May khẩu trang trong đêm biên giới

26/04/2021 09:30 GMT+7

Về xứ cù lao xã Phú Thuận B, huyện biên giới Hồng Ngự (Đồng Tháp) thì chắc hẳn không ai xa lạ gì với những cụm từ 'chiếc khẩu trang nghĩa tình' hay 'những chiếc khẩu trang vải về đêm'…

Sở dĩ có những cụm từ này là bởi cái nghĩa, cái tình của người dân vùng biên tự cắt, may khẩu trang và phát miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, ít ai biết để có hàng nghìn chiếc khẩu trang vải thì câu chuyện phía sau lại càng ý nghĩa hơn.

Những “người hùng” thầm lặng

Với tinh thần quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị xã Phú Thuận B đã nỗ lực hết mình chung sức vì sức khỏe cộng đồng. Trong đại dịch đã xuất hiện những “người hùng thầm lặng”. Họ là những công đoàn viên, đoàn viên, thanh niên và tình nguyện viên của xã.
Ngoài giờ làm việc hành chính, lo cơm nước cho gia đình nhỏ, chị Lê Thị Thanh Nhanh, một công chức của xã Phú Thuận B, lại cặm cụi chăm chú vào những mét vải đủ màu sắc để vẽ, cắt rồi may, giặt và cho vào túi những chiếc khẩu trang nghĩa tình. Chị Thanh Nhanh chưa từng xuất hiện trên truyền hình, trên báo chí vì những giờ chị bắt tay vào công việc “trượng nghĩa” của mình cũng rất “đặc biệt”: từ 18 - 23 giờ và có thể khuya hơn, để sáng mai có những chiếc khẩu trang hoàn chỉnh tặng miễn phí cho người nghèo, người bán vé số, người dân buôn bán trên địa bàn xã và chiến sĩ canh giữ tại các chốt biên giới huyện Hồng Ngự.
Chị Thanh Nhanh chia sẻ, tranh thủ thời gian làm việc gia đình, các chị em trong xóm chung tay với nhau, người cắt, người vẽ rồi may, để kịp có những chiếc khẩu trang tặng miễn phí cho bà con nghèo, lao động khó khăn, chung sức phòng chống dịch bệnh Covid-19. Có những lúc cũng khá vất vả vì không có vải nên phải vận động nhiều nơi, nhưng nhờ mọi người đồng lòng nên tất cả đều hoàn thành công việc giúp dân.
Để có những chiếc khẩu trang an toàn phòng chống dịch phát cho hàng trăm người dân, hộ nghèo, các cụ già neo đơn..., ngoài rất nhiều công đoạn như vẽ, cắt, may, giặt, phơi… còn phải thực hiện sát khuẩn. “Những chiếc khẩu trang được trao tặng là tấm lòng, sự nghĩa tình của những con người thầm lặng và thích làm chuyện tử tế. Dù giá trị không lớn, nhưng ai cũng cảm thấy rất vui và luôn sẵn lòng chung sức vì qua đó còn góp phần đẩy lùi đại dịch”, chị Bùi Thị Tuyết Nhạn, ngụ ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B, bày tỏ.

Sẽ luôn sẵn sàng chung tay

Là Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã Phú Thuận B, đồng hành trong suốt thời gian các chị may khẩu trang, tôi cảm nhận trọn vẹn nghĩa tình người dân và sự chung sức, chung lòng của một tập thể những con người có thể trước đó chẳng biết rõ nhau nhưng cùng một mục tiêu phòng chống dịch.
Song song đó, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tổ chức chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang”, được người dân đồng tình ủng hộ vì có thể phân loại xử lý rác thải, mặt khác được tặng khẩu trang để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Trong suốt năm qua, toàn xã Phú Thuận B đã phát hơn 65.000 chiếc khẩu trang vải các loại, 800 chai nước sát khuẩn, 1.000 khẩu trang y tế, 500 bánh xà phòng và hàng trăm phần quà hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Diễm, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận B, tự hào nhìn nhận cán bộ, công chức và người dân trong xã đã một lòng để cùng thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang khi đi ra đường, nơi công cộng; thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và chất diệt khuẩn... Đặc biệt, những việc làm thầm lặng của tập thể nữ tình nguyện viên trong xã là những tấm gương đáng trân quý.
Vẫn còn đó những khó khăn trước mắt, nhưng tấm lòng của những con người vùng biên giới Hồng Ngự nói chung sẽ luôn sẵn sàng chung tay để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nếu như những người đi phát khẩu trang luôn nhận được những lời cảm ơn từ người dân, thì công sức của những “người hùng thầm lặng” đóng góp thời gian, tiền của để có những chiếc khẩu trang vải trên, lại càng đáng trân quý gấp bội phần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.