>> Đình Tuyển

Khách đam mê âm thanh cổ như trầm mình vào một không gian nhuộm màu quá khứ... Đó là một căn phòng trưng bày đầu băng cối được xem là quý giá bậc nhất ở miền Tây, tọa lạc tại số 71 Ngô Quyền, P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Chủ phòng trưng bày này là ông Dương Văn Đường, 51 tuổi, người được dân mê âm thanh cổ đất Tây Đô gọi vui là “vua” máy hát cổ miền Tây.

Dàn đầu băng cối Studer vè âm li đèn, loa cổ làm thủ công “khủng” của ông Dương Văn Đường

Lật từng cuộn băng cối xếp trên kệ, ông Đường lấy xuống album Hát cho quê hương Việt Nam của nữ danh ca Khánh Ly. Cuộn băng cối ra đời từ trước những năm 1975 nên hộp đựng nhìn rất cũ, list bài hát cũng đã ố vàng.

Những băng cối gốc cũ nhưng nghe vẫn còn rất tốt của ông Dương Văn Đường

Vừa lắp băng cối vào chiếc đầu Ferrograph đặt ở chính diện phòng trưng bày, ông Đường vừa kể, chiếc đầu băng cối này là một thương hiệu nổi tiếng ở Anh từ những thập niên 1960. “Tôi may mắn nhờ một người bạn ở Anh săn được rồi xách tay về. Tới giờ, nó vẫn chạy mượt mà, nghe sướng tai lắm”. Lát sau, tiếng hát Khánh Ly vang lên, nhẹ nhàng, da diết, chân thực như nghe ở phòng trà xưa.

Giọng ca Khánh Ly thời “tuổi đôi mươi” du dương, ma mị như “thôi miên” người hoài cổ. Ông Đường quay qua hỏi, “nghe khác mấy đĩa ra sau này đúng không?”. Những vị khách ngồi gần đó gật gù, chủ phòng trưng bày nói tiếp: “Sự lôi cuốn và cũng là đặc trưng của băng cối là giọng hát của ca sĩ luôn bao trùm lên nền nhạc đệm, là âm hưởng chủ đạo. Đó là sự khác biệt với nhạc điện tử sau này. Giọng hát của ca sĩ bị xử lý đôi khi chìm nghỉm trong âm thanh của nền nhạc “chát - bùm”.

Khách tới phòng trưng bày của ông Đường vừa để nghe nhạc vừa để ngắm những đầu băng cối xưa còn chạy tốt

Nhìn quanh, những vị khách ngồi trong căn phòng ai cũng trở nên lặng lẽ như đang thả hồn vào một khoảng riêng nào đó. Ngả người lim dim trên bộ sofa cũ giữa gian phòng, ông Huỳnh Tuấn Kiệt (ngụ P.An Hội, Q.Ninh Kiều) nói: “Mỗi lần nghe mấy bài này, những hồi ức thuở xưa cứ ùa về. Nghe hoài nghe hoài cũng không chán”. Phía bàn đối diện, ông Trần Văn Bé Sáu, ông Lê Quang Triệu (cùng ngụ Q.Ninh Kiều) cũng gật gù theo điệu của âm thanh xưa. Ông Bé Sáu bảo, “Sáng nào anh em cùng sở thích âm thanh cổ cũng tụ tập nói chuyện về nhạc, băng cối, âm ly đèn, nhâm nhi cà phê, nghe vài bản nhạc xưa rồi mới về với công việc hằng ngày”.

Quanh căn phòng trưng bày của ông Đường có khoảng 30 chiếc đầu băng cối, với đủ các thương hiệu đình đám một thời. Ngoài chiếc đầu Ferrograph đang du dương, còn có đầu Telefunken (Đức), Revox (Thụy Điển), Teac, Akai (Nhật Bản)... Mỗi chiếc đầu băng cối đó đều có giá trị từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, vài người bạn của ông Đường kháo rằng, đó mới chỉ là một phần trong bộ sưu tập “khủng” của người đàn ông được họ phong là “vua” máy hát cổ miền Tây.

Ông Dương Văn Đường và chiếc đầu băng cối Studer A80 còn như mới

Hôm đó, chủ phòng trưng bày máy hát cổ mời chúng tôi và một số bạn bè về nhà để nghe vài bản nhạc xưa bằng dàn nhạc đặc biệt mà ông còn cất. Đó là chiếc đầu băng cối Studer A80 (xuất xứ Thụy Điển). Sản xuất từ khoảng 40 năm trước nhưng chiếc Studer A80 của ông Đường dường như còn mới tinh. Phối chung với Studer A80 là dàn âm li đèn shindolatorabori “không đụng hàng”, dàn loa làm thủ công Vitavox CN 191 trị giá gần nửa tỉ đồng… “Những thứ quý giá này bây giờ đây dù có tiền cũng không thể mua được bởi ai còn sở hữu họ cũng sẽ giữ làm của cho riêng mình”, ông Đường nói.

Chiếc đồng hồ cổ làm thủ công từ năm 1812 được xem là rất quý hiếm đặt tại phòng trưng bày của ông Đường

Giống như chiếc Ferrograph, Studer A80 cũng được ông Đường “săn lùng” từ một phòng thu chuyên nghiệp bên Anh. “Tôi mê nhất là Studer A80 này dù nghe nhạc ngoại, hòa tấu hay kể cả nhạc dân ca của mình đều hay hết sẩy cả”, ông Đường nói. Và để chứng minh, chủ nhà mở cuộn băng cối của Tennessee Ernie Ford, danh ca nhạc đồng quê nổi tiếng của Mỹ vào thập niên 50 - 60 thế kỷ trước. Bản I don’t hurt anymore cất lên trầm ấm nhưng rõ ràng đến từng âm vực. Rồi sau đó là Ca dao em và tôi do ca sĩ Thu Hiền trình diễn. Âm thanh trong trẻo, ngân nga và trung thực như dàn nhạc của phòng thu chuyên nghiệp bây giờ. Những vị khách có mặt nhìn nhau trầm trồ, tâm đắc với dàn âm thanh cổ độc đáo của ông Đường.

Có người hỏi ông Đường đã dành bao nhiêu tiền của, thời gian cho những món đồ âm thanh thuộc về quá khứ? Trầm ngâm giây lát, “vua” máy hát cổ miền Tây kể, “Hơn 30 năm và đó là một niềm đam mê chất chồng, có những thứ không định giá được”. Ông cắt nghĩa thêm, “Đến bây giờ, tôi vẫn luôn nhớ những ngày tuổi thơ bên chiếc đầu băng cối Akai của cha mình. Giọng hát Thanh Thúy, Chế Linh, Khánh Ly... thuở ấy ngấm dần vào máu và trở thành một phần của cuộc đời. Nó hun đúc đam mê, thôi thúc tìm kiếm, sưu tầm. Và chỉ khi có máu đam mê thực thụ mới hiểu được giá trị của thời gian”, ông Đường nói.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Đình Tuyển

Báo Thanh Niên
04.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.