'Vương quốc hoa kiểng' khắp miền vào mùa Tết - Kỳ 6: Sa Mù 'đỏng đảnh' hoa sang

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
18/01/2019 10:00 GMT+7

Đến những người mộng mơ nhất cũng không ngờ rằng, có ngày ở trên ngọn đèo heo hút, quanh năm sương mù sà đến tận mặt đất, lại có thể... trồng hoa, lại là hoa cao cấp . Vậy mà có thật! Sa Mù giờ đã khác!

Đánh thức... chốn bồng lai

Đèo Sa Mù thuộc xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa (Quảng Tri), cách TP.Đông Hà, trung tâm tỉnh lỵ của Quảng Trị hơn 100 km. Ngọn đèo này nổi tiếng vì quanh năm sương phủ, tựa chốn bồng lai, nhưng cũng là một thử thách không hề dễ với những tay lái đường dài, bởi những khúc cua cùi chỏ.
Chỉ cần gọi tên Sa Mù cũng nghe thật xa ngái..., nhưng cũng thật gọi mời, đặc biệt đối với dân phượt!
Những ngọn núi cao vây quanh mây phủ bồng bềnh ở khu vực Sa Mù ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Nhưng có một điều khác hấp dẫn mọi người đến với Sa Mù, dù chỉ mới bắt đầu chừng 1 - 2 năm trở lại đây. Đó chính là hoa. Và những người đầu tiên mang hoa lên với vùng núi cao này, chính là những cán bộ thuộc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Trị.
Chính họ đã nhìn thấy “tiềm năng” ở Sa Mù thông qua những phân tích về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng ở những khu vực quanh đèo. Cụ thể, với độ cao hơn mực nước biển tới 1.000 m, Sa Mù có nhiệt độ thấp, phù hợp trồng các loài hoa ôn đới. Nhiệt độ trung bình ban ngày ở vùng này từ 18 - 23 độ C, ban đêm chỉ 12 - 15 độ C.
Những nhà kính đầu tiên được xây dựng để trồng hoa ở "cổng trời" Sa Mù ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Từ những bước mò mẫm ban đầu với một đoàn nhỏ cán bộ chuyên về công nghệ sinh học lên với Sa Mù, họ gần như đã thành công ngay lần đầu tiên thử trồng mấy trăm gốc hoa ở Sa Mù từ những tháng đầu năm 2018, để chuẩn bị đón Tết dịp đó.
Chính cái thời tiết “đỏng đảnh” ở Sa Mù lại rất phù hợp với việc trồng những loài hoa... sang chảnh. Sau quá trình nghiên cứu, Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Trị quyết định trồng thử nghiệm 2 loài hoa ly ly và tulip, với nguồn giống được nhập hoàn toàn từ Châu Âu.
Quạt gió và máy đo độ ẩm được sử dụng trong việc trồng hoa ở đèo Sa Mù ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Trị cho biết ngay từ khi bắt đầu ông đã có niềm tin về sự thành công trong việc đưa giống hoa xứ lạnh đến Sa Mù. “Đầu tiên là vì thời tiết, thứ hai là vì chúng tôi đã áp dụng công nghệ vào sản xuất, thậm chí có thể điều khiển được hoa nở theo thời gian mong muốn”, ông Lân nói.
Năm 2019 đã có 17.000 gốc hoa ly ly và tulip được trồng ở đèo Sa Mù ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Và từ 600 gốc ban đầu của đầu năm 2018, đến đầu năm 2019, ông Trần Ngọc Lân phấn khởi thông báo rằng, ở Sa Mù bây giờ có tới 17.000 gốc hoa ly ly và tulip. Mỗi loài hoa được trồng 6 giống khác nhau, nhập khẩu từ Hà Lan để chọn ra giống thích hợp.
Trong đó, hoa ly ly được trồng vào đầu tháng 11.2018, trong khi hoa tulip vừa xuống giống đầu tháng 1.2019 vì có thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Hoa được trồng trong nhà kính rộng 1.000 m2. Toàn bộ việc đo nhiệt độ, độ ẩm, điều khiển gió, phun sương, hơi nước... đều được điều khiển và theo dõi bằng máy tính.

Giấc mơ “tiểu Đà Lạt” ở Quảng Trị

Với sự xuất hiện của những loài "hoa ngoại" như ly ly, tulip, giấc mơ về việc biến khu vực đèo Sa Mù thành “tiểu Đà Lạt” của Quảng Trị đã sống dậy mạnh mẽ trong lòng của những người dân và lãnh đạo Quảng Trị.
Bởi theo ông Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, thì việc trồng khảo nghiệm trong hai năm sẽ có thể chọn ra giống hoa thích hợp nhằm nhân rộng cho bà con nông dân. Dự kiến, trung tâm sẽ chọn ra ba giống thích hợp để nhân rộng, nhằm tạo ra vùng nguyên liệu hoa ly ly và tulip cung cấp cho thị trường miền Trung không chỉ mỗi dịp Tết, mà còn vào các ngày lễ và nhu cầu chơi hoa suốt năm của người dân.
Những nhành hoa ly ly ở nhà kính tại đèo Sa Mù đang vươn cao chờ ngày đến tay người mua trong dịp Tết nguyên đán ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Những điều ông Đào Ngọc Hoàng nói không phải là không có lý khi chất lượng (màu sắc, lá, hoa...) hoa ly ly, tulip ở Sa Mù là "một 9 một 10" với hoa Đà Lạt, được người chơi đón nhận. Riêng hoa ly ly sinh trưởng tốt, thân cây mập mạp, lá tốt. Tùy theo giống, cây cao từ 1,2 -1,5 m, mỗi cây có bảy đến chín hoa. Hoa có ba màu chủ yếu là vàng, hồng phấn và đỏ. Trong khi rõ ràng khi không tốn chi phí vận chuyển, giá hoa ở Sa Mù hẳn sẽ rẻ hơn ở những nơi khác mang đến. 
Bầu chọn
Thường ngày, đặc biệt là dịp lễ, tết, gia đình bạn có thói quen:
Và từ sự thành công này, tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương triển khai dự án Khu thực nghiệm sản xuất chất lượng cao trên điện tích 7 ha với tổng số vốn đầu tư trên 10 tỉ đồng tại Sa Mù, chuyên nghiên cứu trồng cây, con phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của "chốn bồng lai". Từ đó, đưa “cần câu cơm” này đến cho người dân đang sinh sống nơi đây, chủ yếu là đồng bào thiểu số, thoát ra khỏi đói nghèo.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính (bìa trái) kỳ vọng việc trồng thành công hoa ly ly và tulip trên đèo Sa Mù sẽ là cơ sở để Quảng Trị xây dựng "tiểu Đà Lạt" ở đây ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Dễ hiểu khi trong chuyến thăm vườn hoa Sa Mù vào giữa tháng 1.2019, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã không khỏi trầm trồ và yêu cầu Sở Khoa học - Công nghệ nếu đã chủ động công nghệ thì sớm chuyển giao cho người dân.
Ông Nguyễn Đức Chính khẳng định, việc trồng thành công hoa ly ly, hoa tulip trên đèo Sa Mù cho thấy tiềm năng đất đai, khí hậu ở Hướng Hóa, đặc biệt là các xã ở khu vực đèo Sa Mù rất phù hợp phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Vì thế, ông cho biết sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để người dân, doanh nghiệp đến với vùng đất này đầu tư, để biến nơi hoang sơ thành... “tiểu Đà Lạt”.
Vùng Sa Mù thành “tiểu Đà Lạt” của Quảng Trị, tại sao không chứ?
Mời đón đọc Kỳ 7:

Những "cao thủ" chạy sô

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.