Vụ nhà 8B Lê Trực, Hà Nội: Câu hỏi lớn từ một công trình sai phạm

09/12/2019 04:42 GMT+7

Trong vòng 4 năm kể từ tháng 11.2015, Thủ tướng 6 lần yêu cầu UBND TP.Hà Nội “tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm” tại dự án số 8B Lê Trực (Q.Ba Đình). Thế nhưng, những sai phạm của công trình này vẫn tồn tại, thách thức hiệu lực quản lý nhà nước ở ngay trung tâm của thủ đô!

Sự “quyết liệt”... nhỏ giọt!
Theo UBND TP.Hà Nội, sau khi Thủ tướng chỉ đạo lần đầu vào tháng 11.2015, gần 1 năm sau, tháng 10.2016, UBND Q.Ba Đình đã tháo dỡ tầng 19 và tum thang. Sau việc này, UBND Q.Ba Đình bị chủ đầu tư khởi kiện (nhưng tháng 3.2018, TAND TP.Hà Nội đã có quyết định đình chỉ vụ án).
Gần 2 năm sau khi tháo dỡ lần 1, tháng 5.2018, UBND TP.Hà Nội mới có thêm cuộc họp với các đơn vị có liên quan, mời nhà đầu tư và đại diện Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, tham dự; cuộc họp thống nhất giao UBND Q.Ba Đình làm chủ đầu tư cho việc tháo dỡ các tầng 17, 18 của công trình.

Tại sao tất cả công trình vi phạm đều rất khó khăn trong giải quyết? Ách tắc trong xử lý là tình trạng chung của Hà Nội, không chỉ 8B Lê Trực mà rất nhiều công trình khác, có vi phạm nhưng vẫn tồn tại, HH Linh Đàm chẳng hạn. Liệu có gì gắn với tham nhũng ở đây không?

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT

Đến tháng 7.2018, xác định “hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư là rõ ràng, có tính hệ thống”, mặc dù “đã tạo điều kiện để chủ đầu tư tự khắc phục nhưng chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc”, Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu vi phạm sang Cơ quan CSĐT; giao UBND Q.Ba Đình cưỡng chế giai đoạn 2. Nhưng đến nay đã gần 1 năm rưỡi, việc cưỡng chế chưa diễn ra, do lo ngại về an toàn kết cấu.
Tháng 4.2019, dự án được đưa vào diện được Thành ủy Hà Nội đôn đốc thực hiện nhưng đến nay, theo UBND TP.Hà Nội, dự án vẫn đang “chờ Bộ Xây dựng cho ý kiến và phối hợp hướng dẫn xử lý” để phá dỡ công trình một cách an toàn. Theo đó, UBND Q.Ba Đình sẽ tiếp tục triển khai việc tháo dỡ, dự kiến hoàn thành trong năm 2019, tức chỉ còn hơn 20 ngày nữa.
Chúng tôi đã liên tục liên lạc với lãnh đạo UBND Q.Ba Đình để hỏi về tiến độ này nhưng chưa có câu trả lời. Đại diện UBND TP.Hà Nội cũng chỉ cho biết sẽ phản hồi khi có báo cáo của quận và Sở Xây dựng.

“Nếu vẫn không xử lý được thì phải có ai đó từ chức”

Trao đổi với Thanh Niên chiều 8.12, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, cho biết: “Tôi đã chất vấn Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề này và đã nhận được cả câu trả lời ở hội trường Quốc hội, lẫn bằng văn bản. Bộ thì nói “sẽ phối hợp” với Hà Nội, Hà Nội thì “đang phối hợp với Bộ”. TP.Hà Nội cũng cho biết đã giao Q.Ba Đình, Sở Xây dựng phải dứt điểm trong thời gian này thời gian kia. Nhưng công trình vẫn như vậy, như là người ta định cố tình chây ì để rồi hợp pháp hóa sai phạm?”.

Có thể điểm danh ngay các lãnh đạo cần kiểm điểm

Cần phải kiểm điểm các cơ quan hữu quan, cá nhân lãnh đạo liên quan đến vụ việc rằng vì sao chậm trễ xử lý một công trình sai phạm tai tiếng như vậy. Có thể điểm danh ngay các lãnh đạo cần kiểm điểm vụ này là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND Q.Ba Đình; ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội; ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng... Chậm trễ như vậy là biểu hiện không nghiêm. Người dân có quyền đặt hàng loạt câu hỏi như: Có tư duy nhiệm kỳ không? Có né tránh, nể nang không? Có sợ trách nhiệm không? Có há miệng mắc quai không?

Không thể để ì ạch như vậy được. Từ những vụ như thế này, có rất nhiều bài học về quản lý, điều hành. Bộ máy có “mạnh khỏe” thì vận hành mới trơn tru. Trước đến nay, các lãnh đạo nói đã rất hay rồi, nhưng vào việc cụ thể thì trì trệ thế này.
Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư)
Cũng theo đại biểu Hồng, cử tri rất gay gắt về vụ việc, cho rằng có chuyện mờ ám. “Người ta nói rằng không có vùng cấm, nhưng hình như có “vùng rụt rè”, ông Hồng nói và cho rằng: “Nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ thì cưỡng chế, thậm chí phải xem xét về mặt hình sự vì có dấu hiệu vi phạm quy định về xây dựng. Thủ tướng nói mà không xử lý được nữa thì có ai đấy phải từ chức về việc này, phải dứt khoát để xử lý các công trình khác. Cử tri không chấp nhận việc để vi phạm lâu như thế. Người ta nói rằng xử dân thì rất dễ, nhưng xử lý những người có trách nhiệm thì rất khó. Nếu 8B Lê Trực không giải quyết được, thì các công trình của Mường Thanh, các nhà đầu tư khác cũng không giải quyết được”.

Sau hơn 4 năm, Hà Nội mới chỉ cắt ngọn được tầng 19 và tum thang công trình 8B Lê Trực

Ảnh: Lê Quân

Cũng bất bình về công trình này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng cái khó ở đây là đã để hành vi vi phạm hoàn thành, nhưng không có nghĩa là không xử lý được. “Tại sao tất cả công trình vi phạm đều rất khó khăn trong giải quyết? Ách tắc trong xử lý là tình trạng chung của Hà Nội, không chỉ 8B Lê Trực mà rất nhiều công trình khác, có vi phạm nhưng vẫn tồn tại, HH Linh Đàm chẳng hạn. Liệu có gì gắn với tham nhũng ở đây không? Tôi không nói tất cả, nhưng cấp quản lý trực tiếp mà dính thì sẽ rất khó khăn. Có thể là lãnh đạo TP chỉ đạo, nhưng cấp dưới không làm”, ông Võ đặt nghi vấn.
Theo GS Đặng Hùng Võ, tòa nhà 8B Lê Trực “thì buộc phải cắt, vì nó không chỉ là câu chuyện kinh tế, lợi ích, còn là câu chuyện an ninh nữa”. “Với những vi phạm như thế này, khó mấy cũng phải làm đúng quy định, đừng vận dụng một cách xuê xoa. Đây còn là uy tín của chính quyền trong mắt người dân, chứ không chỉ là chuyện lợi ích, hay trừng phạt người làm sai”, ông Võ nói thêm.

6 lần Thủ tướng chỉ đạo vẫn chưa xong

Vượt lên câu chuyện về một dự án, GS Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi: “Tại sao Thủ tướng chỉ đạo đến 5, 6 lần mà cấp dưới không làm? Chính Thủ tướng cũng đã nhiều lần bảo còn tình trạng trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh, trên trải thảm dưới rải đinh. Đất nước phải có kỷ cương, sao đến mức Thủ tướng phải than phiền trên bảo dưới không nghe. Đấy cũng là câu hỏi lớn”. Ông Võ cho rằng việc ai muốn làm gì thì làm, cấp trên không “khiển” được cấp dưới là điều rất đáng lo ngại cho một hệ thống hành chính thiếu kỷ cương và “hình như thể chế xây dựng hệ thống của chúng ta có vấn đề?”.

Rất nhiều cách xử lý sai phạm

Kết cấu tòa nhà khá phức tạp, phá dỡ sẽ rất tốn kém và phải thường xuyên quan trắc suốt quá trình thi công. Có biện pháp đơn giản là xây bịt toàn bộ 2 tầng 17 và 18, không cho chủ đầu tư sử dụng hoặc TP.Hà Nội quản lý sử dụng phần diện tích này. Đến nay, sau khi hoàn thành kiểm định, IBST đã xin không tham gia vào quá trình lập phương án xử lý. Thời gian tới, nếu Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo tham gia, IBST sẽ sẵn sàng.

Đại diện Viện Khoa học công nghệ xây dựng Bộ Xây dựng - đơn vị kiểm định công trình để xây dựng phương án phá dỡ giai đoạn 2
“So với các nước, văn hóa quản lý của VN có vấn đề lớn”, GS Võ nói. Trước đây, chúng ta phàn nàn văn hóa xin lỗi của VN kém quá, thì giờ quan chức xin lỗi liên tục, nhận trách nhiệm liên tục. Có một tiến bộ rất lớn là họ đã biết xin lỗi, nhưng xin lỗi xong mà an toàn thì xin lỗi cũng là “giải pháp” hay. Vấn đề là tiếp sau xin lỗi là gì nữa?
“Ở các nước, chỉ cần sơ sẩy gì trong phạm vi quản lý của mình là người ta từ chức ngay. Tại sao ta thì giữ ghế chặt thế, mà các nước từ chức lại dễ dàng thế? Bởi vì ở đó, không từ chức thì người ta cũng bị miễn nhiệm. Mà ta thì giữ chặt ghế là mục tiêu chính. Hệ thống hành chính của chúng ta phải cải thiện lên mức tốt hơn, những người giữ nhiệm vụ mà thấy mình làm không tốt thì biết rút lui; còn nếu anh cố tình không biết xấu hổ thì cấp trên phải có giải pháp miễn nhiệm. Phải rất mạch lạc như thế thì hệ thống mới mạnh được”, theo GS Võ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.