Cùng con trẻ lạc quan vượt qua đại dịch

12/05/2021 05:24 GMT+7

Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi đang cho học sinh tạm nghỉ học ở nhà để phòng dịch. Ngày hè cũng cận kề và tôi lại nghĩ đến chuyện cùng trẻ con ở khu phố lạc quan vượt qua đại dịch.

Tạo không gian an toàn cho trẻ

Tôi nhớ sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2020 khép lại, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh cả nước được tiếp tục nghỉ để phòng chống dịch, một kỳ nghỉ tết kỷ lục. Thời gian đầu được nghỉ thêm, học sinh khoái lắm. Thế nhưng khi nghỉ kéo dài quá lâu, cảm xúc ngược lại. Từ việc vui vẻ vì được “nghỉ tết” thêm một tuần (tuần đầu được nghỉ sau dịp nghỉ tết) rồi đến nỗi buồn nhớ lớp, nhớ thầy cô, bạn bè khi nghỉ... quá nhiều.
Học sinh nghỉ tết kỷ lục nên sinh hoạt trong mỗi gia đình ít nhiều bị đảo lộn. Các cô cậu học sinh có những bài học “trải nghiệm” khác nhau: học qua mạng, về quê chơi, đọc sách, làm việc nhà, nhưng không ít gia đình lo lắng vì con em họ sẽ “nghiện” ti vi, điện thoại. Đủ cung bậc cảm xúc khi con ở nhà trong thời gian dài.
Mười mấy năm qua, ngày thường, nhất là cuối tuần, dịp nghỉ tết, nghỉ hè, nhà tôi luôn rộn tiếng nói cười trẻ thơ. Ngôi nhà vốn “sống tối giản” nên có không gian cho trẻ chơi ở phòng khách, ở sân. Bóng đá, xà đơn, sách báo, đồ chơi khá phong phú để trẻ có sân chơi an toàn. Và tôi cũng tạo cho trẻ những trò chơi khác để các cháu được vui chơi phù hợp với lứa tuổi của mình. Qua đó dạy trẻ những bài học quý trong cuộc sống thường ngày. Yêu trẻ, trẻ đến nhà. Tạo sân chơi và hướng trẻ về những giá trị tốt đẹp, bắt đầu từ những gì gần gũi nhất, dễ hiểu nhất, thiết thực nhất là điều tôi mong muốn và thực hiện mỗi lúc “trẻ đến nhà”.
Mùa dịch Covid-19 kéo dài, học sinh có khi nghỉ học như “nghỉ hè” nên nhà tôi lại càng rộn tiếng nói cười trẻ thơ trong cả “3 ca”: sáng, chiều và tối. Sống ở thành phố “tấc đất tấc vàng”, phòng khách và sân nhà tôi trở thành “điểm đến” - sân chơi của những đứa trẻ. Khi ba mẹ đi làm, chúng lại tụ tập ở nhà tôi (và cả long nhong chạy nhảy, trốn tìm, đá bóng... trước hẻm) chơi biết bao trò vận động lẫn sáng tạo khi vẽ tranh, làm diều, ghép mô hình... Hạnh phúc của trẻ thơ là thế. Và tôi cũng hạnh phúc theo.
Thế nhưng có vài tuần, sân chơi ở nhà tôi vắng hẳn tiếng nói cười vui đùa. Khi dịch diễn biến phức tạp, số người bị nhiễm và cách ly ngày càng nhiều ở một số địa phương, tụi nhỏ cũng ít ra đường hơn, ít tụ tập hơn, tạm “cách ly” trong nhà. Đó là điều dễ hiểu vì mỗi người là một chiến sĩ chung tay phòng chống dịch.

Cùng trẻ vui chơi

Là giáo viên, tôi cũng được nghỉ. Đây cũng là thời gian tương tác cùng con và bọn trẻ hàng xóm nhiều hơn, trong đó có việc đọc sách báo. Sân nhà tôi rộng 5 m, dài hơn 6 m, dù nhỏ nhưng cũng đủ cho 2 đứa con cũng như những đứa trẻ hàng xóm nô đùa. Hẻm trước nhà rộng 8 m, rất ít xe cộ qua lại vào giờ hành chính thì trở thành “sân bóng” cho các cầu thủ nhí ở khu phố.
Sân chơi mỗi ngày mỗi phong phú. Ngoài trò chơi bắn thẻ (những đồng xu bằng kim loại hình vuông, tròn với những hình ảnh của các nhân vật phim hoạt hình nổi tiếng), đánh cờ tướng, chơi cờ tỉ phú…, các bạn nhỏ còn được đọc sách. Nhà tôi có tủ sách khá phong phú, dịp này là cơ hội để lũ trẻ đến với thế giới sách, nhất là những truyện tranh hấp dẫn như Thần đồng đất Việt, Shin - cậu bé bút chì, Thám tử lừng danh Conan, Chú già nuôi mèo ú... cùng với những cuốn sách về giáo dục tâm hồn cao thượng và kết hợp việc đọc báo, xem những thước phim về kỹ năng sống. Đó là những món ăn tinh thần hết sức bổ ích cho trẻ nhỏ.
Nhưng không thể không kể đến “hai trò chơi lớn” để rèn luyện sức khỏe là ném bóng và đá bóng. Bức tường nhà hàng xóm biến thành “tường bóng rổ lý tưởng”. Những trái bóng nhựa (giảm tiếng ồn) ném lên bức tường như... ném bóng rổ (góp phần phát triển chiều cao) là sân chơi thường xuyên nhất bởi đơn giản và bước vào sân là có bóng ném. Trong khi đó, sân chơi hấp dẫn nhất là đá bóng. Những đứa trẻ vẫn đá bóng khi ba mẹ vắng nhà. Đường hẻm thông thoáng là dịp để trẻ con vận động nhiều hơn, vừa rèn luyện sức khỏe vừa chống vi rút gây bệnh. Ấn tượng nhất, và lần đầu tiên xuất hiện, là một số trẻ vừa mang khẩu trang vừa đá bóng. Để phòng chống dịch, nhiều bậc phụ huynh vẫn thường nhắc nhở con ra đường đeo khẩu trang
Vui vẻ, lạc quan và rèn luyện sức khỏe để vượt qua mùa “Cô Vy” mà tôi cùng bọn trẻ đơn giản là thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.