Vụ xâm hại rừng đặc dụng Thần Sa để tìm vàng: Thái Nguyên kiểm tra lần thứ 3!

Thái Sơn
Thái Sơn
18/10/2018 05:11 GMT+7

UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo Thanh tra tỉnh Thái Nguyên thanh tra lần 3 các hoạt động liên quan đến việc quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Thần Sa.

Sau 2 lần tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra các hoạt động xâm hại rừng đặc dụng Thần Sa (H.Võ Nhai) và đã có kết quả thì mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo Thanh tra tỉnh Thái Nguyên thanh tra các hoạt động liên quan đến việc quản lý bảo vệ rừng đặc dụng.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đỗ Đức Công, Chánh thanh tra tỉnh Thái Nguyên, xác nhận đơn vị này đang tiến hành thanh tra toàn diện việc quản lý, bảo vệ rừng cũng như hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản trong khu vực rừng đặc dụng Thần Sa thuộc Khu bảo tồn Thần Sa - Phượng Hoàng (xã Thần Sa, H.Võ Nhai, Thái Nguyên). Việc thanh tra toàn diện được tiến hành sau khi Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung tố cáo của công dân cũng như phản ánh của Báo Thanh Niên. “Chúng tôi đã tiến hành trong thời gian sớm nhất để có kết quả báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng là trước ngày 15.11”, ông Công nói.
...và đã được một số người âm thầm khắc phục
...và đã được một số người âm thầm khắc phục

Trước đó, ngày 19.9, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8965 gửi UBND tỉnh Thái Nguyên truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung tố cáo của ông Nguyễn Trường Thành, nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên, và phản ánh của Báo Thanh Niên cùng một số báo khác về việc Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng buông lỏng quản lý, để doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng và xây dựng nhiều công trình trái phép trên diện tích hàng chục héc ta rừng đặc dụng, chiếm đường dân sinh để sử dụng riêng cho việc khai khoáng.
Các vi phạm này có sự bao che của chính quyền tỉnh Thái Nguyên. Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên sau kiểm tra, xác minh có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Cần làm rõ việc mở đường dân sinh tới sát điểm mỏ
Như Thanh Niên đã phản ánh, từ đầu năm 2017 đến nay, giữa rừng đặc dụng Thần Sa xuất hiện một con đường bê tông chạy từ cửa rừng đến điểm khai thác vàng của Công ty đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long (trụ sở ở tỉnh Thái Nguyên).
Trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, doanh nghiệp này đã tiến hành nhiều hoạt động xâm hại rừng đặc dụng. Chưa hết, đường dân sinh của người dân sống trong vùng lõi rừng đặc dụng Thần Sa đã bị nhiều người dùng máy móc đào bới để tìm vàng. Sau khi báo chí nêu, từ cuối tháng 8, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp cùng một số đơn vị tiến hành kiểm tra.
Báo cáo của đoàn kiểm tra này cho biết có việc rừng đặc dụng Thần Sa bị xâm hại nhưng mức độ, tính chất rất nhỏ, với diện tích khoảng 1,7 ha. Đầu tháng 9, UBND tỉnh Thái Nguyên giao ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT, chủ trì đoàn công tác liên ngành kiểm tra, rà soát lại; qua đó xác định diện tích rừng bị xâm hại là 12,25 ha, trong đó có hơn 11 ha rừng đặc dụng. Tuy nhiên, các hành vi xâm hại rừng đặc dụng đã được cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên làm nhẹ đi bằng cách đưa ra nguyên nhân khách quan là việc quy hoạch rừng đặc dụng có sự chồng lấn, phức tạp và yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan hợp thức hóa cho các sai phạm này.
Điều đáng lưu ý, một trong những nội dung đã được Thanh Niên phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa được làm rõ là đoạn đường dân sinh dài hàng trăm mét vào xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, sát với điểm mỏ khai thác (được cấp phép) của Công ty đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long, đã bị nhiều loại máy móc đào bới, bóc hẳn cả nền đường để tiến hành hoạt động tìm vàng. Sau khi báo chí nêu, một số đối tượng đã “âm thầm” cho máy móc lấp nền trả lại đường đi cho dân. Tuy nhiên, hoạt động này lại tiếp tục xâm lấn rừng đặc dụng khi nhiều đối tượng đã cho máy móc ngoạm sâu vào trong núi, là diện tích rừng đặc dụng, để lấy đất đắp đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.