Đừng là những 'quả bom nổ chậm'

28/04/2021 08:59 GMT+7

TP.HCM chẳng phân biệt vùng miền, bao dung dang tay đón người ngụ cư khắp chốn. Nên khi ở miền đất này, cũng cần sống 'biết điều', nhất là trong thời dịch giã.

Quyết tâm dập dịch

Từ khi dịch Covid-19 hoành hành, tất cả địa phương khẩn trương, nỗ lực tìm cách khống chế. Và TP.HCM là một trong những nơi áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Tình hình Covid-19 ở TP.HCM hiện đã phần nào lắng xuống. Tín hiệu đáng mừng này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo TP.HCM... Bên cạnh đó, ý thức tự giác phòng chống Covid-19 của người dân TP.HCM cũng là điểm nhấn đáng chú ý.
Trong những ngày cận Tết Tân Sửu, hẻm Mả Lạng (Q.1) bị phong tỏa do liên quan đến ca nhiễm Covid-19. Nhiều dự định của người dân cho cái tết bị hủy bỏ hoàn toàn. Nhưng họ chẳng “than trời, kêu đất”. Họ lạc quan, chấp nhận “sống cùng dịch”, và “quả quyết” sẽ nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch.
Tháng 3 và tháng 7.2020, nhiều tín đồ mê cà phê hụt hẫng khi có quãng thời gian quán cà phê Cheo Leo (Q.3) thông báo đóng cửa, ngưng phục vụ vì lo ngại dịch bệnh. Dù quán cà phê lâu đời nhất Sài Gòn (với 82 năm tuổi đời) này “ăn nên làm ra”, thu hút thực khách cả trong và ngoài nước, nhưng chủ quán cho rằng thời dịch giã cần chủ động tạm ngưng kinh doanh, để góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Chuyện này không ngoại lệ. Nhiều người kinh doanh ở TP.HCM cũng có chung suy nghĩ và quyết định tương tự. Dẫu không phải giãn cách xã hội, dẫu không có “lệnh” cấm của UBND TP.HCM, nhưng họ vẫn tự giác tạm ngưng buôn bán khi thấy diễn tiến của dịch bệnh khó lường. Họ muốn cùng góp sức chống dịch, dập dịch một cách khẩn trương, triệt để, để TP.HCM an toàn, bình yên. Dường như họ thấy vẫn còn cơ hội lớn trong sự an toàn, bình yên, hơn là mạo hiểm “đánh cược” với nguy cơ rủi ro.
Những ngày Tết Tân Sửu, ý thức phòng chống dịch của người dân TP.HCM được đẩy lên mức cao nhất. Ở bất kỳ không gian nào cũng dễ bắt gặp hình ảnh mọi người tuân thủ chặt chẽ “thông điệp 5K” của Bộ Y tế. Khi tham quan các đường hoa Nguyễn Huệ (Q.1), Phú Mỹ Hưng (Q.7)... để chụp ảnh, người dân và du khách vẫn trung thành với việc không tháo bỏ khẩu trang.

Sống “biết điều”, khó không ?

Kể lại những chuyện ấy, để thấy người TP.HCM chưa một ngày lơi lỏng trong việc phòng chống dịch Covid-19. Ai nấy đều hiểu tình hình dịch giã ở thành phố này vẫn đang ở mức độ nguy cơ cao, bởi đây là nơi giao thương, giao lưu của cả nước, nguy cơ bùng phát dịch bệnh luôn hiển hiện.
Bài học kinh nghiệm chỉ ra, rằng ý thức phòng chống dịch của người dân là một trong các yếu tố quan trọng nhất giúp kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng dù TP.HCM và người dân thành phố này có nhiều giải pháp, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đi chăng nữa, thì chỉ cần một hành vi vị kỷ, thiếu suy nghĩ, thiếu trách nhiệm của một ai đó cũng đều có thể trở thành những “quả bom nổ chậm” khiến bao công sức, nỗ lực phòng chống dịch của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ trở thành công cốc.
Vậy nên, dù có thể không phải là người gốc TP.HCM, chỉ là những người ngụ cư đang trọ học, mưu sinh ở TP.HCM, thì cũng cần sống... “biết điều” để đáp lại những chân tình của thành phố bao dung này, nhất là trong thời dịch giã.
Sống “biết điều”, nghĩa là sống vì sức khỏe của cá nhân, nhưng đồng thời là thể hiện trách nhiệm công dân đối với cộng đồng, với thành phố đang cưu mang mình; là cùng người dân cả nước tuân thủ tuyệt đối quy định phòng chống dịch, chung tay ngăn ngừa và đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh.
Để sống “biết điều” chẳng hề khó. Hãy là “một người vì mọi người”, luôn trong tâm thế không lơ là, không chủ quan. Ngược lại, luôn cảnh giác với Covid-19, luôn để ý thức phòng chống dịch ở mức cao nhất. Như chỉ cần thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế khi đến TP.HCM; chứ đừng “bắt chước” hành vi “khai gian” dịch tễ như một trường hợp ở Gia Lai vào đầu tháng 2.2021 vừa qua khiến hàng chục người bị vạ lây buộc phải cách ly.
Sống “biết điều”, là đừng thiếu ý thức, mà có trách nhiệm trong thời gian thực hiện việc cách ly theo quy định. Phải nói không với các hành vi nhập cảnh trái phép, trốn cách ly... khiến dư luận phải nháo nhào, sống trong lắng lo, sợ hãi.
Sống “biết điều”, là loại bỏ những nhỏ nhen, ích kỷ, không vì lợi ích trước mắt của bản thân, mà vô tình gây hệ lụy nặng nề, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội nếu để dịch Covid-19 lan ra.
TP.HCM nay đã phần nào kiểm soát được dịch Covid-19. Nhưng người TP.HCM không chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh... Cũng nhờ đó, trạng thái bình thường mới sẽ thật bình yên, thành phố sẽ vượt qua Covid-19!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.