Xã ngang nhiên 'cắt' sông, chia lô cho dân thuê trái phép

20/08/2018 07:48 GMT+7

Nhiều năm nay, UBND xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) tự ý chia từng đoạn sông Yên thành từng lô, cho người dân thuê làm bến trông coi tàu thuyền, gây cản trở dòng chảy thoát lũ.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Niên, dọc tuyến đê sông Yên qua thôn Thuận, thôn Tiến, thôn Đức của xã Quảng Nham, hàng loạt công trình bê tông cốt thép mọc lên, lấn ra lòng sông, gây cản trở dòng chảy thoát lũ, vi phạm nghiêm trọng luật Đê điều.
[VIDEO] Xã cắt sông cho dân thầu trái phép
Cứ khoảng 50 m lại có 1 khu nhà được xây nổi ngay trên lòng sông. Các ngôi nhà thường rộng từ 10-30 m2, người dân dựng cột bê tông dưới lòng sông làm trụ, sau đó dựng thành nhà. Nghiêm trọng hơn, cắt ngang dòng sông là hàng chục cầu bằng bê tông nối từ chân đê ra lòng sông. Các cây cầu này thường rộng từ 1-1,5 m, dài từ 30-60 m.
Một số hộ dân cho biết, họ được UBND xã cho thuê từng đoạn sông, sau đó tự bỏ tiền ra xây dựng cầu để làm dịch vụ trông coi tàu thuyền. Mỗi gia đình thường nhận trông coi từ 5-8 tàu và các tàu trả tiền công cho người trông coi hàng năm.
Theo ông T.V.T, sau khi gia đình ông làm hợp đồng thuê mặt bằng với UBND xã Quảng Nham, ông đã đầu tư khoảng 150 triệu đồng để xây dựng cầu nối từ chân đê ra lòng sông để trông coi 5 tàu thuyền cho người dân trong xã, khi họ đi đánh bắt vào bờ.
“Do khu vực sát chân đê, kè đê bị bồi lắng, không được nạo vét nên tàu thuyền không thể tiếp cận vào bờ, chúng tôi đã thuê mặt bằng của xã để xây cầu kéo dài ra lòng sông. Cầu vừa để vận chuyển hải sản từ tàu thuyền đánh bắt được lên bờ, vận chuyển ngư lưới cụ,… vừa để neo đậu tàu thuyền. Mỗi năm, gia đình tôi phải nộp 2,4 triệu đồng cho xã để thuê 30 m theo chiều dài mặt đê”, ông T. nói.
Gia đình ông T. được UBND xã Quảng Nham cho thuê mặt bằng trông coi tàu thuyền trong thời hạn 5 năm (2015-2020). Vị trí được xác định: chiều rộng tính theo chiều mặt đê là 30 m; cách chân đê 3 m kéo dài ra lòng sông là 20 m.
Đặc biệt, trong hợp đồng với các hộ dân, UBND xã Quảng Nham chia rõ mỗi hộ được thuê từng lô khác nhau. Như vậy, UBND xã Quảng Nham đã chia lòng sông thành từng lô cho người dân thuê. Đơn giá được tính cho thuê là 1 m chiều rộng theo mặt đê bằng 80.000 đồng/năm.
Chúng tôi đã đem vấn đề người dân xây dựng nhiều công trình xâm phạm nghiêm trọng đê điều, lòng sông đến trao đổi với ông Trần Xuân Lờ, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Nham, cũng là người trực tiếp ký hợp đồng với các hộ dân. Ông Lờ đổ hết lỗi cho người dân và khẳng định, tất cả các công trình đều do người dân tự phát xây dựng, và xây dựng vi phạm pháp luật.
Khi chúng tôi đưa ra các hợp đồng do ông Lờ đại diện UBND xã ký cho các hộ dân thuê mặt bằng, thì vị Phó chủ tịch UBND xã Quảng Nham lại quay ra giải thích: “Đúng là việc UBND xã ký hợp đồng cho các hộ dân thuê như thế là sai quy định. Nhưng do Nghị quyết Hội đồng nhân xã đã có và thống nhất tổ chức cho dân thuê mặt bằng, nên chúng tôi mới thực hiện. Tiền thu về thì nộp vào ngân sách xã chứ không tiêu đi đâu cả”, ông Lờ nói.
Cũng theo ông Lờ, đến nay UBND xã Quảng Nham đã cho thuê và ký hợp đồng với 49 hộ dân.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Đại Hiệp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Xương, cho biết đã nắm được sự việc và đang tham mưu cho lãnh đạo huyện để chỉ đạo, xử lý vụ việc.
Ông Nguyễn Đình Dự, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, thì khẳng định tất cả các công trình xây dựng trên mái đê, bờ sông Yên qua xã Quảng Nham đều vi phạm luật Đê điều, sai quy định.
“Chúng tôi đã chỉ đạo, đồng thời giao UBND xã Quảng Nham phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ các công trình vi phạm. Về việc UBND xã Quảng Nham ký hợp đồng cho người dân thuê mặt bằng trong phạm vi sông, sẽ chỉ đạo xã phải hủy bỏ các hợp đồng, đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có sai phạm”, ông Dự nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.