Vụ chết người do lọt hố ga công trình: Chủ đầu tư nhận trách nhiệm

23/10/2016 08:00 GMT+7

Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, nói: 'Đây là bài học kinh nghiệm cần rút ra. Về phía chủ đầu tư, chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm'

Chiều 22.10, một ngày sau cái chết đau lòng của người đàn ông xấu số do lọt xuống hố ga sâu khoảng 2 m đang thi công nhưng không có rào chắn, PV Thanh Niên đã phỏng vấn với những người có trách nhiệm liên quan đến công trình.
Tháo dây cảnh báo rồi bỏ đi…
Chiều 22.10, từ Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, đơn vị chủ đầu tư dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), cho biết ngay sau vụ một người đàn ông trong lúc chạy đón xe buýt đã không may lọt xuống hố ga sâu và tử vong tại chỗ, trung tâm đã họp với nhà thầu, tư vấn giám sát để phân định trách nhiệm của từng đơn vị. Mặt khác, cơ quan công an đang khám nghiệm tử thi nạn nhân để có kết luận. Đến giờ này vẫn chưa có người nhà nạn nhân đến xác nhận nhân thân.
Theo ông Công, trong quá trình thi công, các công nhân đã tháo dây cảnh báo bao quanh miệng cống ra rồi bỏ đi uống nước nhưng lại không bố trí người đứng canh. Đây là cái sai của đơn vị thi công. “Khi tháo dây để thi công, đúng ra phải có biển chỉ dẫn. Đây là bài học kinh nghiệm cần rút ra. Về phía chủ đầu tư, chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm”, ông Nguyễn Ngọc Công nói. Theo trung tâm chống ngập, đơn vị thi công là Công ty TNHH liên danh VIC. Chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu hỗ trợ chi phí mai táng, bồi thường thiệt hại, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan viết tường trình cụ thể. Mặt khác, sẽ lập đoàn kiểm tra vấn đề an toàn lao động tại công trình.
Nhà thầu đã nhiều lần bị xử phạt
Về phía Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, ông Nguyễn Bật Hận, Phó chánh thanh tra, cho biết dự án trên có 3 gói thầu chính, do 3 nhà thầu thi công. Thời gian qua lực lượng thanh tra đã kiểm tra, xử phạt tương đối nhiều đối với các vi phạm, trong đó có nhà thầu VIC tại công trình này, như thiếu biển công bố thông tin, biển báo rào chắn… Phân tích về khía cạnh chuyên môn, ông Nguyễn Bật Hận cho rằng, tại vị trí xảy ra tai nạn chết người, các công nhân đang thi công để nâng nắp hầm ga lên, nên phải mở ra để đổ bê tông. Tuy nhiên, nếu cạy nắp ra mà không có người đứng canh, hoặc rào lại xung quanh để xảy ra chết người đi đường là lỗi của đơn vị thi công. Còn không, thì phải rào chắn xong mới được kéo nắp. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng phải chờ cơ quan công an.
Về phía chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh đề nghị: “Phải truy trách nhiệm của nhà thầu trong việc đặt rào chắn, biển cảnh báo. Thậm chí, trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát, của chủ đầu tư là trung tâm chống ngập do thiếu kiểm tra”. Theo ông Sanh, một công trình lớn ngay giữa TP.HCM mà lại xảy ra tình trạng cống không rào chắn, không nắp đậy là không thể chấp nhận. Dẫn chứng trường hợp bé trai tử vong tại tỉnh Bình Dương do lọt cống vừa qua, chủ đầu tư là Công ty Đại Nam phải đứng ra xin lỗi và nhận trách nhiệm, ông Sanh cho rằng cần xem xét khởi tố vụ án để làm gương.
Dự án chống ngập gây ngập
Đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM làm chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước, có chiều dài khoảng 3,6 km từ vòng xoay An Lạc đến mũi tàu Phú Lâm. Với vốn đầu tư lên đến hơn 730 tỉ đồng, tưởng chừng khi thực hiện sẽ giúp người dân bớt khổ vì cảnh ngập lâu nay. Thế nhưng nỗi ám ảnh ngập nước thời gian qua lại kinh hoàng hơn. Người dân điêu đứng bởi một trong những hạng mục quan trọng để chống ngập của dự án này là nâng đường cao đến 2 m. Hàng loạt ngôi nhà bị xây tường gạch cao hơn 1 m bít hết mặt tiền. Đáng nói, đơn vị thi công triển khai công trình ngay mùa mưa khiến nước ngập trút thẳng vào nhà dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.