Vui buồn thú y miệt vườn: Phối tinh qua... điện thoại

Như Lịch
Như Lịch
28/06/2021 06:00 GMT+7

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, bác sĩ thú y Dư Đình Tuấn (tỉnh Đồng Nai) đã mày mò chế tạo máy phối tinh cho bò bằng phương pháp nội soi T-SEE.

Thiết bị này được nhiều người chăn nuôi và đồng nghiệp của anh Tuấn ưa chuộng.
Hằng ngày bận bịu với việc điều trị và đỡ đẻ cho gia súc, anh Dư Đình Tuấn (47 tuổi, ngụ xã Phú Túc, H.Định Quán) gây bất ngờ khi cho ra đời máy phối tinh bò bằng nội soi T-SEE. Bí quyết của anh nằm ở câu trả lời: “Tôi học hỏi không ngừng. Tôi hay thắc mắc tại sao như vậy và có cách nào làm tốt hơn không?”.

Máy phối tinh bò bằng phương pháp nội soi

Trước đây, những hộ nông dân để đàn gia súc gia cầm của mình sinh sản theo lối trống mái tự nhiên. Với xu thế chăn nuôi hiện đại và phòng ngừa dịch bệnh lây lan, nhiều hộ đã sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho vật nuôi.
Theo các nhân viên thú y miệt vườn mà tôi tiếp cận trong dịp này, kỹ thuật phối tinh bò phức tạp hơn nhiều so với phối tinh heo. Vậy nên, nhiều người chăn nuôi có thể tự phối tinh nhân tạo cho heo nái của mình. Nhưng với phối tinh bò, mỗi huyện chỉ có 1 - 2 người biết làm.
23 năm hành nghề thú y tự do, anh Dư Đình Tuấn trực tiếp phối tinh cho hàng trăm con bò của người dân. Cũng như bao đồng nghiệp, anh Tuấn từng thực hiện cách phối tinh bò thịnh hành lâu nay với những hạn chế nhất định. Bởi lẽ phương pháp này đòi hỏi người thực hiện phải đưa tay vào trực tràng bò cái móc hết phân ra, rồi luồn dẫn tinh quản qua cổ tử cung và bơm tinh trùng vào thân tử cung.
Các thao tác trên diễn ra bên trong con bò, nên kỹ thuật viên chỉ biết dựa vào cảm giác và kinh nghiệm cá nhân. Anh Tuấn bộc bạch: “Để phối tinh hiệu quả, nhân viên thú y phải có cảm nhận rất giỏi. Muốn được vậy, họ phải làm khoảng 200 ca trở lên mới có thể thành thục. Nhưng một người mới ra trường, kiếm đâu ra 200 con bò để làm? Vì không vững tay nghề và không được hộ chăn nuôi tin tưởng, nhiều bạn trẻ bị thất nghiệp”.
Từ trăn trở trên, bác sĩ thú y Dư Đình Tuấn lên mạng internet tìm tòi thông tin và quyết định thiết kế dụng cụ phối tinh bò tiện lợi. Năm 2018, sau nhiều lần thất bại, chỉnh tới sửa lui, anh Tuấn trình làng máy phối tinh bò bằng phương pháp nội soi T-SEE. Ngày 9.10.2020, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu T-SEE cho anh Dư Đình Tuấn.
Được biết, T-SEE là ghép chữ viết tắt tên anh Tuấn với chữ “see” (thấy) trong tiếng Anh. Máy T-SEE sử dụng súng bắn tinh gắn camera nhỏ đưa vào tử cung bò. Dựa trên những hình ảnh nội soi phát qua điện thoại di động, thao tác phối tinh bò được thực hiện nhanh gọn và chính xác hơn. Ngoài ra, thiết bị này còn phát hiện bệnh viêm tử cung ở bò cái sinh sản.
Mục đích ban đầu khi anh Tuấn chế tạo máy T-SEE là muốn hỗ trợ những anh em chưa có kinh nghiệm phối tinh bò và bị khách hàng quay lưng do làm không đạt. Nhưng khi ra đời, thiết bị này không những chỉ được bạn trẻ mới vào nghề mà còn có cả người thâm niên ưa chuộng. Mỗi máy T-SEE có giá lúc đầu gần 2 triệu đồng, nay được nâng cấp hệ thống camera nên có giá từ 2,7 - 3,6 triệu đồng.
Vui buồn thú y miệt vườn: Phối tinh qua... điện thoại1

Anh Dư Đình Tuấn (đứng) tập huấn phối tinh bò bằng phương pháp mới tiện lợi

ẢNH: T.H

Anh Hoàng Văn Bình, nhân viên thú y tại xã Văn Phương (H.Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), cho hay anh làm dịch vụ phối tinh bò gần chục năm nay. Đầu năm 2020, anh Bình đặt một máy phối tinh T-SEE. Sử dụng có hiệu quả, mới đây, anh Bình đã đặt thêm một máy nữa.
Chia sẻ với tôi, anh Bình so sánh: Dùng phương pháp cũ, anh luôn phải thò tay vào trực tràng con bò nên rất bẩn. Do không thể nhìn thấy bên trong con bò, anh khó xác định đúng thời điểm bò cái động dục để phối giống, dẫn đến tỷ lệ bò đậu thai chỉ khoảng 60 - 70%. Trong khi đó, phương pháp mới bằng máy T-SEE cho thấy các hình ảnh nội soi rõ nét, giúp anh phối tinh đạt tỷ lệ thụ thai 90 - 95%.

Chấp nhận “nghe chửi” để sửa đổi!

Anh Dư Đình Tuấn tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM vào năm 1998. Biết mình mới ra trường chưa có tay nghề, anh Tuấn làm đủ thứ việc để kiếm sống và tích lũy kinh nghiệm. Thời gian đầu, anh chạy từ tỉnh này qua tỉnh kia để tiếp thị bán cám, thuốc thú y. Tiếp đó, suốt 20 năm, anh lặn lội đến từng hộ chăn nuôi, chích thuốc và điều trị cho gia cầm, gia súc. Hai năm nay, anh mở phòng khám thú y Tuấn Hằng, hướng tới đối tượng cao cấp hơn là những thú cưng...
Nhìn lại con đường nghề đi qua, anh Tuấn cho hay lần đầu vô trang trại để thiến heo, anh cầm cây dao không nổi vì... run. Anh cảm thấy rất áp lực với tiếng heo kêu, tiếng mấy người công nhân hối thúc. Lần khác, khách hàng giữ con heo đang vùng vẫy cho anh thiến mà anh quá khớp, khứa khứa hoài không đứt. Kết cục, anh bị khách hàng la mắng, có người không còn thuê anh.
Anh Tuấn cũng thẳng thắn thừa nhận một số tai nạn nghề nghiệp là do lỗi của mình. Nhưng, phải đến khi có chuyên môn vững vàng, anh mới ý thức được điều đó. Anh Tuấn kể: “Hôm ấy mình đi đỡ đẻ cho heo lúc 1 - 2 giờ sáng. Mình thò tay móc heo con không được, làm chết heo của người ta. Và mình đổ thừa ca này quá khó, bất cứ ai cũng bó tay. Khoảng 10 năm sau nhìn lại, mình thấy tại năng lực mình yếu, dở nên người ta mất oan cả heo mẹ lẫn đàn heo con”.
Theo anh Tuấn, nhân viên thú y thể hiện thao tác kỹ thuật nên phải có bản lĩnh và tâm lý ổn định. Anh khuyên sinh viên mới đi làm nếu có gặp trục trặc vài ca cũng đừng bi quan. “Bị khách hàng la chửi, có những bạn sợ quá đã bỏ nghề. Theo tôi, các bạn nên chấp nhận nghe chửi để sửa đổi. Tối về mình nặn óc nghĩ cách khác, để thực hiện cho chuẩn hơn”, anh Tuấn nhắn nhủ.
Bên cạnh việc tiếp tục cải tiến T-SEE cho tối ưu, anh Tuấn đang nghiên cứu giải pháp dùng máy nội soi để gắp chó con, thay vì mổ đẻ gây đau đớn cho chó mẹ (nhất là chó kiểng).

Chú trọng ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi

Ngày 6.10.2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1520/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn; Tăng cường nghiên cứu khoa học, thích nghi và ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, chú trọng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.