm thì đem lại lợi nhuận từ 4,5 - 5,5 triệu đồng. Ngoài ra, rơm còn được sử dụng để sản xuất điện, 3 tấn rơm có thể cho ra 1.000 kWh, bán với giá 1.800 đồng/kWh, tổng doanh thu đạt 1,8 triệu đồng”.
Ước tính lượng rơm ở ĐBSCL hiện nay vào khoảng 23 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL, đa phần nông dân thường đốt hoặc phun rơm ngay cạnh bờ kênh, rạch, gây tắc nghẽn giao thông thủy và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, tận dụng được nguồn rơm rạ nói trên không những giúp nông dân tăng thu nhập mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo TS Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, do việc ứng dụng thiết bị hiện đại trong thu hoạch, sản xuất và chế biến rơm còn hạn chế nên nguồn thu từ rơm chưa cao. Vì vậy, các viện, trường và ngành nông nghiệp cần nghiên cứu những công nghệ mới; đồng thời hỗ trợ người nông dân vay vốn để đưa máy móc vào tái chế loại phụ phẩm giàu tiềm năng này.
Tại Thái Lan và Indonesia, rơm rạ sau thu hoạch được tận dụng triệt để trong sản xuất điện. Tro rơm sau khi đốt được bán cho các nhà máy làm chất trộn với xi măng không gây hại cho môi trường. Tại Indonesia, doanh thu bán điện từ rơm rạ đạt 9,3 triệu USD/năm, còn rơm rạ bán cho các công ty xi măng khoảng 0,5 triệu USD/năm. Ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, rơm còn được dùng để chế biến Ethanol hay nhiên liệu sinh học (Bio diesel), plastic sinh học sản xuất các loại bao bì, cốc thân thiện với môi trường, làm chất đốt, xà phòng, dầu ăn, mỹ phẩm...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.