Người xa xôi, tim gần gũi

08/07/2021 16:15 GMT+7

TP.HCM bước vào những tháng ngày chạy đua với thời gian khi số ca nhiễm chưa có dấu hiệu suy giảm. Vừa chống dịch, vừa phòng dịch, 2 nhiệm vụ cấp tốc đang được triển khai mạnh mẽ để đưa thành phố về nhịp sống quen thuộc.

Chống dịch trong khu vực cách ly

Ngày được gọi với cái tên “kỷ lục buồn”, TP.HCM có thêm 667 ca Covid-19 mới. Đoạn đường Tôn Thất Thuyết thuộc Q.4 - nơi em gái tôi sống - cũng đột ngột phong tỏa khi có nhiều ca bệnh. Lúc nhận tin nhắn báo từ em gái, tôi vẫn còn khá ngỡ ngàng, bởi trong lúc tôi còn vật lộn với mưu sinh thì dịch đã ở gần đến thế.
Tôi ngỏ ý gửi thực phẩm vào cho em gái, nhưng con bé từ chối ngay. Nó bảo mọi người trong này được tặng đồ ăn nhiều lắm. Sáng nay nó lấy mẫu xét nghiệm nên không kịp đi nhận, vậy mà vừa về đã thấy trước cửa để một bao gạo, mấy gói mì, một hộp xôi và 2 cái bánh bao thơm nóng.
Có lẽ chính từ những quan tâm nhỏ nhặt như vậy mà ai nấy đều bất giác yên lòng rồi tự nhủ phải đoàn kết chống dịch bằng một tinh thần lạc quan nhất có thể. Không hoang mang, không cố trốn cách ly, người dân TP.HCM dường như đang học được cách “sống chung với lũ”.
“Không để một ai phải thiếu nhu yếu phẩm” đã trở thành câu khẩu hiệu quen thuộc trong giai đoạn mà “ngủ một đêm tỉnh dậy đột nhiên thấy trước nhà giăng dây” như hiện tại. Sau vài đợt hoang mang, chen lấn mua đồ dự trữ trong siêu thị, giờ đây ở những ngày gần cuối của đợt giãn cách thứ 3, người Sài Gòn đã bình tâm hơn khi phát hiện chỉ cần có ai khó khăn, bằng nhiều cách thông báo trên mạng xã hội, thì gần như sẽ có ngay sự giúp đỡ kịp thời từ những tấm lòng biết san sẻ.
Ở Q.4, thậm chí người dân còn lập ra group (nhóm) trên mạng để thông báo tình hình của nhau và cập nhật những địa điểm hỗ trợ suất ăn, gạo, mì cho người dân đang trong khu phong tỏa. Hẳn là vì vậy mà hầu như mọi người đều rất nghiêm túc thực hiện 5K, bởi chỉ khi người dân không bị bệnh thì thành phố mới sớm khỏe mạnh.
Có gì phải sợ hãi, khi chẳng ai bị bỏ lại phía sau!

Phát cơm miễn phí cho người dân trong khu vực phong tỏa ở Q.4, TP.HCM

QUÁN CƠM 2K HOA TÂM

Phòng dịch trong chiến dịch tiêm chủng lớn

Lần đầu tiên có một đợt tiêm chủng diện rộng và khẩn trương như thế. 836.000 liều vắc xin được vận chuyển vào TP.HCM để đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong chiến dịch chống Covid-19. Gần như mọi đơn vị y tế đều cử đội ngũ y bác sĩ tham gia hỗ trợ để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trong vòng 10 ngày. Thậm chí có nơi, 11 giờ sáng nhận lệnh tập trung thì 2 giờ chiều đã lên đường làm nhiệm vụ. Tuy cấp bách là vậy, nhưng điều đáng mừng là đợt tiêm cho đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ lần này đã diễn ra thành công.
Tôi có người chị thuộc đội tiêm chủng của Bệnh viện Mỹ Đức. Chị kể rằng, chị lên đường trong sự ngỡ ngàng, và trở về cũng ngỡ ngàng như thế. Mọi thứ quá nhanh, vì chúng ta phải tranh thủ từng giây để dập dịch, bởi điều duy nhất có thể đối trọng lại Covid-19 chính là phải chạy trước chúng một bước, trước khi tình hình trở nên mất kiểm soát.
Những đội tiêm chủng hoạt động hết công suất để tăng tốc tiến gần tới lối ra cấp thiết hiện nay là tạo miễn dịch cộng đồng, nhằm đưa cuộc sống trở lại giai đoạn bình thường mới. Vài bữa ăn vốn đã khá vội của nhân viên y tế trước khi trở lại với kim tiêm, với ống vắc xin, dường như cũng ngắn hơn chút ít, khi tâm lý quyết thắng đại dịch trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Mỗi lần xem các tấm ảnh chị gửi, hình dáng của y bác sĩ ở các điểm tiêm chủng luôn làm tôi cảm động, không thua gì những đồng nghiệp ở tuyến đầu, bởi dù trong cương vị nào, họ cũng đang cống hiến hết mình để tạo lá chắn cho cả thành phố. Sẽ không khó để bắt gặp những chiếc áo bảo hộ ướt sũng mồ hôi khi thời tiết TP.HCM hay nắng nóng.
Đó quả là sự cố gắng vượt khó bằng ý chí mạnh mẽ của đội ngũ nhân viên y tế. Thật sự biết ơn vô cùng!

Cả nước sẽ sớm khỏe lại

Trải qua những đợt giãn cách xã hội, tôi chợt nhận ra càng trong hoạn nạn, tình người lại càng nồng ấm.
Đó là những thực phẩm cứu đói tặng cho chú xe ôm trong tối lạnh vắng khách. Là những chiếc khẩu trang tự may xuyên đêm gửi tới những điểm nóng chống dịch. Là những tin nhắn đóng góp từ khắp mọi miền. Là những cụ bà lưng còng hay cô bé còn chưa lên tiểu học tự nguyện gửi tặng những đồng tiền dành dụm để ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19.
Tất cả thể hiện một lòng nồng nàn yêu nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, nó sẽ lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn.
Tôi tin một ngày không xa, Việt Nam sẽ mau chóng khỏe lại!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.