Vụ sai phạm nghiêm trọng tại IPC: Bất thường chuyển nhượng dự án

19/05/2019 06:38 GMT+7

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang tiếp tục điều tra làm rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Ngày 18.5, nguồn tin Thanh Niên cho biết Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Trước đó, ngày 14 - 15.5, Cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc IPC để điều tra về tội “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Liên quan đến các sai phạm tại IPC, bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, công ty liên kết IPC) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng cùng về 2 tội danh trên.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, vào các năm 2016, 2017, ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc IPC, còn giữ vai trò đại diện vốn nhà nước tại 4 công ty, vượt mức tối đa theo quy định (không quá 3 doanh nghiệp) của luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Vào thời điểm lũng đoạn Sadeco và bước đầu bị xác định gây thiệt hại 153 tỉ đồng tại công ty này, ông Tề Trí Dũng vừa là Tổng giám đốc IPC, vừa giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Sadeco. Còn bà Hồ Thị Thanh Phúc, khi đang làm trưởng phòng phát triển kinh doanh của IPC, được Tề Trí Dũng bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Sadeco; và bà này còn là thành viên Hội đồng quản trị Sadeco.
Một điểm rất đáng chú ý, là riêng đối với Tề Trí Dũng khi nắm quyền lực chi phối, không chỉ lũng đoạn tài sản nhà nước tại Sadeco, tại Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC)... thông qua “chiêu” tăng vốn điều lệ, bán cổ phần cho tư nhân thâu tóm, bị can này có “dính” đến sai phạm tại nhiều phi vụ khác.

Mua lại nền trên chính đất mình là chủ đầu tư

Nghiêm trọng nhất là tại dự án (DA) khu dân cư Long Hậu, xã Long Hậu, H.Cần Giuộc (Long An). Theo tìm hiểu của PV, IPC được UBND tỉnh Long An chấp thuận là chủ đầu tư của DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Long Hậu; và IPC đã thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho các hộ dân. Sau đó, IPC hợp tác đầu tư với Công ty CP đầu tư xây dựng giao thông Hồng Lĩnh (Công ty Hồng Lĩnh) thực hiện.
Theo nội dung hợp đồng hợp tác, thì Công ty Hồng Lĩnh sẽ hoàn trả cho IPC toàn bộ chi phí bồi thường và chi phí ban đầu mà IPC đã đầu tư theo giá trị sổ sách. Theo đó, Công ty Hồng Lĩnh sẽ thực hiện đầu tư xây dựng DA, được quản lý và chuyển nhượng các sản phẩm của DA; IPC được mua nền phục vụ tái định cư theo diện tích được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (cụ thể, diện tích là 60.276 m2 và đơn giá là 630.000 đồng/m2)... Khi phát hiện dấu hiệu sai phạm qua thanh tra bước đầu, Thanh tra TP.HCM khẳng định các nội dung thỏa thuận về hợp tác đầu tư giữa IPC và Công ty Hồng Lĩnh không phù hợp nội dung hợp đồng hợp tác, trái quy định pháp luật.
Theo Thanh tra TP.HCM, phần diện tích còn lại của DA, Công ty Hồng Lĩnh được toàn quyền kinh doanh là không hợp lý, vì IPC là chủ đầu tư, nhưng phải mua lại nền trên khu đất mình là chủ đầu tư thực hiện DA.
Mặt khác, việc hợp tác đầu tư không xác định cụ thể giá trị, tỷ lệ góp vốn của mỗi bên và phân chia sản phẩm, lợi nhuận theo giá trị vốn góp, là không đúng với nguyên tắc hợp tác đầu tư phân chia lợi nhuận.
Thanh tra TP.HCM phân tích theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác cho thấy Công ty Hồng Lĩnh mới thực sự là chủ DA, thực hiện và kinh doanh các sản phẩm DA. Hợp đồng hợp tác đầu tư số 70/HĐHTĐT-2006 ngày 24.10.2006 thực chất là hợp đồng chuyển nhượng DA. Việc chuyển nhượng này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là trái quy định tại khoản 1, điều 21 luật Kinh doanh bất động sản.

Không đảm bảo quyền lợi cho IPC

Cũng theo Thanh tra TP.HCM, IPC thỏa thuận hợp tác nhưng không xác định lại giá trị đã đầu tư vào DA theo giá thị trường để hợp tác đầu tư (Công ty Hồng Lĩnh hoàn trả các chi phí đầu tư ban đầu cho IPC theo giá trị sổ sách, không thẩm định theo giá thị trường tại thời điểm hợp tác), là không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của IPC. IPC là chủ đầu tư DA nhưng phải mua nền của Công ty Hồng Lĩnh để thực hiện công tác tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án KCN Long Hậu và DA khu dân cư Long Hậu (theo giá tái định cư), trong khi đó Công ty Hồng Lĩnh được kinh doanh toàn bộ phần diện tích còn lại (theo giá kinh doanh). Như vậy, theo nội dung hợp đồng hợp tác đầu tư không có lợi cho IPC.
Các đất nền tái định cư đã được giao cho người dân để định cư, còn nền kinh doanh thì Công ty Hồng Lĩnh đã bán, nhưng vào thời điểm thanh tra (2018) Công ty Hồng Lĩnh chưa thực hiện hết trách nhiệm trong hợp đồng, như chưa hoàn thành việc đầu tư hạ tầng của DA, chưa hoàn trả đủ chi phí đầu tư ban đầu của IPC theo thỏa thuận hợp đồng, chưa giao đủ nền tái định cư cho IPC và chưa nộp tiền sử dụng đất. Việc Công ty Hồng Lĩnh bán đất nền khi chưa thực hiện hết trách nhiệm, nhưng IPC không quản lý, kiểm tra, giám sát để Công ty Hồng Lĩnh bán nền đất (người dân đã xây dựng nhà ở) là thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý.
Như vậy, việc hợp tác đầu tư giữa IPC và Công ty Hồng Lĩnh gây thiệt hại cho IPC, vì IPC bị chiếm dụng tài sản, vốn... Chi phí mà IPC đã đầu tư hơn 108 tỉ đồng, gồm tiền bồi thường, khảo sát, đo đạc, chi phí quản lý, tiền sử dụng đất và chi phí mua lại nền tái định cư của các hộ dân hơn 22 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo, ngày 21.6.2018, Công ty Hồng Lĩnh và IPC có biên bản đối chiếu xác nhận số liệu. Qua đó, Công ty Hồng Lĩnh chi trả toàn bộ chi phí mà IPC đã đầu tư vào DA và chi trả thêm chi phí sử dụng vốn (lãi suất ngân hàng đối với phần chi phí IPC đã đầu tư) với tổng số tiền là hơn 150 tỉ đồng. Tính đến thời điểm ngày 13.8.2018, Công ty Hồng Lĩnh đã chi trả số tiền và nền đất tương đương cho IPC chỉ hơn 69 tỉ đồng.
“Dây dưa” hàng chục tỉ
Diện tích đất nền của DA khu dân cư Long Hậu làm quỹ đất bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng của DA KCN Long Hậu (do Công ty CP Long Hậu là chủ đầu tư) chiếm phần lớn diện tích bố trí tái định cư, là 54.867 m2/60.276 m2, chiếm tỷ lệ 91%. Theo phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, thì người dân thuộc diện được tái định cư mua nền với giá 398.000 đồng/m2 hoặc 564.000 đồng/m2 (tùy theo từng trường hợp), trong khi IPC mua nền từ Công ty Hồng Lĩnh với giá 630.000 đồng/m2.
Theo Thanh tra TP.HCM, Công ty CP Long Hậu là một pháp nhân độc lập, nhưng IPC bố trí tái định cư cho dự án KCN Long Hậu không tính theo giá thị trường, hơn nữa còn phải chịu phần chênh lệch giữa giá mua của Công ty Hồng Lĩnh và giá bán cho các hộ tái định cư (630.000 đồng/m2 - 398.000 đồng/m2, hoặc 630.000 đồng/m2 - 564.000 đồng/m2). Như vậy, việc IPC không xác định giá thị trường để Công ty CP Long Hậu có trách nhiệm chi trả cho IPC là không đảm bảo quyền lợi của IPC, dẫn đến thiệt hại cho IPC.
IPC đã bố trí tái định cư 100% cho các hộ dân của dự án KCN Long Hậu, nhưng đến thời điểm bị thanh tra, IPC và Công ty CP Long Hậu vẫn chưa xử lý khoản tiền mà IPC đã bố trí tái định cư cho Công ty CP Long Hậu. Như vậy, IPC không quản lý chặt chẽ, không xử lý kịp thời, thể hiện sự thiếu trách nhiệm để Công ty CP Long Hậu chiếm dụng tiền, tài sản trong một thời gian dài, nhưng không xử lý, gây thiệt hại cho IPC.
Đến ngày 19.4.2018, Công ty CP Long Hậu và IPC mới có bản thỏa thuận nguyên tắc với nội dung Công ty CP Long Hậu chi trả cho IPC toàn bộ chi phí tái định cư và 10% lợi nhuận định mức và lãi suất ngân hàng. Tính đến ngày 14.8.2018, Công ty CP Long Hậu đã chi trả cho IPC số tiền hơn 74 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là số tạm thu vì chưa xác định được số liệu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.