Vượt qua Covid -19: Khi Tổ quốc gọi tên

29/06/2021 16:59 GMT+7

Khi dịch Covid-19 ập đến, dự án thiện nguyện của tôi dành cho nhóm đối tượng phạm nhân phải tạm dừng lại.

Vào những ngày cuối tháng 5.2020, khi tình hình Covid-19 tạm lắng xuống, tôi nhận lời mời của anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước, lên truyền lửa cho 600 chiến sĩ tại Tiểu đoàn 208, thuộc Trung đoàn Bộ binh 736 ở H.Lộc Ninh.

Quả thật tôi cũng chẳng bao giờ dám nghĩ mình sẽ có cơ hội vào giao lưu với các bạn trong hàng ngũ quân sự. Cũng thoáng chút do dự... Nhưng khi nghe đến tên chương trình “Khi Tổ Quốc gọi tên”, trái tim tôi rung lên những cảm xúc kỳ lạ!
Tôi đại diện nhà tài trợ nhận thư cảm ơn của anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước

Tôi đại diện nhà tài trợ nhận thư cảm ơn của anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước

Dường như nhiệt huyết trong tôi lại bùng lên sau vài tháng sống trong cảnh giãn cách xã hội ở mùa dịch đầu tiên. Đêm giao lưu với các chiến sĩ trẻ trước khi trở về các đơn vị nhận công tác vào hôm sau khiến cảm giác tinh thần yêu nước của mình càng tăng lên nhiều hơn.
Đêm đó, tôi được trải nghiệm cảm giác đầu đời khi được ngủ lại trong một tiểu đoàn bộ đội. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lại lên đường đi thăm vài chốt biên phòng tại Lộc Ninh. Quả thật, một cô gái như tôi sẽ chẳng bao giờ phân biệt được thế nào là đồn biên phòng hay chốt biên phòng. Và tôi cũng chẳng thể nào hình dung ra thế nào là sự gian khổ của các anh lính ở đường mòn lối mở…
Mặc dù trước đó, khi những ngày cách ly xã hội, tôi đã nghe anh Duy tâm sự rất nhiều về những khó khăn gian khổ của chiến sĩ nơi biên giới. Thậm chí, có những hôm anh ấy đã thức trắng đêm làm việc để liên lạc với các nguồn lực về ủng hộ tiếp tế hàng hóa cho bà con dân tộc thiểu số cũng như các chốt biên phòng.
Tôi còn nghĩ trong đầu rằng anh bí thư tỉnh đoàn này cứ hình tượng hóa vấn đề lên, chứ giờ là thời bình, sao chiến sĩ lại khổ vậy. Nhưng ai ngờ, vừa bước vào chốt thứ nhất, tôi đã bật khóc! Trước mắt tôi là cánh rừng hoang vu, có một lán trại lập lên bằng vải dù thời chiến.
Cứ như thể cỗ máy thời gian của Doraemon để tôi quay lại những năm chiến tranh vậy. Chỉ thiếu mỗi tiếng bom đạn nổ bên tai là y chang đang ở giữa thời chiến. Đi thêm một chốt tiếp theo thì mọi người phải thay phiên nhau bế tôi, vì trong rừng sâu xe hơi không thể nào vào được. Quả thật khi nhìn thấy mọi người bế tôi vào tận ghế ngồi thì có những bạn chiến sĩ cứ nghĩ tôi đi đường xa nên bị say xe, chứ không bao giờ dám tin một cô gái khuyết tật như vậy lại mò vào tận rừng sâu thăm bộ đội.
Chuyến đi đó đã cho tôi rất nhiều cảm xúc và nhiều vốn sống trong môi trường biên phòng. Tôi trăn trở rất nhiều và quyết tâm phải làm điều gì đó giúp đỡ cho tuyến đầu chống dịch ở biên giới. Hai anh em chúng tôi đứa Bình Phước đứa Sài Gòn, cùng bắt tay đi vận động khẩu trang y tế, nước rửa tay, nhu yếu phẩm và rất nhiều thứ khác... để tiếp tế cho 62 chốt biên phòng và bà còn dân tộc thiểu số Bình Phước. Tôi hay gọi đùa với anh Duy rằng: “Hai anh em mình là cặp đôi chuyên đi ăn xin rồi về cho... người khác”.
Cứ hễ những ngày dịch kéo đến là hai anh em lại đầu bù tóc rối, quên luôn ăn uống để căng mắt lên làm việc suốt ngày đêm nhằm đi vận động nguồn lực. Căn nhà trọ 18 m2 của tôi thường xuyên ngập tràn hàng hóa của mọi người gửi về ủng hộ. Mỗi lần tôi đăng bài kêu gọi trên cả Zalo và Facebook thì nhận được sự hưởng ứng rất nhiều. Có công ty ủng hộ vài thùng khẩu trang, vài thùng mì, có người gửi vài chục chai nước rửa tay... Thậm chí, có bạn chỉ ủng hộ 100.000 đồng kèm theo nội dung: “Cho em góp một chút nhé chị!”.
Có lần, một anh tôi chỉ nói chuyện qua Zalo mà gần 9 giờ tối giữa trời mưa tầm tã chạy xe từ Q.9 lên Q.Tân Bình (TP.HCM) để ủng hộ mấy thùng khẩu trang và nước rửa tay. Khi mở cổng nhà ra, thấy tôi bé bằng đứa trẻ lớp hai, anh đã tròn xoe mắt kinh ngạc. Và còn rất nhiều câu chuyện cảm động về những người tử tế, tuy tôi chưa hề gặp ngoài đời thực, nhưng mỗi khi thấy tôi viết bài kêu gọi ủng hộ là luôn sẵn sàng hỗ trợ. Thực tế đó giúp tôi gạt đi chút buồn khi thỉnh thoảng một số người hàng xóm thẳng thừng bảo: “Thân mình còn lo chưa xong mà toàn đi lo cho thiên hạ”.
Quả thật khi đứng trước khó khăn, tôi càng tin rằng đất nước mình còn rất nhiều người tử tế. Đại dịch hơn một năm nay càn quét kinh tế của rất nhiều người, trong đó có cả chính tôi, khi có những ngày gần như bật khóc vì không biết lấy tiền đâu đóng tiền nhà, khi có những chương trình giao lưu truyền lửa của tôi đến phút cuối phải bị hủy… Nhưng khi Tổ quốc gọi tên thì cho dù là ai đi chăng nữa cũng sẵn sàng chiến đấu với “giặc vô hình” kia. Mỗi người đều phải có ý thức tôi rèn tinh thần trách nhiệm công dân của mình.
Và, một cô nhà văn “sáu chân” như tôi cũng không ngoại lệ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.