WHO sẽ cung cấp thuốc đặc trị cho người ngộ độc sau khi ăn Pate Minh Chay

Duy Tính
Duy Tính
07/09/2020 18:04 GMT+7

Nếu thuốc giải độc về sớm thì các bệnh nhân bị ngộ độc nặng sau ăn Pate Minh Chay sẽ được xem xét sử dụng, nhằm rút ngắn thời gian thở máy.

Ngày 7.9, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết N.N.D. (54 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu), bệnh nhân (BN) thứ 6 nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi ăn Pate Minh Chay , hiện trong tình trạng tỉnh, sinh hiệu tạm ổn, không sốt, thực hiện được y lệnh tốt.

Người ngộ độc pate Minh Chay vẫn bị liệt, phải thở máy lâu dài

Tiên lượng bệnh nhân phải thở máy tính nhiều tháng

Tuy nhiên, BN D. vẫn liệt, sức cơ 2/5, có thể động đậy ngón tay, chân nhưng không nhấc lên được khỏi giường. Mặc dù BN được tập vật lý trị liệu, kích thích điện cơ nhưng không cải thiện.
BN D. suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, không tự thở nên phải thở máy. BN được lọc máu, thay huyết tương như 5 ca bệnh trước đây nhưng mức độ hồi phục của BN chưa cải thiện đáng kể do ăn lượng Pate Minh Chay nhiều. “Tiên lượng sắp tới BN phải thở máy mà thời gian tính bằng tháng chứ không còn tính bằng tuần nữa”, TS.BS Quốc Hùng nhận định.
Sau 1 thời gian điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 5 BN khác có cải thiện khá tốt, đang trong giai đoạn tập cai máy thở và chuyển về tuyến tỉnh. Trong đó, 2 BN được chuyển viện về Khánh Hòa hiện sức khỏe ổn định, tập cai máy thở và 1 BN chuyển về Bà Rịa - Vũng Tàu trong tình trạng tạm ổn định.
Trong 2 BN được chuyển về Đồng Nai thì 1 ca đã ổn định, cải thiện khá, tập cai máy thở. Ca còn lại là nữ bệnh nhân 20 tuổi diễn tiến nặng, tri giác lơ mơ, không tỉnh táo, có thể là do các biến chứng sau một thời gian thở máy kéo dài. “Chiều nay, Bệnh viện Chợ Rẫy xuống Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để xem tình trạng BN nặng và sẽ hỗ trợ chuyên môn điều trị cho ca này”, TS.BS Quốc Hùng nói.

Khẩn cấp cảnh báo pate Minh Chay chứa vi khuẩn có độc lực mạnh

WHO cung cấp thuốc giải độc cho Việt Nam

Cũng theo TS.BS Quốc Hùng, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp Tổ chức y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế và các tổ chức phi chính phủ để đi tìm nguồn thuốc giải độc antitoxin botulinum kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum. Thuốc giải độc này theo lý thuyết là dùng trong tuần đầu sau khi ngộ độc là tốt, nhưng theo một số ghi nhận trên thế giới thì có thể sử dụng bất cứ thời điểm nào để có thể rút ngắn thời gian thở máy của bệnh nhân.
“Những nguồn nào bệnh viện biết có lưu trữ thuốc này thì bệnh viện liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp qua Bộ Y tế. Thông tin đáng mừng là WHO đã chấp nhận cung cấp thuốc cho Việt Nam. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất sẽ có thuốc để cân nhắc sử dụng thuốc cho các bệnh nhân nặng đang điều trị”, TS.BS Quốc Hùng thông tin.

WHO sẽ cấp thuốc giải độc cho bệnh nhân ăn pate Minh Chay mức độ nặng

2 bệnh nhân đã thở máy 50 ngày

Bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết nữ bệnh nhân T.T.T.H (41 tuổi, ngụ Bình Dương) đã tỉnh nhưng sức cơ yếu, vẫn chưa hồi phục. Bệnh nhân còn phải thở máy kéo dài.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cũng cho biết 2 bệnh nhân là 2 chị em H.L.A và H.L.T (cùng ngụ Long An) sau ăn Pate Minh Chay nhập vào BV, đến nay đã trải qua 50 ngày thở máy. Người chị bắt đầu thỉnh thoảng có vài nhịp tự thở. Người em đang tập cai máy thở, khi thở máy, khi để tự thở; tay chân đã cử động khá hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.