Vụ sông Mã bị 'đầu độc': Cần khởi tố vụ án ô nhiễm môi trường

29/04/2021 04:58 GMT+7

Ý kiến của luật sư cho rằng cần khởi tố vụ án hình sự về hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường khiến sông Mã bị ô nhiễm.

Và khi điều tra nếu có dấu hiệu hình sự thì khởi tố bị can để xác định trách nhiệm người gây ô nhiễm và bồi thường thiệt hại cho người dân.
Vụ đầu độc sông Mã đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm làm rõ trách nhiệm, để đảm bảo quyền lợi cho người dân và cả việc bảo vệ môi trường bền vững cho sông Mã.

Tiếng kêu cứu từ sông Mã: Dân kiệt sức vì cá bỗng nhiên chết hàng loạt

Chưa biết khi nào mới nuôi cá lồng trở lại

Sông Mã đoạn qua huyện Bá Thước và Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bị ô nhiễm, gây ra hệ lụy rất lớn khó đo đếm hết. Trước mắt, đã thấy rõ gần 60 tấn cá lồng (của người nuôi ở H.Bá Thước và H.Cẩm Thủy) bị chết trắng, khiến người dân bị thiệt hại tài sản. Hiện, hàng ngàn người nuôi cá lồng trên sông Mã đang hoang mang, lo lắng không biết khi nào nước sông Mã mới trở lại bình thường để khôi phục nghề nuôi cá; và không biết đến bao giờ các loài thủy sản mới hồi sinh để cuộc sống người dân chài ổn định.
Vợ chồng anh Trần Văn Lập (39 tuổi, ngụ xã Ái Thượng, H.Bá Thước) hơn 5 năm qua nuôi 3 đứa con ăn học và sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng trên sông Mã. Thế nhưng, qua 3 đợt cá chết (vào nửa đầu tháng 3) khiến cả 3 lồng cá trắm của gia đình anh chết sạch. Những chiếc lồng giờ nằm chỏng chơ chưa biết khi nào mới có thể nuôi lại cá. “Hơn 5 năm qua vợ chồng tôi chủ yếu làm nghề nuôi cá lồng. Đợt vừa rồi nước sông bị ô nhiễm, khiến cả 3 lồng cá trắm bị chết hết. Nói thật là chết 3 lồng cá thiệt hại mấy chục triệu cũng không đến nỗi khiến gia đình tôi kiệt quệ về kinh tế, nhưng điều tôi lo nhất là không biết khi nào nước sông Mã mới sạch, không bị ô nhiễm để còn tiếp tục nuôi cá. Đó mới là chuyện đáng lo của cả nhà tôi lẫn hàng trăm hộ nuôi cá trên sông Mã ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Bá Thước”, anh Lập nói.
Còn anh Nguyễn Ngọc Minh (31 tuổi, cư dân làng chài Lâm Xa 1, TT.Cành Nàng, H.Bá Thước) cho hay: “Gia đình tôi hai đời nay sống nghề chài lưới trên sông. Tôi theo bố mẹ đánh bắt thủy sản trên sông Mã từ bé, rồi giờ lấy vợ, có con cũng chỉ biết sống bằng nghề đánh bắt con tôm, con hến trên sông. Là dân chài nên không có đất ở, cũng không có đất sản xuất, nay đây mai đó, tất cả nhờ vào sông thôi. Giờ có tìm việc khác cũng khó, vì trình độ không có, sức lực thì có hạn. Hơn 1 tháng qua mấy chục hộ dân chài ở đây hầu như không có nguồn thu, vì đánh bắt trên sông không còn cá. Không biết khi nào các loài thủy sản mới hồi sinh…”.
Vụ sông Mã bị 'đầu độc': Cần khởi tố vụ án ô nhiễm môi trường1

Anh Trần Văn Lập (trái) lo lắng chưa biết khi nào mới nuôi lại được cá lồng

Cần khởi tố vụ án để điều tra vi phạm bảo vệ môi trường

Theo luật sư Phạm Hùng Thắng, Giám đốc Công ty luật TNHH Thắng Hoàng Gia (TP.Thanh Hóa), cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để điều tra về hành vi vi phạm công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, tiến hành điều tra, xác định có tội phạm hình sự hay không để khởi tố bị can. “Người bị thiệt hại trực tiếp là người nuôi cá lồng, và ảnh hưởng đến cả cộng đồng của khu vực sông Mã bị ô nhiễm. Việc khắc phục hậu quả đối với việc cá chết chỉ là một phần thôi. Còn khắc phục để sông Mã trở lại môi trường ban đầu thì đó mới là vấn đề lớn. Mà ở đây, không chỉ cá lồng chết, còn các loài thủy sản khác, rồi nguồn nước sông dùng tưới tiêu, nước thô để sản xuất nước sạch… rồi chưa biết khi nào sông Mã mới hồi sinh như trước. Do đó, thiệt hại đối với môi trường ở vụ việc này là cực kỳ lớn, nên trước tiên phải khởi tố vụ án hình sự, rồi sau đó nếu như xác định có đủ dấu hiệu hình sự thì khởi tố tiếp bị can”, luật sư Thắng nói.
Về trách nhiệm bồi thường cho người dân có cá lồng bị chết, luật sư Thắng cho rằng việc bồi thường thiệt hại cho người nuôi cá lồng là đương nhiên, kể cả trong trường hợp dân sự hoặc hình sự thì đều phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Đề cập đến vấn đề người dân có quyền làm đơn khởi kiện các doanh nghiệp gây ô nhiễm sông Mã để đòi bồi thường hay không, luật sư Thắng cho rằng người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, nếu đẩy người dân vào trong cuộc chiến pháp lý, tức là phải tự chủ động đi khởi kiện đòi bồi thường là vô cùng phức tạp và vô cùng khó khăn.
Luật sư Thắng lý giải: “Nếu người dân khởi kiện, tức là người dân phải đi chứng minh họ bị thiệt hại, thiệt hại bao nhiêu. Cái nữa là người dân phải chứng minh được người nào là người gây thiệt hại. Để người dân hiểu được vấn đề về pháp lý trong vụ việc này không dễ dàng. Rồi người dân đi khởi kiện mà tòa án có thẩm quyền tuyên một bản án có hiệu lực, để lấy được tiền bồi thường thì đó là cả một cuộc chiến dài về pháp lý. Trong khi, ở vụ việc này, việc để cho doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm có trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước, thì bây giờ cơ quan nhà nước phải đứng ra để giải quyết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.