Vượt qua Covid-19: Những cuốn sách mang hy vọng

02/04/2021 07:08 GMT+7

Các đợt bùng phát dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến mọi ngành kinh tế của chúng ta, nhất là hàng không và du lịch. Thật khó để trụ vững nếu những mảng dịch vụ này không có khách hàng và tạo ra thu nhập.

Vậy mà gần một năm kể từ ngày gặp lại Mai Thị Thư tại văn phòng Công ty TNHH du lịch dân tộc thiểu số Ethnic Travel, tôi vẫn thấy toát lên ở cô gái bé nhỏ sinh năm 1987 sự lạc quan và hy vọng vào khả năng phục hồi của thị trường du lịch. Điều đáng nói là nếu không có những cuốn sách ngoại văn của Thư, tôi đã không biết họ vật lộn như thế nào trong giai đoạn qua.

Chờ đợi và chờ đợi

Ethnic Travel là công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, lữ hành nổi tiếng ở Hà Nội từ năm 2000. Đó là thời điểm anh Trịnh Văn Khánh, sinh năm 1975, và bạn thành lập công ty. Năm 2008, Khánh gặp Thư, rồi hai người nên duyên vợ chồng sau đó hai năm. Những điều này tôi đã được biết thêm khi trở lại văn phòng của Ethnic Travel vào một ngày đầu tháng 3.2021 để tìm mua vài cuốn sách ngoại văn đang cần, sau khi đợt lây nhiễm dịch Covid-19 mới nhất ở nước ta có dấu hiệu lắng xuống.
Thật bất ngờ khi tiếp tôi vẫn là Thư, bởi việc cô ở đây nghĩa là Ethnic Travel đang trong trạng thái hoạt động, dù số khách du lịch nước ngoài trong một năm qua đã giảm sút mạnh. Nên nói thêm, Ethnic Travel chủ yếu đón khách nước ngoài nhờ mạng lưới cơ sở hạ tầng, nhân lực được họ xây dựng ở phía bắc trong 20 năm. Như Thư chia sẻ, hoạt động du lịch của họ mang tính cộng đồng, theo chuỗi, với phương châm “một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Chính suy nghĩ này và thái độ phục vụ chuyên nghiệp đã giúp Ethnic Travel được khách du lịch quốc tế biết đến nhiều. Tôi cũng đã xem qua những đánh giá về họ trên trang Tripadvisor để hiểu rõ hơn vì sao họ có thể thành công như vậy, và để hiểu được vì sao vợ chồng Thư quyết tâm giữ thương hiệu Ethnic Travel trong giai đoạn ngành du lịch thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19.
Theo Thư tâm sự, Ethnic Travel là tâm huyết của vợ chồng cô và vì thế, họ đã và đang làm tất cả để bảo đảm văn phòng giao dịch không bị đóng cửa, mặc dù giá thuê mặt bằng trên phố cổ Hà Nội rất đắt. Vậy là từ vị trí giám đốc, anh Khánh sẵn sàng làm nhiều nghề khác, trong khi Thư cắt giảm mọi chi phí gia đình không cần thiết như ăn mặc, cho con học trường quốc tế…
Có lẽ, nếu không vì ý nghĩ dịch bệnh rồi sẽ được dập tắt, ngành du lịch sẽ phục hồi, vợ chồng Thư sẽ không giữ trạng thái chờ đợi, hy vọng và lạc quan như vậy trong một năm qua. Bởi những đợt lây nhiễm mang tính chu kỳ đủ để làm nản lòng những ai hoạt động trong ngành du lịch hay hàng không, nếu không muốn nói có thể xóa sạch mọi nỗ lực, cố gắng của tất cả nhằm đưa mọi thứ trở lại trạng thái bình thường mới.
Không rõ vợ chồng Thư quyết tâm trụ lại trên phố cổ Hà Nội trong bao lâu nhưng hỏi Thư, tôi cũng không thấy cô nói đến ý định sẽ trả lại mặt bằng thuê trong tương lai gần, ngay cả khi việc bán sách ngoại văn chỉ đủ tiền cho cô đi chợ, mua sữa cho con.

Hy vọng chưa mất

Như đã chia sẻ, tôi sẽ không gặp được Thư và biết được cuộc vật lộn mưu sinh của vợ chồng cô, cũng như của Ethnic Travel trong thời gian qua, nếu không nhờ những cuốn sách ngoại văn mà tôi tìm thấy qua mục đăng bán sách trên Facebook vào cuối tháng 8.2020.
Trò chuyện thì được biết thêm, Thư tốt nghiệp Trường đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội chuyên ngành tiếng Pháp. Tuy nhiên, khoảng 3.000 cuốn sách ngoại văn mà cô bài trí cẩn thận trên những chiếc giá tre lại do anh Khánh giữ gìn từ ngày đầu thành lập Ethnic Travel. Số sách này được họ mua lại từ khách du lịch khi khách trở về nước, hoặc được khách du lịch tặng lại. Trước đây, chúng chỉ như vật trang trí cho văn phòng giao dịch, bên cạnh những bức ảnh phong cảnh được phóng to, nội thất bằng tre, trúc với giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Vậy mà cũng không ngờ có ngày những cuốn sách ngoại văn đó giờ lại giúp vợ chồng Thư mưu sinh, túc tắc qua ngày. Chính xác là trong hơn 6 tháng qua.
Vào thời điểm Thư đăng bán sách trên fanpage Hanoi Book Swap hồi tháng 8.2020, Việt Nam bùng phát đợt lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thứ hai tại Đà Nẵng. Lúc này, tâm lý chờ đợi đầy hoang mang, không phương hướng mà vợ chồng cô kéo dài từ tháng 3 khiến họ không thể ngồi im một chỗ. Họ cần làm gì đó để thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực và nuôi hy vọng dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt. Vì thế, trong khi anh Khánh cởi bỏ những bộ đồ sang trọng của một giám đốc và chấp nhận làm các việc nặng nhọc trong xây dựng, leo bộ nhiều tầng thì Thư cũng bắt đầu sắp xếp lại số sách ngoại văn tưởng như chỉ là vật trang trí làm sinh động hơn cho văn phòng giao dịch của Ethnic Travel, và rao bán.
Cho đến lúc này, vợ chồng Thư vẫn đang chấp nhận hy sinh nhiều thứ vì Ethnic Travel. Thế nhưng, như Thư nói, nếu không có những cuốn sách ngoại văn vốn mang giá trị tinh thần rất lớn, cô sẽ không biết làm gì để vừa trông được con, vừa có thêm chút thu nhập và trên hết là giúp cô vẫn giữ được tinh thần lạc quan, hy vọng vào một ngày phục hồi của ngành du lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.