Vượt qua Covid-19: Thầy cô ‘vùng lõm’ dấn thân những việc ‘chưa từng làm’

16/03/2021 10:13 GMT+7

Không đối mặt hiểm nguy như công an, bộ đội biên phòng, y bác sĩ... ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 , những giáo viên vùng sâu ở lại tuyến sau thầm lặng cống hiến, thầm lặng gieo con chữ lên những vùng rẻo cao xa ngái.

Và trong công cuộc chống lại đại dịch ấy, luôn có giọt mồ hôi của những người thầy cô với những công việc “xưa nay chưa từng làm” để vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Khi giáo viên cầm kéo

Những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, khẩu trang y tế luôn trong tình trạng cháy hàng. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện mua khẩu trang để bảo vệ sức khỏe cho con em. Thương các em đồng bào dân tộc thiểu số, thầy cô giáo tại Kon Tum đã chủ động mua vải về may khẩu trang phát miễn phí cho các em học sinh.
Để giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn chống dịch Covid-19, thầy cô Trường tiểu học Kim Đồng (H.Đăk Hà, Kon Tum) phối hợp cùng một số phụ huynh cắt, may khẩu trang phát cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng của trường, cho hay với mục đích tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch Covid-19; đồng thời không để các học sinh, đặc biệt các em có hoàn cảnh khó khăn, không có khẩu trang để đeo; các thầy cô cùng 6 phụ huynh học sinh đã mang máy may đến trường may khẩu trang.
“Giáo viên và phụ huynh mỗi người một việc, người đo vải, người cắt, số còn lại thì may khẩu trang. Nhà trường đã may được 1.800 cái khẩu trang, trong đó 1.000 cái đã được phát đến các em học sinh trong trường và các em có hoàn cảnh khó khăn”, cô Hằng cho biết.

Ở vùng lõm, ứng phó chuyện "mù" công nghệ

Tuy nhiên, tại các huyện vùng sâu của Kon Tum, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn về phương tiện thu, phát sóng nên không thể dạy học trực tuyến. Nhiều phụ huynh cũng gặp khó khăn khi tiếp cận với website, email, Zalo, Facebook… để tìm tài liệu dạy học cho con.
Để các em không quên con chữ và lấp lỗ hổng kiến thức cho học trò, thầy cô miền núi ở Kon Tum phải đi hàng chục km, đến tận nhà để gửi đề cương, hướng dẫn, giúp học sinh ôn bài. Thậm chí có những nơi không thể đi xe máy, thầy cô giáo phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ.
Vì là vùng lõm sóng, mạng internet, sóng viễn thông, sóng truyền hình không thể với tới nên xã Ngọc Yêu (H.Tu Mơ Rông) được xem như xã "mù công nghệ”. Những khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nỗi cực nhọc của 30 thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Ngọc Yêu cũng bắt đầu. Mỗi ngày cả 30 thầy cô giáo phải chạy đi chạy lại giữa các thôn như con thoi.

Do dịch Covid-19 nên thầy, cô đến tận nhà ôn bài cho học sinh

THIÊN ÂN

Nhiệm vụ của họ là giao bài tập cho gần 300 em học sinh ở các thôn làng. Nghe thì nhẹ nhàng nhưng công việc không phải chỉ mang bài tập đến cho các em rồi về. Các thầy cô phải nán lại hướng dẫn cho đến khi học sinh hiểu bài mới chuyển sang nhà em khác. Có những thầy cô dạy đến tận tối mịt mới rời khỏi làng về trường. Với đồng lương ít ỏi, không ít thầy cô đã không bù nổi tiền xăng cho những chuyến công tác bất đắc dĩ như thế. Nhưng với họ, nhiệm vụ gieo chữ cho các em là trên hết.
Thầy Hoàng Văn Hải, hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Ngọc Yêu, cho biết, trong các đợt dịch Covid-19, giáo viên của trường phải đến từng thôn, phát bài tập về nhà, hướng dẫn học sinh ôn tập. Có những lần, học trò lên rẫy phụ bố mẹ, thầy cô cũng phải xắn quần lội nương giao bài tập cho học trò.
“Thời gian qua các thầy cô trong trường đã luôn cố gắng vượt qua khó khăn để gửi đề cương, giúp tất cả các em ôn tập bổ sung kiến thức trước khi đi học lại. Dù có những lúc được nghỉ dạy vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng thực tế các thầy cô giáo vẫn luôn tất bật với hàng tá công việc. Họ lặng thầm đóng góp công sức của mình, cùng với các cấp, các ngành chung tay phòng chống đại dịch Covid-19”, thầy Hải chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.