Vụ nguyên cán bộ Petroland gây thiệt hại 50,6 tỉ đồng: Kháng nghị tăng án

Phan Thương
Phan Thương
22/01/2021 18:14 GMT+7

Theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, bản án sơ thẩm liên quan sai phạm tại Petroland, HĐXX áp dụng sai nhiều tình tiết giảm nhẹ, từ đó tuyên phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt không đúng, trái pháp luật...

Chiều 22.1, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với 8 bị cáo trong vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Công ty CP đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland).
Kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng, tăng hình phạt đối với 8 bị cáo: Bùi Minh Chính (nguyên Chủ tịch HĐQT Petroland), Phạm Thúy Nga (nguyên Kế toán trưởng Petroland), Nguyễn Thị Hoàng Yến (nguyên Trưởng bộ phận kinh doanh sàn giao dịch Petroland); Lê Tú Phương, Nguyễn Bá Hội, Dương Công Thọ, Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, Nguyễn Thế Công (đều là giám đốc các công ty môi giới).
Theo kháng nghị, bản án sơ thẩm áp dụng hình phạt cho các bị cáo là nhẹ, không nghiêm; có vi phạm về áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dẫn đến quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt; vi phạm về xử lý trách nhiệm dân sự và án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án có đồng phạm.

Khắc phục 15% thiệt hại, vẫn được cho là "khắc phục hậu quả" 

Cụ thể, về hình phạt đối với 3 bị cáo thuộc Petroland, theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, các bị cáo đã dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái quy định, cùng đồng phạm gây thiệt hại cho Petroland đặc biệt lớn, hơn 50,6 tỉ đồng.
“Thiệt hại trên là gấp 50 lần số tiền định khung hình phạt theo khoản 3 Điều 356 bộ luật Hình sự năm 2015 - BLHS (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với khung hình phạt từ 10 – 15 năm tù, nhưng cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Chính 7 năm tù, Nga 3 năm tù, Yến 5 năm tù, nhóm bị cáo thuộc các công ty môi giới từ 2 – 5 năm tù là không tương xứng với tính chất, mức độ, và hậu quả mà hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra. Do đó không có sức răn đe, phòng ngừa tội phạm chung, cần tăng hình phạt đối với các bị cáo”, kháng nghị thể hiện.
Ngoài ra, theo kháng nghị, quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS thì việc các bị cáo giao nộp số tiền thu lợi bất chính không được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trường hợp bị cáo tự nguyện nộp ít nhất 1/2 số tiền thu lợi bất chính thì HĐXX có thể xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 51.
Tuy nhiên, trong vụ án, số tiền các bị cáo giao nộp là rất nhỏ so với thiệt hại mà các bị cáo gây ra - hơn 7,7 tỉ đồng, tương đương 15%. Vì vậy, cấp sơ thẩm áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS, khắc phục hậu quả để dẫn tới xử phạt dưới khung là không đúng, có thiếu sót.

Sơ thẩm "bỏ lọt" tình tiết tăng nặng

Đối với các bị cáo Nga, Phương, Thọ, Tuyền được HĐXX sơ thẩm xác định là người phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể, để áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS, để tuyên phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề.
Nhưng theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, những bị cáo này cố ý thực hiện tội phạm, nhiều lần giúp sức cho Chính gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Petroland; vừa là đồng phạm giúp sức tích cực, vừa là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, nên cần áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên”, không đủ điều kiện để được áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS.
“Riêng bị cáo Yến chỉ có một tình tiết giảm nhẹ nhưng bản án sơ thẩm vẫn xử phạt bị cáo Yến 5 năm, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là trái pháp luật và vi phạm nghiêm trọng”, kháng nghị nhấn mạnh…
 Kháng nghị cũng nêu, bản án sơ thẩm có thiếu sót khi không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội có tổ chức" đối với các bị cáo đã gây thiệt hại cho Petroland. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.