Vượt sóng Trường Sa ở tuổi 74

08/05/2016 09:05 GMT+7

Tại buổi sinh hoạt tổng kết hành trình ngay trên bong tàu 571, ban tổ chức đã có cuộc thi vui là tìm kỷ lục 'Người cao tuổi nhất tham gia hành trình'. Tất nhiên, ông Khê đã không có... đối thủ

Gặp ông Bùi Công Khê (Giám đốc trung tâm Vật liệu mới thuộc Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội) trong đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2016” càng có thêm lý do để cảm phục ý chí và sức khỏe của ông
Bởi ông vừa hoàn thành hành trình hơn 10 ngày trên biển, qua 9 đảo, 1 nhà giàn khi đã ở tuối...74!
“Kỷ lục gia” của tàu!
Tại buổi sinh hoạt tổng kết hành trình ngay trên bong tàu 571, ban tổ chức đã có cuộc thi “vui” là tìm kỷ lục “Người cao tuổi nhất tham gia hành trình”. Tất nhiên, ông Khê đã không có...đối thủ. Khi ông bước lên nhận giải, hơn 250 thành viên còn lại ngồi phía dưới vỗ tay bày tỏ sự ngưỡng mộ. Còn theo nhiều sĩ quan hải quân, với độ tuổi nêu trên ông Khê không những “vô địch” trên hành trình mà còn lọt top những người lớn tuổi nhất ra thăm Trường Sa trong những năm gần đây.
Ra Trường Sa ở tuổi...74! 2
Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân tặng hoa động viên “kỷ lục gia” lớn tuổi nhất hành trình ngay trên boong tàu 571 Ảnh: Nguyễn Phúc
Riêng vị kỹ sư này thì nói vui rằng: “Đến tuổi 74 rồi mới được lần đầu ra thăm đảo Trường Sa thì quả là...hơi muộn. Đáng lẽ tôi nên đi sớm hơn”. Ông chia sẻ, thực ra ông đã rất khát khao được một lần đặt chân đến “mảnh đất thiêng” của tổ tiên giữa biển Đông nhưng thực tế ông chưa có cơ hội. Chính vì thế, khi biết mình là ứng viên của hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2016” ông đã rất sung sướng, nhảy cẫng lên như... một đứa trẻ.
“Lúc tôi đến...trình diện, có anh sĩ quan hải quân vì lo lắng cho tôi nên nói rằng 'Tuổi bác lớn thế này, chưa chắc đã được đi đâu?' làm tôi thấp thỏm cả tuần liền, không biết mình có hoàn thành tâm nguyện. May mắn là cuối cùng tôi cùng được lên tàu. Lại là tàu chở toàn người trẻ, tuổi bậc con, bậc cháu tôi nữa mới vui chứ”, ông Khê kể.

Dường như ông Khê thường xuyên quên béng mất mình đã ở tuổi... 74. Ông tham gia rất sôi nổi vào tất cả các hoạt động ở trên tàu: từ họp trung đội, chụp ảnh kỷ yếu, tham gia cổ vũ văn nghệ... Ông cũng không bỏ qua một cơ hội nào để được lên đảo. Dù có thể chậm hơn nhưng ông luôn tuân thủ đúng thời gian biểu thăm đảo, lên xuống tàu, không ảnh hưởng đến công việc chung.
Không lạ khi vị kỹ sư 53 năm tuổi Đảng này còn phát biểu rằng, việc được ra Trường Sa, nhà dàn DK1 thăm động viên các chiến sĩ, nhân dân nơi đây là một trong những điều may mắn, có ý nghĩa lớn nhất suốt 74 năm ông sống trên cõi đời này.
Ra Trường Sa ở tuổi...74! 3
Kỹ sư Bùi Công Khê (áo đỏ, bìa phải) sôi nổi tham gia văn nghệ cùng cán bộ chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây Ảnh: Nguyễn Phúc
Ra đảo không chỉ để... tham quan!
Đó là khẳng định chắc nịch của "ông già gân" sinh năm 1942 này. Thực tế, những điều ông làm trong suốt hành trình trên biển cho thấy ông không hề nói suông. Với chuyên môn nghiên cứu vật liệu mới, ông đã sử dụng nó để “hiến kế cho Trường Sa”.
Cụ thể, thông qua một đồng nghiệp trẻ cũng đang sinh hoạt trong Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, ông Khê biết ở trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa việc đảm bảo vệ sinh môi trường đang gặp nhiều khó khăn. “Tôi đã nhờ anh ấy giới thiệu sang Bộ tư lệnh Hải quân, gặp trực tiếp chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân để trình bày về sản phẩm của chúng tôi đã từng nghiên cứu và ứng dụng thành công từ năm 2012. Đó là chế phẩm vi sinh khử mùi, diệt khuẩn. Sau khi nghe và thẩm định bằng nhiều kênh, các anh ấy đã rất đồng tình với các phương án của tôi”, ông Khê kể.
Với chế phẩm vi sinh này, ông Khê đã cho thử nghiệm tại các đảo suốt hành trình. “Đối với các đảo chìm thì hơi bé, khó ứng dụng nhưng đối với các đảo lớn chút thì hiệu quả rất rõ rệt. Ví dụ như tại đảo Sinh Tồn, tôi đã sử dụng chế phẩm này để xử lý mùi tại các khu chăn nuôi, các khu vệ sinh. Kết quả rất tốt, mùi xú uế tan đi, môi trường trong sạch dần”, ông Khê “khoe”.
Cũng theo ông Khê, chế phẩm của ông đã ứng dụng nhiều năm trong đất liền nhưng mang ra đảo để ứng dụng thì có ý nghĩa khác. Đó là việc, chế phẩm đã góp phần cho biển đảo xanh, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo.
Tạm dừng những kiến giải về mặt chuyên môn, kỹ sư Khê đúc kết về hành trình để đời của mình: “Lâu lắm rồi, ít ra cũng phải 30 năm rồi tôi mới có kiểu sinh hoạt tập thể như thế này. Tôi đi mà tôi nhớ thời sinh hoạt “Thanh niên 3 sẵn sàng” như ngày xưa, rất cởi mở. Chỉ qua mấy ngày mà tình cảm quấn quýt từ trung đội, phòng ở. Các thành viên đến đây là tứ xứ nhưng giờ lại thân quen... Nói chung sau hành trình này, trái tim ai cũng đầy ắp những cảm xúc tốt đẹp. Tôi có tuổi rồi nhưng tôi cũng vậy!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.