Chuyện cụ bà 73 tuổi bán vé số ở Sài Gòn nhường 'cho người cần hơn'

08/06/2021 11:34 GMT+7

Câu chuyện tôi kể sau đây diễn ra cách đây hơn một năm trong 'bão' dịch Covid-19 trước khi giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Hôm đấy là sáng 31.3.2020, tôi rảo quanh một số tuyến đường xem tình hình phòng chống dịch Covid-19 ở TP.HCM. Khoảng 10 giờ 30, khi đến trước Bưu điện TP.HCM (Q.1), tôi thấy một cụ bà gầy gò ốm yếu đội nón lá ngồi gục xuống có vẻ mệt mỏi.
Lúc này, có 2 thanh niên chạy xe máy đến chở khá nhiều cơm hộp và những thùng mì gói. Một người đến gần bà cụ hỏi: “Bà có lấy cơm và mì gói không?”. Bà cụ từ từ ngước lên nhìn người thanh niên và nói: “Bà không lấy”. Người thanh niên lưỡng lự rồi nói tiếp: “Mai là nghỉ bán vé số tới 15 ngày lận, tụi con cho bà thùng mì để bà ăn”. Bà cụ lắc đầu và nói cảm ơn, rồi lại gục xuống, chiếc nón lá che lấp không nhìn rõ khuôn mặt.
Tôi tiến lại gần hỏi chuyện 2 người thanh niên làm từ thiện, một người cho biết tên là Thịnh, người kia không muốn nói tên. Được biết, các bạn là thành viên một nhóm chuyên làm từ thiện, sử dụng quỹ của nhóm mua thực phẩm đi phát cho người bán vé số. Nhóm từ thiện có 8 người chia nhau đi các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM tìm người có hoàn cảnh khó khăn do Covid-19 để phát thực phẩm. Hai ngày trước, mỗi ngày phát 30 phần (gồm 1 hộp cơm và thùng mì gói), còn hôm nay phát 100 phần.
“Hai ngày trước còn nhiều người bán vé số, nay là ngày cuối nên thấy ít người, có thể họ không dám ôm nhiều vé”, người tên Thịnh nói. Hai thanh niên chào tôi và vội vã đi tiếp để phát quà kẻo những người bán vé số nghỉ thì tìm không thấy.

Hai người cho tiền nhưng bà không nhận nên họ bỏ vào giỏ của bà

ẢNH: NGUYỄN CẢNH

Tôi thấy làm lạ việc bà cụ không nhận sự hỗ trợ của người khác, trong khi rất nhiều người, nhất là những người bán vé số đang cần giúp đỡ. Vì từ ngày 1.4.2020, bắt đầu tạm dừng kinh doanh xổ số 15 ngày để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tôi liền đến bắt chuyện và hỏi thăm bà cụ. Bà gượng ngước nhìn lên, bà đeo khẩu trang và chiếc nón lá che lấp khuôn mặt nên tôi chỉ thấy đôi mắt có vẻ mệt mỏi của bà.
Bà cho biết đã 73 tuổi, ở trọ một mình tại khu vực Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), trước đây bà có một người anh nhưng đã qua đời, bà không lập gia đình, tôi hỏi tên thì bà không nói. Quê bà ở TP.HCM, trước đây bà đi làm thuê kiếm sống, khi lớn tuổi phải nghỉ việc và khoảng 6 năm qua bà đi bán vé số.
Hằng ngày, cứ 4 giờ sáng bà thức dậy và đi bộ đến trước Bưu điện TP.HCM bán vé số. Mỗi ngày bán được 100 tờ, tiền lời được 120.000 đồng. Nếu ngày nào cũng đi bán thì tổng thu mỗi tháng được 3,6 triệu đồng. “Tiền thuê nhà hết 1 triệu đồng, còn lại những chi phí khác cũng đủ ăn. Trước đây bán cũng đỡ, nhưng dạo này bán chậm”, bà thong thả nói.
Cũng có khi bán vé số hết sớm, đại lý vé số nhờ bà ngồi bán dùm, tất nhiên là tiền lời họ chia cho bà, nhưng việc đó thỉnh thoảng bà mới làm. Vì tuổi già sức yếu, đi bộ khoảng 6 km từ nơi ở đến đây, cả đi và về khoảng 12 km nên cũng mệt. Hôm nào mệt quá thì bắt xe ôm về.

Người đàn ông cho tiền nhưng bà không lấy nên anh này bỏ vào giỏ cho bà

ẢNH: NGUYỄN CẢNH

Nói chuyện một lúc, bà bảo là rất mệt nên không nói chuyện được nhiều, rồi bà hỏi: “Sao cậu hỏi kỹ vậy?”. Tôi bảo, thấy người ta cho cơm và mì gói nhưng bà không lấy nên hỏi thăm xem có thể giúp được gì cho bà. “Tôi gặp đâu ăn đấy, có một mình nên không nấu nướng gì cả. Ăn có bao nhiêu đâu mà lấy, phần đó để tặng cho người khác. Với lại tôi đi bán vé số cũng đủ ăn rồi”, bà cụ nói.
Tôi đứng đó một hồi thì có mấy người đi ngang dừng lại cho tiền, nhưng bà không lấy. Điều này lại càng làm tôi bất ngờ.
Khi những người cho tiền đi khỏi, tôi thấy bà cụ khóc. Tôi và một vài người nhìn nhau, một người phụ nữ cùng chồng vừa cho tiền bà cụ, nói: “Có thể bà không muốn mắc nợ ai nên không lấy”.
Người nữ thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đang đứng gần đó cho biết nhiều người cho bà đồ ăn, nước uống… nhưng bà không nhận, họ cứ để đó, bà lại cho những người bán vé số khác. “Hôm qua, em mua cho bà chai nước mà bà không lấy”, nữ thanh niên xung phong nói.

Người thanh niên đến hỏi để cho bà mì và cơm nhưng bà không lấy

ẢNH: NGUYỄN CẢNH

Lúc này tôi nghĩ đến cụ Đỗ Thị Mơ (84 tuổi, ở xã Lương Sơn, H.Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Tháng 9.2019, cụ Mơ đạp xe lên xã đề nghị rút cụ khỏi danh sách hộ nghèo, và cụ nói “Đất rộng mấy sào, nghèo là nghèo răng?”. Còn ngày 27.3.2020, cụ Mơ đóng góp 2 triệu đồng tiền bán rau để ủng hộ cho quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Những người già neo đơn như cụ bà 73 tuổi bán vé số ở trên và cụ Mơ thuộc diện được quan tâm chăm sóc của cộng đồng, xã hội, nhất là lúc dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, các cụ không những không nhận và còn đóng góp cho xã hội.  

Bà đã khóc khi mọi người cứ nhét tiền vào giỏ của bà

ẢNH: NGUYỄN CẢNH

Ngẫm lại, thấy trong xã hội còn nhiều người sức dài vai rộng, nhưng lại lười lao động, đi trộm cắp, cướp giật tài sản, làm mất trật tự xã hội, thật buồn.
Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tấm gương sáng, nghị lực vươn lên trong cuộc sống để cùng nhau hun đúc niềm tin rằng chúng ta nhất định sẽ chiến thắng dịch bệnh Covid-19, để lại cùng nhau chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.