Cùng cố lên thì khổ cực sẽ qua, ‘bão Cô vi’ kiểu gì vẫn phải cố gắng

01/05/2021 08:15 GMT+7

Đó là một ngày nắng, sau Tết 2020. Đường phố vắng lặng theo lệnh giãn cách vì dịch Covid-19 . Tôi đi ra ngoài hít thở, vì trong nhà quá ngột ngạt. Và tôi thấy chị, người phụ nữ bán khóm trái mà xóm tôi hay mua.

Chị đang ngồi trong một bóng râm, mệt mỏi chợp mắt. Lặng lẽ, tôi chụp một tấm ảnh về chị. Cũng không nghĩ để làm gì.
Gia cảnh chị thì tôi cũng đã biết hơn một năm trước nữa. Đó là một mùa hè, chị đi bán cùng cô bé gái xinh, đeo kính cận tên Tâm. Cô bé con học giỏi, lễ phép. Mùa hè đó đã học lớp 3. Mà để con ở nhà trọ thì không an tâm. Nên mùa nào con nghỉ học thì chị “tha” con theo, bao bọc con trong những lớp áo khăn che nắng gió kín mít.
Cô bé hay mau mắn, lon ton xách bịch khóm gọt sẵn từ tay mẹ, đi chân sáo đến giao tận cửa nhà cho người mua. Không quên cúi đầu, nói lời cám ơn lễ phép.
Xóm quen chị, chúng tôi quen cô bé. Vì thích con nít.
Cũng phải sau hết đợt giãn cách lần đó, tôi mới dám thăm hỏi chị. Chị thật thà: “Ôi trời ơi. Lúc nghe tin em cũng bấn loạn lên. Nhưng không bán thì làm sao có ăn. Tiền phòng trọ không giảm, chỉ có tiền điện nước giảm một chút. Thôi em cứ liều đi bán. Mà chỗ vựa rau củ quen, thấy em đến thì mừng lắm. Vì có mình, hàng của họ còn luân chuyển được. Em cứ đi, nghe chỗ nào có dịch, có phong tỏa là em tránh xa”.
Chị kể có cái điện thoại cũ, chị để ở nhà cho bé con học. Con bé đang lớp 4, các thầy cô dạy qua online. Nó học giỏi nên thầy cô trong trường rất thương. Học xong thì cập nhật tin tức Covid-19 cho mẹ, ghi ra giấy để mẹ biết đi đường nào mà tránh.

Bức ảnh mà tôi chụp chị ngủ vì mệt trong mùa dịch năm trước

Đi bán, chị luôn mang khẩu trang vải, nón, chai xà bông nước. Về nhà là dọn hàng, rửa xe, tắm giặt rồi mới dám vào ôm con. Con cũng biết nên ở nhà lo tắm trước, hứng nước cho mẹ, vo cắm nồi cơm.
Những ngày đó, đường vắng. Bán chậm. Chị bán đủ thứ từ mía, thơm, rau củ, kể cả gia vị, mà vẫn rất chật vật. Nhưng chị cứ tâm niệm: "Cố lên, ráng lên. Bao nhiêu người không có việc".
Rồi mùa dịch tai quái đi qua. Mẹ con nhìn nhau. Mừng vì không đến nước phải ra ATM gạo xếp hàng, không phải xin cơm ở quán 0 đồng.
Trước Tết 2021 gặp chị, chị nói năm ngoái, sau dịch chị có làm đơn xin hỗ trợ theo hướng dẫn. Có nhờ ngoài quê gửi giấy xác nhận, bé con trường thương, cũng được vài phụ huynh giúp đỡ. Rồi chị khoe: “Con bé lên lớp 5 rồi. Ở nhà tự lập tất cả”.

Chị mưu sinh nhọc nhằn mùa dịch nhưng vẫn luôn cố gắng, lạc quan

Trong Tết thỉnh thoảng có gặp, bỗng dưng một tuần chị vắng biệt.
Ngày 8.3, gặp chị chạy xe ngang. Níu lại hỏi thăm, mới biết chị hút chết. Do làm cố quá, chị té xỉu bên Gò Vấp. Người đi đường đưa vào lề. Rồi tỉnh lại, cố chạy xe về nhà. Về nhà, chị nằm bẹp. Bé con khóc mếu. Người cùng trọ trong xóm đưa chị đi cấp cứu. Tới bệnh viện, bác sĩ la vì huyết áp cao quá. Xuất viện về, các bạn trọ quen khi đó mới thở phào: May là là không việc gì, bà mà có gì, ai nuôi con bé con…
Chị nói: Năm ngoái không dư, không nợ đã may. Năm nay, coi như "âm" vì vụ đi cấp cứu. Về nhà không dám đi bán liền. Phải nằm nghỉ cả tuần. Giờ gom góp tiền, đi bán lại. Hy vọng sẽ khởi sắc lại.
Rồi chính chị lại an ủi lại tôi: " Cùng ráng cần kiệm, cùng sống thật tiết chế lại. Mình bước chậm mà tới. Không ai phụ người đang cố gắng. Cùng cố lên thì khổ cực sẽ qua hết".
Chị là một phụ nữ nhỏ bé, tóc cắt ngắn, giọng nói âm vang, mạnh mẽ. Chị tên Phạm Thị Vinh, 49 tuổi; con là Phạm Mỹ Tâm, học sinh giỏi lớp 5 - Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.Tân Phú, TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.