Vụ 'đánh nữ sinh sau va chạm giao thông': Nhóm 'anh em xã hội' có vi phạm?

Bích Ngân
Bích Ngân
10/12/2020 14:43 GMT+7

Liên quan vụ 'đánh nữ sinh sau va chạm giao thông', đối với nhóm 'anh em xã hội' xông vào nhà bắt giữ, hành hung Lê Tấn Thành, chuyên gia pháp lý cho rằng đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Trước đó, chiều 7.12, một đoạn clip dài gần 3 phút được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người phẫn nộ với cảnh một nam thanh niên liên tiếp đạp, đá, dùng gậy ba khúc đánh vào mặt một nữ sinh sau khi va chạm giao thông.
Công an TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã bắt giữ khẩn cấp nghi phạm Lê Tấn Thành (29 tuổi, ngụ Bình Dương) để điều tra về hành vi trên.

Phẫn nộ cảnh thanh niên “hổ báo” đá liên tiếp vào mặt nữ sinh sau va chạm

Đáng lưu ý, sau khi vụ "đánh nữ sinh sau va chạm giao thông" xảy ra, Thành đã bị một nhóm "anh em xã hội" tìm đến nhà bắt giữ rồi hành hung nhưng không giao nộp cho công an. Lãnh đạo Công an TP.Thủ Dầu Một cho biết hành vi của nhóm người này cũng sẽ bị xem xét xử lý.
Chuyên gia pháp lý nhận định hành vi tự ý xông vào nhà bắt giữ, hành hung người khác chỉ vì bức xúc một vấn đề nào đó trong cuộc sống là có dấu hiệu phạm tội. Tùy vào mức độ hậu quả gây ra mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có dấu hiệu của tội phạm

Quá khứ bất hảo của kẻ đánh trọng thương nữ sinh ở Bình Dương

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư (LS) Ngô Huỳnh Phương Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết hành vi của nhóm người tự ý xông vào nhà bắt giữ rồi hành hung Thành có thể bị xử phạt hành chính do gây mất an ninh trật tự, hoặc cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu của tội phạm.
Việc Thành được cho là "có hành vi côn đồ, hung hãn liên tiếp đánh, đạp vào mặt và đầu khiến nữ sinh bị trọng thương" thì đã có cơ quan chức năng xem xét, xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, nhóm "anh em xã hội" chỉ vì bức xúc, bất bình mà tìm đến nhà bắt giữ, hành hung Thành rồi phát tán clip “xử lý” Thành lên mạng xã hội, là hành vi sai trái.
“Trường hợp này, Thành là nạn nhân của một vụ hành hung không có mâu thuẫn cá nhân từ trước. Trong khi đó, Thành còn bị công khai hình ảnh bị hành hung lên mạng xã hội xâm phạm quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của một cá nhân. Do đó, tùy vào mức độ thương tích, cũng như động thái gửi đơn tố cáo của Thành mà cơ quan chức năng có thể xử lý hành chính hoặc hình sự nhóm người này”, LS Thảo phân tích.
Về góc độ xã hội, nếu chỉ vì bất bình một cá nhân nào đó có hành vi sai phạm rồi tự ý bắt giữ, hành hung gây tổn hại sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của họ là việc làm vô pháp, khi “lấy một cái sai để xử lý cái sai”.
Để bảo vệ chính bản thân, mỗi người dân khi thấy người khác sai phạm nên thực hiện quyền tố giác tội phạm để cơ quan chức năng có thể can thiệp xử lý kịp thời.
Người dân tuyệt đối không nên tự ý hành động “ăn miếng trả miếng”, can thiệp kể cả sự việc có liên quan đến quyền và lợi ích của bản thân hay không.
Do trong một số trường hợp, hành vi ẩu đả một cách chủ quan có thể cấu thành tội phạm khiến cuộc sống của một người đáng lẽ không liên quan hoặc bị hại trở thành bị can trong một vụ án không đáng có, LS Thảo lưu ý.
Ngày 8.12, lãnh đạo Công an TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết đã bắt giữ Lê Tấn Thành (29 tuổi, ngụ Bình Dương) để điều tra hành vi đánh 1 nữ sinh trọng thương sau va chạm giao thông.
Trước đó, chiều 7.12, Thành điều khiển xe máy BS 95E1-800.61 chở theo 1 cô gái đi trên đường Bùi Ngọc Thu. Khi đến đoạn qua KP.5 (P.Tương Bình Hiệp), Thành bất ngờ cho xe rẽ trái khiến 2 học sinh nữ đi xe đạp điện phía sau không kịp trở tay, tông vào đuôi xe của Thành làm cả hai xe ngã đổ.
Sau đó, Thành bỏ xe đá, đạp liên tiếp vào mặt nữ sinh điều khiển xe đạp điện. Khi em này gục xuống đường, Thành tiếp tục dùng cây ba trắc đánh nhiều nhát vào đầu nạn nhân, gây vết rách trên đỉnh đầu dài hơn 4 cm. Toàn bộ vụ việc được camera của nhà dân ghi lại, sau đó được đưa lên mạng xã hội gây bức xúc dư luận. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.